Từ đầu năm tới nay, nhu cầu sử dụng thép xây dựng nội địa và xuất khẩu luôn ở mức thấp so với kỳ vọng, dù cả trong mùa xây dựng.
Xuất khẩu giảm mạnh
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng 9 giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong 7 tháng qua, đạt 864.424 tấn, với trị giá gần 611 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 13,5% về trị giá so với tháng 8; nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng 63,6% về lượng và tăng 43,6% về trị giá.
Tháng 9, xuất khẩu sắt thép sang các thị trường chính như EU, Hoa Kỳ, Khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Malaysia) giảm mạnh so với tháng 8. Ngược lại, xuất khẩu sang một số thị trường như Ấn Độ tăng tới 193,1% về lượng và tăng 147,9% về trị giá; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 303 lần về lượng và 52 lần về trị giá.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắt thép đạt hơn 8,23 triệu tấn, với trị giá gần 6,30 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng, nhưng giảm 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng 9 giảm về lượng và trị giá.
Là một trong những doanh nghiệp (DN) có thị phần lớn nhất, chiếm gần 33,3% tiêu thụ của cả nước 9 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát đã sản xuất 635.000 tấn thép thô, giảm 7% so với tháng 8. Bán hàng các sản phẩm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), phôi thép đạt 596.000 tấn, tăng 7% so với tháng trước. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 352.000 tấn, cao nhất kể từ đầu năm và tăng 15% so với tháng 8/2023.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhìn nhận, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi ở cả trong và ngoài nước, kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm vẫn ghi nhận một số điểm sáng về nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cơ chế linh hoạt của chính sách tài khóa và tiền tệ, giải ngân đầu tư công tăng tích cực…
Tuy nhiên nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.
"Bán hàng thép xây dựng trong tháng 9/2023 đạt mức sản lượng cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, một phần nhờ các dự án giao thông như cao tốc Bắc – Nam, các dự án sân bay mới được triển khai, đẩy nhanh tiến độ và một số dự án khác", đại diện VSA thông tin với Báo Kinh tế đô thị.
Dần hồi phục vào năm 2024
Trao đổi với TTXVN/BNews, anh Ngô Khánh, chủ đại lý thép tại Tam Trinh – Hà Nội chia sẻ, giá thép thời gian qua liên tục giảm, nhưng tiêu thụ lại không được như kỳ vọng do nhu cầu từ thị trường xây dựng thấp. Giá thép hiện nay đang đứng yên, nhưng rất có thể sẽ phục hồi nhẹ về cuối năm, khi lực cầu tăng cao hơn.
Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu SSI Research Đào Minh Châu nhận định, ngành thép mang tính chu kỳ và có nền thấp vào cuối năm ngoái. Trong năm 2022, phần lớn DN thép thua lỗ do doanh số bán hàng và giá sụt giảm.
Do đó, vị lãnh đạo này kỳ vọng những tháng cuối năm nay lợi nhuận của các DN thép mặc dù chưa quay trở lại mức trung bình lịch sử nhưng sẽ cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, bởi những yếu tố kích cầu. Đơn cử như lượng bán hàng đã cải thiện, đặc biệt là kênh xuất khẩu, hiện giá thép chỉ mới đi ngang, chưa tăng. Các công ty không còn phải trích lập hàng tồn kho lớn như nửa cuối năm ngoái.
Dự báo, bước sang năm 2024, lợi nhuận các DN ngành thép nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh nhất bên cạnh bán lẻ, phân bón, thủy sản. Với ngành thép, mặc dù nửa cuối năm nay lợi nhuận sẽ phục hồi nhưng nửa đầu năm nay vẫn còn ở mức nền thấp. Do vậy năm sau mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các công ty sẽ tốt hơn.
“Giá thép đang ở mức thấp trong nhiều năm. Do vậy thời gian tới nhiều khả năng giá thép sẽ phục hồi mặc dù mức độ và thời gian tăng vẫn còn là yếu tố chưa rõ ràng. Tính trung bình, mức độ tăng trưởng lợi nhuận của các DN thép trong năm 2024 khoảng 70 - 80% so với năm 2023”, ông Đào Minh Châu nhận định.
Ở góc độ DN, sự phục hồi nhẹ là điều khả thi nhờ việc Chính phủ đang triển khai các dự án đầu tư công. Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Nguyễn Việt Thắng nhận định, quý IV/2023, tiêu thụ thép sẽ tốt lên nhưng không nhiều do nền kinh tế vẫn tương đối xấu. Để có sự thay đổi đột biến, ngành thép phải chờ khi nào nền kinh tế phục hồi mạnh, bất động sản và chế biến chế tạo đi lên. "Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn do đó sẽ phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới. Tôi nghĩ rằng khi nào lãi suất thế giới giảm thì nền kinh tế mới phục hồi”.
Nhiều giải pháp hỗ trợ
Theo chuyên gia ngành thép Nguyễn Văn Sưa, ngành bất động sản, xây dựng dân dụng ảnh hưởng lớn đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 50-60% nhu cầu toàn ngành và ảnh hưởng đến hầu hết các mặt hàng thép thành phẩm. Từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đã chững lại khiến cho cầu không tăng nhiều, trong khi nguồn cung lại rất lớn, nhất là lượng thép từ Trung Quốc nhập về nước đã làm cho giá thép trong nước liên tục giảm.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, lợi nhuận của các doanh nghiệp thép có thể tăng 80% trong năm 2024.
Để ổn định giá thép cũng như phục hồi thị trường ngành này, ngoài việc kích cầu đầu tư, thì điều cần thiết là đẩy mạnh các dự án bất động sản, các công trình, dự án đầu tư công. Khi thị trường bất động sản sôi động trở lại thì giá thép sẽ tăng, thị trường sẽ ấm lên, ông Sưa nhận định với TTXVN/Bnews.
Với những nỗ lực kích cầu thị trường bất động sản, các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ được khởi sắc. Tuy nhiên theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, thị trường bất động sản sẽ được phục hồi từ năm 2024 còn là quá sớm và quá lạc quan. Dựa vào chu kỳ lên xuống của thị trường bất động sản trong hơn một thập kỷ qua, có thể sẽ phải mất đến 2-3 năm nữa, thị trường bất động sản mới có thể vực dậy được. Từ đó, tiêu thụ thép mới có thể khởi sắc trở lại.
Chính vì thế, VNDirect cho rằng, thị trường bất động sản sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi Luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.
Trên thực tế, hàng loạt chính sách nhằm hỗ trợ cho thị trường bất động sản được ban hành kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả vẫn còn chưa cao.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, hiện nay Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm để tạo sự tăng trưởng đột phá. Điều này sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí….
Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.
“Chúng tôi kỳ vọng với những động thái mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành, thị trường thép sẽ được hồi phục thông qua những tín hiệu tích cực từ bất động sản, xây dựng…”, ông Phạm Quang Anh nhận định.
Nguồn tin: Người đưa tin