Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp nhập khẩu thép "kêu cứu" vì Thông tư 44

Sau khi Thông tư 44 của liên Bộ Công thương và Bộ Khoa học & Công nghệ chính thức có hiệu lực từ 1/6/2014, nhiều công ty kinh doanh và nhập khẩu thép loại 2 rơi vào tình trạng bế tắc và có nguy cơ phá sản hàng loạt vì các quy định chứng minh chất lượng sản phẩm. 


Nhiều lô hàng thép loại 2 được nhập về không được thông quan vì vướng Thông tư 44 của Bộ công Thương

Từ trước tới nay, các loại thép loại 2 khi nhập khẩu vào Việt Nam chỉ phải căn cứ vào chứng minh xuất xứ hàng hóa, hợp đồng mua bán và vận đơn để Hải quan kiểm tra cho thông quan. Việc này đã diễn ra hàng chục năm nay và hàng triệu tấn thép loại này đã được các doanh nghiệp nhập vào Việt Nam, góp phần bình ổn giá cả, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ trong nước. 

Tuy nhiên, với mục đích quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và nhập khẩu, liên Bộ Công Thương và Khoa học - Công nghệ đã cùng ký ban hành thông tư số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN. Theo đó kể từ ngày 01/6/2014 tất cả các loại thép nhập khẩu vào Việt Nam (trong đó có thép loại 2) đều phải chứng minh được tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Và đây chính là yếu tố mà các doanh nghiệp nhập khẩu thép loại 2 cho rằng họ không bao giờ có thể thực hiện được và chắc chắn tình trạng dừng hoạt động rồi tiến tới phá sản sẽ diễn ra hàng loạt. 
 
Thép loại 2 chất lượng hạng 1 
 
Giải thích về thế nào là thép loại 2, ông Đặng Nguyễn Thanh Châu – Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty Hạ Long tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Theo qui chuẩn về chất lượng sản phẩm thì không có thép loại 2, mà chỉ có thép thành phẩm và thép phế liệu. Tuy nhiên trong kinh doanh thương mại thì có thuật ngữ thép loại 2 để phân biệt giữa thép chính phẩm với thép đã sử dụng một phần, thép tồn kho hay dôi dư chưa dùng đến. 
 
Ông Trương An Quốc - Giám đốc Công ty Thép Vương bổ sung thêm: Thép loại 2 có thể là thép thành phẩm sản xuất thừa không dùng đến, thép cuộn, thép tấm khổ lớn đã sử dụng một phần, hay thép tồn kho chưa bán hết nên các doanh nghiệp nước ngoài thường bán với giá thấp hơn khoảng 30% so với thép chính phẩm. Khi nhập về Việt Nam, để phân biệt với thép chính phẩm thì trong tờ khai Hải quan thường ghi là thép loại 2. Trong chứng nhận xuất xứ hàng hóa hay Hợp đồng mua bán thường ghi là “secondary”. Về thực chất, thép loại 2 có chất lượng như thép chính phẩm. 
 
Các doanh nghiệp cho rằng: Do nhu cầu sản xuất trong nước rất đa dạng, yêu cầu về chủng loại và khích thước khác nhau, nên căn cứ vào nhu cầu, các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước thường không đặt hàng trực tiếp với các nhà sản xuất nước ngoài (bởi thép loại 2 thực chất là sản phẩm thừa, không có số lượng lớn) mà thường thông qua các doanh nghiệp nước ngoài thu gom rồi bán lại. Thông thường, đa phần thép loại 2 được nhập khẩu từ: Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Mỹ… nên chất lượng rất tốt, thậm chí tốt hơn thép chính phẩm được sản xuất trong nước hay nhập khẩu từ Trung Quốc. Các loại thép này nhập về được các ngành công nghiệp khác tận dụng lại để sản xuất ra các mặt hàng hữu dụng khác, góp phần tạo công ăn việc làm, kích thích tiêu dùng trong nước và hạ giá thành sản phẩm.
 
Do vậy, các doanh nghiệp cho rằng việc ra Thông tư 44 liên Bộ nhằm quản lý chất lượng mặt hàng thép (quy định tại Phụ lục 1, trong đó có thép nhập khẩu loại 2) là hoàn toàn không cần thiết, gây tốn kém, thiệt hại cho doanh nghiệp và đình trệ sản xuất kinh doanh. 
 
Khó chứng minh được chất lượng 
 
Theo thông tư liên Bộ số 44 mới được ban hành thì kể từ ngày 01/6/2014 trở đi, tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu thép về Việt Nam bắt buộc phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm thì mới được thông quan. Việc chứng nhận chất lượng có thể làm tại nguồn (tức là nơi bán hàng) hoặc từng lô khi về tới Việt Nam. 
 
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải – Giám đốc Công ty Đại Hải Kim khẳng định: Chắc chắn không thể thực hiện được. Lý do mà ông Hải đưa ra đó là: Thép loại 2 là hàng thu gom, số lượng các lô hàng nhỏ, do nhiều đơn vị cung cấp, kích thước và kỹ thuật đa dạng nên không có một tiêu chuẩn nào đồng nhất để mà thẩm định. Hơn nữa, do là hàng sử dụng thừa, hàng tồn kho, hàng tận dụng nên ngay tại nơi sản xuất cũng không có chứng nhận chất lượng. “Chúng tôi mua thép của các công ty Nhật Bản, có lô hàng được họ phân loại, nhưng đa số là không phân loại. Nếu muốn họ phân loại thì phải chấp nhận mua giá cao vì giá nhân công của họ cao. Mình mua được giá thấp rồi về Việt nam phân loại, người lao động vừa có việc làm, giá cả hàng hóa lại thấp và được người tiêu dùng chấp nhận, tại sao không khuyến khích mà lại gây khó khăn bằng các thủ tục hành chính chẳng khác gì như cấm nhập thép loại hai" - ông Hải bức xúc. 
 
