Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp nhỏ trong cơn suy thoái kinh tế - Bài 1

 
 
Sản phẩm bằng nhựa của các cơ sở sản xuất nhỏ bán sỉ ở chợ Bình Tây, và từ đây xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Ảnh: Lê Quang Nhật
Các nhà sản xuất kinh doanh nhỏ thường lép vế so công ty lớn do sản lượng thấp, ít vốn, quản lý kiểu gia đình… Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, quy mô nhỏ lại giúp họ dễ xoay trở
Linh hoạt, nhanh nhẹn

Ông Nguyễn Đăng Hiến, tổng giám đốc công ty Bidrico nhận định: “Ai cũng nói người tiêu dùng giảm chi tiêu. Nhưng quan sát riêng trong thị trường nước giải khát, tôi thấy rõ họ không phải là cắt giảm mua sắm, mà là thay đổi cách chi tiêu. Họ mua nhiều thứ, mỗi thứ một ít, theo các khẩu vị khác nhau cho gia đình. Chính vì vậy mà lợi thế đang nghiêng về những nhà sản xuất nhỏ, có thể thay đổi sản phẩm nhanh theo nhu cầu khách hàng”. Theo ông Hiến, kết quả kinh doanh của ông trong quý 1/2009 tăng đến 25%. Đó là cơ sở để ông mạnh dạn đầu tư thiết bị và máy móc sản xuất thêm một số mặt hàng mới.

Trong lúc các công ty may lớn đang phải chờ hợp đồng xuất khẩu, và lo lắng với thị trường nội địa đã giảm hơn 30% doanh số trong quý 1/2009, thì một số cơ sở sản xuất nhỏ lại “sống khoẻ” với các hợp đồng số lượng ít cung cấp cho siêu thị, cửa hàng và bán ra nước ngoài. Bà Nguyễn Kim Phụng, thương nhân chuyên bán hàng thời trang thiết kế theo mẫu riêng và trang trí bằng tay từ Việt Nam bán sang các shop tại Singapore, Malaysia, Thái Lan… kể: “Nhờ giá rẻ, chỉ 30 – 50 USD/sản phẩm, lại chăm chút từng đường kim mũi chỉ cho đến chọn chất liệu vải kỹ lưỡng, nên từ sau tết đến giờ tui bán cho mối nhiều hơn cùng kỳ khoảng 20%. Mấy chủ cửa hàng nói họ đang tăng cường các nguồn hàng giá thấp, vì khách du lịch đang giảm và chi tiêu của khách du lịch cũng hạn chế hơn”.

Tại nhà may Tuyến, đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, thợ vẫn sản xuất đều đặn, hàng ra liên tục mỗi ngày để bán cho các siêu thị Co.opmart, bởi tuy số lượng cung cấp không nhiều bằng công ty lớn, nhưng so với giá hàng công ty, các bộ âu phục vest nữ ở đây có giá mềm hơn và đa dạng màu sắc, kiểu dáng hơn.

Công ty thực phẩm Việt Hương, nhà sản xuất có sản lượng khá nhỏ so với Vissan, Cầu Tre, APT cũng vừa xuất được gần chục tấn sản phẩm chế biến các loại như xúc xích, đồ hộp, nem, chả – mỗi loại một ít sang thị trường Campuchia. Theo ông Nguyễn Kim Ngân, chủ công ty này, vấn đề hiện nay là giá cả cạnh tranh linh hoạt mới kéo được khách. Công ty lớn, tuy có lợi thế khi giành các hợp đồng lớn, nhưng với những đơn hàng số lượng ít họ khó thay đổi khẩu vị, trọng lượng, bao bì… theo ý khách.

Tận dụng cơ hội

Việc giá nguyên liệu đầu vào như sắt, thép, nhôm, nhựa, hoá chất… giảm mạnh từ nửa cuối năm 2008 đến nay, khiến nhiều nhà sản xuất có vốn lớn trữ nguyên liệu bị lỗ nặng, trong khi các nhà sản xuất nhỏ lại ung dung hưởng lợi. Ông H., chủ cơ sở sản xuất nhôm CH ở Q.6 cho biết: “Giá nguyên liệu có loại giảm đến 53 – 55% so lúc giá đỉnh năm ngoái, nhưng giá bán chỉ rẻ hơn có 10%, cộng thêm phần khuyến mãi, tăng chiết khấu cho nhà bán lẻ thì giá cũng chỉ giảm khoảng 20%. Do vậy, những công ty không trữ nguyên liệu, làm tới đâu mua tới đó lãi tăng thêm ít nhất là 5%, quản lý hao hụt tốt có thể tăng tỷ lệ lãi đến 7%”.

Ngoài ra, ông H. nói: “Sản xuất nhỏ theo kiểu gia đình, còn có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí cho văn phòng, cho hoạt động điều hành bộ máy. Bởi tự thân các ông bà chủ phải tự làm, phải tự tính toán mà tiết kiệm chi tiêu, từ bữa ăn cho đến các ly cà phê sữa đãi khách, nên giữ được giá rẻ khi mà hầu hết các công ty lớn đều phải đối mặt với áp lực tăng lương giữ người…”.
(SGTT)
 

ĐỌC THÊM