Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp lạc quan về triển vọng thương mại

Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam tin rằng, kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong vài tháng tới; 54% số doanh nghiệp dự đoán khối lượng giao dịch thương mại sẽ tăng, đạt tỉ lệ cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

 
                                                   Biến động tỉ giá ngoại tệ là vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm (ảnh: hữu Nghị).
 
Đây là kết quả cuộc khảo sát về Chỉ số tin cậy thương mại của HSBC, nhằm tìm hiểu mức độ tin cậy của các DNNVV (doanh nghiệp nhỏ và vừa) Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
 
Tại Việt Nam, 300 DNNVV - là các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 10 triệu USD - hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất, bán sỉ và lẻ, và trong ngành công nghiệp xây dựng tham gia vào cuộc khảo sát.
 
Hơn 2.100 lãnh đạo của các DNNVV có hoạt động xuất nhập khẩu tại Úc, Hồng Kông, Ấn Độ, Trung Quốc đại lục, Singapore, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Việt Nam tham gia khảo sát đã đưa ra các dự đoán cho ba tháng tới về khối lượng giao dịch thương mại xuất nhập khẩu, các rủi ro từ phía người mua và rủi ro nhà cung cấp không thực hiện đúng thỏa thuận thương mại, tài trợ thương mại, tác động của tỉ giá và các luật định thương mại của chính phủ.
 
Kết quả khảo sát được sử dụng để tính chỉ số tin cậy thương mại, xếp từ 0 đến 200; trong đó, 200 thể hiện mức độ tin cậy cao nhất, 0 thể hiện mức thấp nhất và 100 là trung bình.
 
Cùng với các thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam có cái nhìn lạc quan về nền kinh tế toàn cầu cao hơn các thị trường phát triển khác như Úc, Singapore và Hồng Kông.
 
Kết quả của Việt Nam trong cuộc khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp tham gia trả lời vẫn giữ quan điểm lạc quan về triển vọng giao thương quốc tế trong ba tháng tới.
 
Hơn một nửa (54%) doanh nghiệp dự đoán sản lượng thương mại sẽ tăng - đây là tỉ lệ cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát. Tuy nhiên có đến 46% các doanh nghiệp ở Hồng Kông - tỉ lệ cao nhất trong khu vực - cho rằng khối lượng thương mại sẽ giảm.
 
Trong ba tháng tới, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam và Trung Quốc (72%) tin rằng mức độ rủi ro sẽ không đổi. Tuy nhiên, khoảng 1/3 doanh nghiệp được hỏi tại Úc (36%), Ấn Độ (34%) và Hồng Kông (31%) dự đoán rủi ro thanh toán sẽ tăng.
 
Khi được hỏi về các biện pháp doanh nghiệp sử dụng để tự bảo vệ mình khỏi các rủi ro về thanh toán, các doanh nghiệp ở Ấn Độ (56%), Việt Nam (43%), UAE (27%), Úc (26%) và Singapore (16%) cho biết chiến lược hàng đầu của họ là sử dụng tài trợ thương mại nhiều hơn.
 
Gần 1/5 số doanh nghiệp tham gia khảo sát ở Hồng Kông (17%) cho rằng họ sẽ yêu cầu bên mua hàng thanh toán trước, trong khi đó 1/3 doanh nghiệp tham gia khảo sát ở Trung Hoa đại lục (32%) và Việt Nam (14%) sẽ dựa vào bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
 
Do có sự lạc quan về triển vọng thương mại, Việt Nam có tỉ lệ cao (57%) doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng nhu cầu tài trợ thương mại của họ sẽ tăng trong ba tháng tới, tiếp theo sau là Ấn Độ (53%). Úc có tỉ lệ này thấp nhất (14%).
 
Về các kênh để tiếp cận tài trợ thương mại, khoảng một nửa doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam (57%), Trung Hoa đại lục (54%), Hồng Kông (50%), UAE (49%), Úc (48%) và Ấn Độ (47%) cho rằng các ngân hàng sẽ đáp ứng nhu cầu tài trợ thương mại. Ngược lại, 39% các doanh nghiệp trả lời tại Singapore cho rằng, họ sẽ dựa vào nguồn vốn tự có hơn là thông qua ngân hàng.
 
Khi được hỏi về tác động của tỉ giá ngoại hối lên việc kinh doanh, 64% doanh nghiệp trả lời tại Việt Nam, 32% tại Singapore và 30% tại Hồng Kông cho thấy, tỉ giá ngoại hối có tác động bất lợi lên hoạt động thương mại trong ba tháng tới. Mặt khác, 48% các doanh nghiệp trả lời tại Ấn Độ và 39% tại UAE cho rằng tỉ giá ngoại hối mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.
 
Biến động tỉ giá ngoại hối cũng được đánh giá là một trong những yếu tố ảnh bất lợi nhất đến tình hình thương mại, đặc biệt đối với các doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam (62%), Hồng Kông (54%) và Ấn Độ (52%). Trong khi đó, với các doanh nghiệp tại Úc (62%), Singapore (48%) và Trung Hoa đại lục (43%) thì nhu cầu thấp cho các sản phẩm được đánh giá là thử thách lớn nhất đối với việc phát triển thương mại…
 
Nhìn chung, các doanh nghiệp tại Việt Nam lạc quan cao nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia cuộc khảo sát trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Các doanh nghiệp này đánh giá cao triển vọng phát triển dài hạn của Việt Nam, với các chính sách khuyến khích phát triển kinh doanh của chính phủ, cơ sở hạ tầng và khung pháp lý ngày càng hoàn thiện, nguồn nhân lực trẻ và đầy nhiệt huyết và một vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực.
Dân trí
 

ĐỌC THÊM