Các doanh nghiệp cũng cho rằng việc cấp chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cho từng lô hàng được thực hiện bằng cách thẩm định tại Việt Nam trước khi cho thông quan rất khó khả thi vì theo ông Phạm Thái Bảo - Phó Giám đốc Công ty Thép Tuấn Võ: “Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về chất lượng thép loại 2 thì biết căn cứ vào đâu mà làm?”. "Nếu cứ bắt làm theo quy định thì sẽ rất mất thời gian, tốn tiền của và phát sinh tiêu cực" - ông Bảo bày tỏ. 
 
Ông Bảo cũng chứng minh hiện nay có rất nhiều đơn hàng thép loại 2 được nhập về qua Chi cục Hải quan Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) nhưng chưa được thông quan do Hải quan tại đây đang rất lúng túng vì chưa có quy định cụ thể nào từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.
 
Theo Bộ Công thương, mục tiêu xây dựng Thông tư 44 là để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người SXKD trước nạn hàng gian lận chất lượng, chống khai man để trốn thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhập khẩu thép loại 2 lại cho rằng mục tiêu này chỉ đúng với thép xây dựng thành phẩm nhập khẩu bởi khá nhiều dự án không sử dụng đúng kích thước, tiêu chuẩn theo thiết kế. Mặt khác, thép xây dựng thường được nhập khẩu không có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Còn việc áp dụng đối với thép loại 2 là hoàn toàn không thực tế bởi tuyệt đại đa số thép loại này được nhập với xuất xứ rất rõ ràng từ các nước Châu Âu, từ Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc - những nước có nền sản xuất thép rất phát triển, việc gian lận về chất lượng sản phẩm là hoàn toàn không thể xảy ra. 
 
Lợi bất cập hại
 
Trao đổi với phóng viên Báo DĐDN, hầu hết các doanh nghiệp đều tỏ ra búc xúc và cho rằng việc bắt buộc phải trình ra được chứng nhận chất lượng hàng hóa nhập khẩu đối với mặt hàng thép loại 2 không khác gì đánh đố doanh nghiệp và để thực hiện được việc này không khác gì “bắc thang lên hỏi ông Trời”.
 
Trong một cuộc đối thoại gần đây với các doanh nghiệp nhập khẩu thép, Bộ Công thương có khuyến cáo các doanh nghiệp nên mua thép trực tiếp từ các nhà máy để có chứng nhận chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thì lại cho rằng việc này chỉ thực hiện đối với các nhà máy lớn có kế hoạch sản xuất ổn định, có đơn hàng nhập khẩu với số lượng lớn và nguyên liệu là thép thành phẩm. Còn các doanh nghiệp kinh doanh thép loại 2 do đơn hàng nhỏ, chủng loại đa dạng nên việc xin cấp giấy chứng nhận chất lượng không khác gì “mò kim đáy bể”. Việc bắt buộc phải có chứng nhận chất lượng sản phẩm sẽ tạo ra kẽ hở, tạo cơ chế xin - cho, phát sinh tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
 
Tại cuộc gặp gỡ, đại diện Bộ Công thương cũng gợi ý cho các doanh nghiệp nhập khẩu thép loại 2 nếu không phân loại được tại nguồn thì chuyển qua nhập phế liệu. Tuy nhiên, việc gợi ý cho doanh nghiệp như vậy là hoàn toàn thiếu tính thực tế và không khác gì “xui” doanh nghiệp làm trái pháp luật. Ông Trương An Quốc - Giám đốc Công ty Thép Vương giải thích: Việc các doanh nghiệp chuyển từ nhập khẩu thép loại 2 sang thép phế liệu không khác gì tạo ra việc độc quyền không đáng có, bởi theo quy định chỉ có các nhà máy sản xuất mới được phép nhập khẩu phế liệu, nếu có nhu cầu các công ty kinh doanh buộc phải thông qua các đơn vị sản xuất để nhập khẩu thép loại 2 về. Như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu vừa phải mất thêm chi phí vì phải “mua quota” từ đơn vị sản xuất, vừa phải gian dối với các cơ quan quản lý (vì khai là phế liệu), nhà nước lại thất thu thuế (giá nhập khẩu phế liệu thấp hơn nhiều so với thép loại 2). Điều này vừa làm cho giá cả thị trường tăng lên một cách vô lý, vừa đẩy doanh nghiệp đến việc đối phó và làm ăn gian dối, tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội, làm thất thu cho ngân sách nhà nước. 
 
Thiết nghĩ, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, xem xét lại văn bản đã ban hành, nếu có điều gì đó chưa phù hợp thì kịp thời điều chỉnh để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, đúng pháp luật, loại bỏ những tiêu cực không đáng có,  giúp cho các doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài và bền vững. 
 
Nguồn tin: DĐ DN

ĐỌC THÊM