Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp lo đối phó lạm phát

Kể từ khi lãi suất, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp tích cực hơn trong việc cải tiến công nghệ để giảm chi phí đầu vào, cơ cấu tài sản để giảm chi phí sử dụng vốn...

Có những việc doanh nghiệp biết là cần thiết nhưng khi chưa bị sức ép phải giảm chi phí thì chưa chắc đã quyết tâm làm ngay.

Tập đoàn Hòa Phát có 2 dây chuyền sản xuất thép ở Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát (Kim Môn, Hải Dương) và dây chuyền ở Khu công nghiệp Phố nối A (Hưng Yên) luyện thép bằng công nghệ lò hồ quang. Mới đây, Công ty này đã hoàn thành việc cải tạo 2 lò hồ quang trong dây chuyền sản xuất ở Hưng Yên, nâng công suất tăng lên 15%, đạt 230.000 tấn phôi thép mỗi năm, đồng thời giảm khoảng 30 KW điện tiêu thụ cho mỗi tấn thành phẩm.

Thép xây dựng là ngành sản xuất sử dụng khá nhiều điện và chỉ tiêu tiêu hao điện trong luyện phôi và cán thép là một trong những chỉ tiêu quyết định khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp thép, nhất là doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò điện. Những doanh nghiệp nào sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc đều khó cạnh tranh về giá thép thành phẩm khi giá điện tăng cao.

Trong lĩnh vực sản xuất thép mạ thì dầu D.O lại là nguyên liệu chính. Tuy nhiên, CTCP Đại Thiên Lộc đã thuê ngoài đốt lò hơi bằng mùn cưa, trấu và gỗ, giảm được hơn 30% chi phí so với đốt bằng dầu D.O.

Với doanh nghiệp ngành thép khác là Tôn Hoa Sen thì việc giảm chi phí được thực hiện bằng giải pháp cơ cấu lại tài sản. Hoa Sen đang tìm đối tác để chuyển nhượng 4 dự án bất động sản mà doanh nghiệp này đã giải ngân 187 tỷ đồng. Bốn dự án này gồm: cảng Hoa Sen - Phú Mỹ, đã giải ngân 43,41 tỷ đồng; Dự án căn hộ Phước Long B, đã giải ngân 45,85 tỷ đồng; Dự án Hoa Sen Riverside ở mặt đường Bưng Ông Thoàn, phường Phú Hữu, Q. 9, TP. HCM, giải ngân 45,46 tỷ đồng và Dự án văn phòng Hoa Sen ở đường Trần Não, Q. 2, TP. HCM, giải ngân 52,26 tỷ đồng.

Hiện nay, với doanh thu bán hàng 800 tỷ đồng/tháng, Hoa Sen phải sử dụng tới 2.000 tỷ đồng vốn vay, cơ bản để tài trợ cho lượng hàng tồn kho tương ứng khoảng hơn 2 tháng bán hàng. Ngoài ra, việc đầu tư nhà máy Phú Mỹ cũng cần một khoản vốn lớn. Việc bán tài sản giúp Hoa Sen giải phóng vốn chết ở dự án đất trống để tài trợ lĩnh vực sản xuất, giảm chi phí vốn vay. Vả lại, giá đất trên thị trường hiện nay tuy giảm song còn cao hơn chi phí mà Hoa Sen đã giải ngân.

Một doanh nghiệp niêm yết ngành dầu khí đầu tư khá dàn trải với các dự án từ Bắc đến Nam cũng đang tìm cách chuyển nhượng bớt phần vốn ở các dự án phía Bắc để tập trung vốn cho dự án ở thị trường phía Nam. Khó khăn trong huy động vốn và lãi suất cao khiến công ty này không còn hồ hởi trong việc tham gia dự án theo kiểu "giữ chỗ" khá phổ biến trước đây.

Trên thực tế, nhiều công ty bất động sản đã phải trì hoãn tiến độ xây dựng do không huy động được vốn từ khách hàng trong khi lãi vay vốn quá cao. Việc bán bớt phần vốn ở dự án này để tập trung đầu tư cho dự án khác là cách nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Theo một lãnh đạo của Ngân hàng Liên Việt, nói chi phí vay vốn của doanh nghiệp hiện nay là 22% nhưng trên thực tế, doanh nghiệp phải trả chi phí vốn cao hơn nhiều do hầu hết các doanh nghiệp đều đầu tư vào bất động sản - vốn đọng do thiếu thanh khoản. Vì vậy, để đối phó với lạm phát thì trước tiên, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại tài sản và các khoản đầu tư của chính mình.

Ngân hàng Nhà nước đang phát đi tín hiệu giảm lãi suất và kiên quyết thực hiện, đồng thời, lại khẳng định giảm tăng trưởng tín dụng ở mức 18% thay vì mức 20% như kế hoạch. Điều đó có nghĩa lãi suất giảm không đồng nghĩa với nới lỏng tín dụng. Nhưng khi lãi suất giảm thì cơ hội để các doanh nghiệp tái cơ cấu tài sản hay vay vốn cải tiến công nghệ thuận lợi hơn.

Những doanh nghiệp nào chưa kịp rút ra bài học sau khủng hoảng năm 2008 thì sẽ có một cơ hội nữa để đưa tình hình tài chính của mình về mức an toàn, đầu tư công nghệ và quản lý để giảm chi phí đầu vào. Đối phó với lạm phát, doanh nghiệp không chỉ trông chờ vào Chính phủ, vì nếu lạm phát cao trên toàn thế giới thì không ai có thể ngăn tác động của nó đến nền kinh tế Việt Nam.

Nguồn tin: ĐTCK

ĐỌC THÊM