Với sự phục hồi rõ rệt của ngành thép từ những tháng cuối năm vừa qua, một số doanh nghiệp trong ngành đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm 2021 tích cực và đặt ra mục tiêu tăng trưởng trong cả năm trước làn sóng đầu tư hạ tầng đang diễn ra.
Lợi nhuận tăng mạnh
Theo Bộ Công Thương, trong tháng 3/2021, sản lượng sản xuất sắt thép thô ước đạt hơn 2,14 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; thép cán ước đạt 707.000 tấn, tăng gần 48%; thép thanh, thép góc ước đạt 723.300 tấn, giảm 4,6%. Tính chung 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng sản xuất sắt thép thô, thép cán tăng lần lượt là 14,4%, 54% so với cùng kỳ năm trước; riêng thép thanh, thép góc giảm 1,6%.
Với tình hình khả quan như vậy, một số công ty thép đã công bố kết quả kinh doanh quý đầu năm khởi sắc. Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên cho biết doanh thu hợp nhất đạt gần 979 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 120 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, Công ty chỉ ghi nhận lãi gần 4 tỷ đồng. Không chỉ tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả quý I/2021 của Thép Tiến Lên đã hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu (5.000 tỷ đồng) và 48% kế hoạch lợi nhuận (250 tỷ đồng). Công ty dự kiến tiêu thụ hết 400.000 tấn thép các loại trong năm 2021.
Trong quý I/2021, Tổng công ty Thép Việt Nam ước đạt 8.680 tỷ đồng doanh thu, còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 245 tỷ đồng, gấp 4,7 lần so với với con số 51,8 tỷ đồng của quý I/2020.
Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2021 với sản lượng tiêu thụ thép tăng hơn 1.760 tấn, giá bán bình quân trong quý đạt 14,218 triệu đồng/tấn, cao hơn mức 11,5 triệu đồng/tấn của cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, doanh thu bán hàng đạt 604,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 12,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 47% so với quý I/2020.
Một doanh nghiệp khác là Công ty CP Thép Nam Kim dù chưa đưa ra kết quả kinh doanh nhưng cho biết sản lượng bán hàng trong quý I/2021 đạt mức kỷ lục. Cụ thể, Công ty sản xuất 244.301 tấn, tiêu thụ 240.072 tấn. Lượng xuất khẩu đạt 151.992 tấn, các thị trường chủ lực hiện nay gồm các nước châu Âu và Mỹ.
Cũng giống nhiều doanh nghiệp trong ngành lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2021, Thép Nam Kim dự kiến trình cổ đông kế hoạch doanh thu 16.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng; lần lượt tăng 38% và 200% so với năm trước.
Hưởng lợi từ giá và nhu cầu tăng mạnh
Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, gần 50% số doanh nghiệp thành viên của VSA có doanh thu sụt giảm mạnh, đặc biệt là trong quý I và II. Tuy nhiên, kể từ tháng 7, các doanh nghiệp đã có sự phục hồi đáng kể. Tính chung trong năm 2020, sản xuất thép các loại đạt khoảng 24 triệu tấn, tăng 1% so năm 2019; tiêu thụ thép các loại đạt hơn 21 triệu tấn.
Bên cạnh đó, giá bán thép trong nước cũng điều chỉnh tăng, nhất là vào cuối tháng 12/2020 và đầu tháng 1/2021. Trong tháng 2/2021, giá thép giảm, song tăng trở lại vào tháng 3 vừa qua, đặc biệt là từ đầu tháng 4 trở lại đây. Giá thép xây dựng đầu tháng 4/2021 ở mức 15.500 - 16.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT, giao tại nhà máy) tùy thuộc vào chủng loại thép và từng doanh nghiệp (tại thời điểm tháng 12/2020, giá thép xây dựng khoảng 12.200 - 12.500 đồng/kg).
Với sự phục hồi rõ rệt của ngành thép ở những tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng, ngành thép sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2021.
Theo VSA, nhu cầu thép thế giới sẽ tăng 4,1% trong năm nay sau khi ghi nhận mức giảm 2,4% năm trước.
Trong nước, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng 8% nhờ đầu tư hạ tầng tích cực, sự hồi phục của thị trường bất động sản và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Cụ thể, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, thép ống và tôn mạ nội địa năm nay dự kiến tăng lần lượt 9%, 8% và 8%. Xuất khẩu thép Việt Nam cũng được nhận định tích cực hơn trong năm nay.
"Ngành thép năm 2021 dự kiến có sự tăng trưởng tốt nhờ hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công cũng như thị trường bất động sản nhà ở có thể nóng trở lại. Ðiều này sẽ tác động tích cực giúp ngành thép đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay", Bộ Công Thương nhận định.
Nguồn tin: Đấu thầu