Các ngân hàng thương mại kêu khó khăn về nguồn cung ngoại tệ, phải "vận dụng" mọi khả năng để đáp ứng cho khách hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn găm giữ để chờ bán giá cao.Tỉ giá tăng thêm 2VND/USD.
Xoay xở trăm chiều
Ngày 21.7, giá USD do các NHTM niêm yết tiếp tục "kịch trần", giá mua bằng với giá bán là 17.812VND/USD. Tuy nhiên, theo các NHTM, với mức giá này các DN không chịu bán USD cho NH, người dân có USD lại càng không muốn bán. Hiện các NH và DN thường áp dụng 3 "chiêu thức" phổ biến để tìm nguồn và đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các DN nhập khẩu.
Thứ nhất là DN phải "tự thân vận động" bằng cách mua gom trên thị trường tự do với giá cao, sau đó chuyển vào tài khoản thanh toán tại NH. Hiện nay, giá USD trên thị trường tự do đã cao hơn giá trong các NHTM trên 700VND/USD, tức là DN phải chấp nhận mua với giá khoảng 18.340-18.350VND/USD.
Một cách thức khác từng được các NH sử dụng: NH chấp nhận mua USD giá cao hơn niêm yết và hợp thức hoá bằng cách giảm phí dịch vụ khác cho DN. Khi bán USD, NH cũng bán giá cao và cũng hợp thức hoá bằng cách thoả thuận tăng phí đối với DN. Dĩ nhiên việc tăng hoặc giảm phí phải quy ra bằng "tiền tươi" và thanh toán ngay khi mua bán USD, chứ không phải đợi khi thực hiện dịch vụ mới thanh toán.
Tuy nhiên, do mấy ngày qua NHNN kiểm tra gắt gao và cách làm này dễ "bị lộ" nên nhiều NH không còn dám áp dụng. Cách phổ biến nhất và an toàn nhất là NH kết nối giữa bên mua và bên bán. NH đứng giữa làm trung gian, làm hợp đồng mua bán trong giá trần, hai bên DN tự thoả thuận và thanh toán chênh lệch với nhau. Theo các NHTM, bản thân các DN có USD cũng muốn bán để quay vòng vốn, vấn đề là giữa bên bán và bên mua phải thoả thuận được mức giá.
NH không vì lợi nhuận
Một TGĐ NHCP cho biết: NH không lợi lộc gì khi phải mua bán USD trên giá trần. Khi cung cầu USD ổn định, NH mới có thể thu chênh lệch từ giá mua bán, còn hiện nay hầu như không có NH nào thu được khoản chênh lệch. Việc xoay xở tìm nguồn USD là để tạo ra giao dịch để giữ khách hàng, nếu có thu thì cũng nhờ vào các dịch vụ khác. Nhưng nếu bị kiểm tra, phát hiện thì NHTM sẽ bị xử phạt. Hiện nay, nhiều NHTM đã phải hạn chế tối đa việc mở L/C cho DN nhập khẩu vì thiếu nguồn cung USD.
Chỉ là khan hiếm cục bộ?
PV Báo Lao Động đã phỏng vấn PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM, thành viên HĐ Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia. Theo ông Ngân, tình trạng khan hiếm ngoại tệ chỉ là cục bộ.
- Thưa PGS - TS, theo đánh giá của Chính phủ và NHNN, cung cầu ngoại tệ trong năm nay vẫn cân đối. Vậy tại sao vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm như hiện nay?
- Xét về mặt tổng thể thì cung cầu ngoại tệ vẫn cân đối, các nguồn cung từ kiều hối, FDI, ODA... trong năm đủ để bù đắp thâm hụt xuất nhập khẩu. Thậm chí trong 6 tháng đầu năm, cán cân thanh toán còn thặng dư. Tuy nhiên, tình trạng thiếu USD cục bộ thỉnh thoảng vẫn xảy ra do nguồn USD phân tán trong nhiều khu vực: Trong một số DN, trong một số NH (kể cả NH nước ngoài), trong dân... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm cục bộ là tâm lý găm giữ ngoại tệ trong DN và người dân, kỳ vọng giá USD sẽ tăng cao. Vì vậy, NHNN cần kiên quyết ổn định tỉ giá để triệt tiêu tâm lý này.
- Theo PGS-TS, trong hoàn cảnh hiện nay cần những giải pháp gì để giảm bớt căng thẳng?
- Đây là bài toán khó. Theo tôi, NHNN cần mở một cuộc điều tra, yêu cầu các NHTM báo cáo về trạng thái ngoại tệ, về tình trạng DN găm giữ... Từ đó có chính sách quản lý, điều hành hợp lý. Nếu cần thiết, NHNN có thể ban hành và áp dụng quy định về kết hối. Trong Pháp lệnh Quản lý ngoại hối, điều 41 vẫn quy định khi xét thấy cần thiết để đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia, NHNN có thể áp dụng quy định bán ngoại tệ đối với người cư trú là tổ chức... Muốn xác định cung cầu ngoại tệ có căng thẳng hay không cũng cần phải tìm hiểu DN có nhu cầu mua ngoại tệ để nhập khẩu những gì? Trong hoàn cảnh nền kinh tế còn khó khăn, không thể tha hồ cung ứng để nhập những mặt hàng xa xỉ.
Sanotc