Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không đủ khả năng trả nợ thì cho phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác.
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) trước Quốc hội sáng nay (25/5), ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban thống nhất với phạm vi nợ công thể hiện trong dự thảo luật, theo đó không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), của đơn vị sự nghiệp công lập.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Ảnh hưởng đến tín nhiệm quốc gia
Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, việc DNNN và đơn vị sự nghiệp công lập tự vay, tự trả thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Trong trường hợp DNNN không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác. Trường hợp đơn vị sự nghiệp vay nợ không trả được nợ thì cơ chế xử lý cũng được áp dụng như đối với các doanh nghiệp.
Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nếu quy định nợ của DNNN, đơn vị sự nghiệp thuộc phạm vi nợ công sẽ dẫn đến gia tăng nghĩa vụ trả nợ công rất lớn, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Quy định nợ DNNN không thuộc phạm vi nợ công cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Hải lưu ý đến những ý kiến cho rằng, việc không trả được nợ nước ngoài của DNNN có thể ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm của quốc gia và trên thực tế đã có trường hợp Nhà nước phải trả nợ thay. Do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhằm tăng cường quản lý, giảm thiểu rủi ro đối với khoản nợ này.
Cũng trong sáng nay, trong Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực tế đã phát sinh những rủi ro từ các dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ và vốn vay Chính phủ bảo lãnh dẫn đến không trả được nợ, Chính phủ phải trả nợ thay.
Ông Đinh Tiến Dũng đề xuất làm rõ về phạm vi, công cụ quản lý nợ công; phân định giữa quản lý ngân sách, đầu tư công và quản lý nợ công; công tác giám sát và đảm bảo an toàn nợ công; quản lý rủi ro; thống kê, kế toán, kiểm tra, giám sát nợ công, nâng cao và gắn trách nhiệm giải trình với chức năng, nhiệm vụ quản lý nợ công của các cơ quan có liên quan.
Cần mạnh tay xử lý sai phạm
Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN vì cho rằng, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.
Một số ý kiến khác đề nghị nghiên cứu, đưa các khoản ứng trước ngân sách Nhà nước (NSNN), nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng vào phạm vi nợ công vì đó là những khoản nợ ngân sách Nhà nước sẽ phải bố trí nguồn để trả ở các năm sau, nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến những rủi ro, khó kiểm soát trong quá trình quản lý nợ công và điều hành NSNN.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, dự thảo luật cần bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.
Ngoài ra, đối với một số nội dung liên quan đến quyết định việc cấp bảo lãnh Chính phủ, quyết định việc cho vay lại đối với chương trình, dự án trong trường hợp cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng... là những nội dung quan trọng trong quy trình huy động, quản lý, phân bổ, sử dụng vốn vay, chỉ tiêu an toàn nợ. Do đó, UBTCNS cho rằng, có thể cân nhắc theo hướng giao thẩm quyền cho Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nguồn tin: VOV