Dù hưởng nhiều ưu đãi về tài sản nhưng lợi nhuận và đóng góp cho ngân sách của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) liên tục giảm, thậm chí, tổng nợ của các DNNN tăng. Liệu đã hết thời coi DNNN là “con cưng” vì những bất cập?
Nhận nhiều ưu đãi nhưng lợi nhuận đi xuống
Theo báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016 vừa được Bộ Tài chính thừa ủy quyền gửi đến Quốc hội, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có số tài sản nắm giữ tăng gần 4%, nắm giữ hơn 3 triệu tỷ đồng, nhưng lợi nhuận, doanh thu, tỷ lệ nộp ngân sách đều giảm so với năm trước.
Theo đó, tính tới thời điểm kết thúc năm tài chính 2016, có 583 DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có 7 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước (không bao gồm Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam); 17 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và 492 DN độc lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, tổng tài sản của các DN là 3.053.547 tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015, khối các Tập đoàn, Tổng Công ty (TĐ, TCT), Công ty mẹ - con có tổng tài sản là hơn 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 36% tổng tài sản.
Vốn chủ sở hữu là 1.398.183 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2015. Tổng doanh thu đạt 1.515.821 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước. Riêng khối 7 Tập đoàn đạt 934.721 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2015, chiếm 62% tổng doanh thu của các DN toàn quốc.
Lợi nhuận trước thuế của các DN đạt 139.658 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện 2015. Đáng chú ý, dù 7 tập đoàn nhà nước chiếm tới 65,5% tổng vốn chủ sở hữu, nhưng chỉ đem lại doanh thu 960.795 tỷ đồng (giảm 3% so với năm 2014).
Như vậy, chưa cần so với khu vực doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà so với chính DNNN đã cho thấy hiệu quả hoạt động càng ngày càng giảm.
DNNN mặc dù được nhận nhiều ưu đãi nhưng kinh doanh đi xuống.
Với khối tài sản lớn, nhưng hoạt động của doanh nghiệp nhà nước có tương xứng?
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tổng số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước của DNNN năm 2015 giảm 5% so với năm trước đó (chỉ đạt hơn 246.000 tỷ đồng). Trong đó, các tập đoàn nộp ngân sách nhà nước giảm 12%, các tổng công ty giảm 17%...
Năm 2014, so với năm 2013, doanh thu của khu vực kinh tế này chỉ tăng… 1%; lợi nhuận trước thuế thậm chí còn giảm 1%; tổng nghĩa vụ tài chính phát sinh phải nộp vào ngân sách nhà nước cũng giảm 1%.
Một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất để đo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là ROE (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu). Hiện tại, ROE của 871 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 16%, không chỉ thấp xa so với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mà còn giảm so với năm 2013.
Trong khi các chỉ số sản xuất, kinh doanh giảm, tình hình nợ nần của các DNNN lại tăng. Theo báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT có tổng số nợ phải trả là 1.537.292 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015.
Trong báo cáo năm nay, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vươn lên dẫn đầu về số nợ phải trả là 486.981 tỷ đồng; tiếp đó là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - nợ phải trả 338.586 tỷ đồng; sau đó là TKV - nợ phải trả 100.729 tỷ đồng và Viettel - nợ phải trả 75.111 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 31/12/2016, Chính phủ cho biết nợ phải trả quá hạn của Tổng công ty Giấy Việt Nam (Dự án Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam) là 2.736 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả Bộ Tài chính (khoản nợ Bộ Tài chính ứng ra từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả nợ thay) là 1.610 tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, Công ty TNHH một thành viên Nguyên liệu giấy Miền Nam là công ty con 100% vốn của Tổng công ty Giấy Việt Nam có dự án đầu tư kinh doanh rừng thông tại tỉnh Kon Tum cũng không có khả năng trả nợ các khoản nợ đến hạn, tính đến 31/12/2016, nợ phải trả cho Chi nhánh Ngân hàng phát triển Kon Tum là 504.493 triệu đồng (nợ gốc và lãi).
Từ những con số trên cho thấy bức tranh thụt lùi của nhiều DNNN, đặc biệt khi so sánh với những ưu đãi về vốn, về công nghệ mà doanh nghiệp được hưởng.
Xuất hiện lợi ích nhóm?
Theo các chuyên gia kinh tế, chính lợi ích nhóm là nguyên nhân dẫn đến nhiều DNNN kinh doanh thua lỗ, nợ nần tăng cao. Yếu kém trong quản lý DNNN xuất phát từ việc không rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước.
Cụ thể, việc không phân tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của DNNN dẫn đến lạm quyền trong điều hành quản lý DNNN gây nên thất thoát tài sản.
Chính yếu kém trong quản lý dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp có vốn nhà nước làm ăn thua lỗ, mất vốn hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỷ đồng trong đó điển hình nhất là 12 dự án, nhà máy thua lỗ của ngành công thương.
Hai tập đoàn đáng điểm tên về lỗ và giảm lợi nhuận mạnh là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Hóa chất (Vinachem). PVN giảm đến 38%, đạt 26.517 tỷ đồng, với lý do giá dầu giảm, tỷ lệ dầu trang trải chi phí tại Liên doanh “Vietsovpetro” tăng từ 35% lên 45% áp dụng từ năm 2016 theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Nga dẫn đến lợi nhuận được chia từ Vietsovpetro giảm.
Vinachem có số lợi nhuận kế toán trước thuế âm 335 tỷ đồng, trong khi năm 2015 lãi 2.134 tỷ đồng, do 4 công ty con bị lỗ: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem (các dự án, doanh nghiệp này nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành Công thương).
Tương tự, cũng do yếu kém trong quản lý dẫn đến những dự án của PVC, Đạm Ninh Bình, Xơ sợi Đình Vũ, Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Bột giấy Phương Nam, Gang thép Thái Nguyên…dù không hiệu quả nhưng vẫn được cấp phép đầu tư để rồi gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Từ thực tế yếu kém đó, đặt vấn đề cần nhìn nhận lại vai trò của DNNN. Thay vì nhìn nhận DNNN là “con cưng”, được “yêu chiều” về vốn, về cơ chế chính sách, Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa về vốn cộng với cơ chế chính sách cho doanh nghiệp tư nhân. Công cuộc cổ phần hóa không chỉ về “vỏ” mà cần cả “chất”.
Nguồn tin: Công lý & xã hội