Theo báo cáo của Tổng công ty Thép Việt Nam, năm 2009, ngành thép đã sản xuất được 4,5 - 4,7 triệu tấn đáp ứng được hơn 60% nhu cầu phôi thép trong nước. Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, lượng thép phế - nguyên liệu chính để sản xuất phôi thép ở trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, lượng thép phế nhập năm 2007 là 1 triệu tấn, năm 2008 là 1,5 triệu tấn, ước năm 2009, lượng thép phế nhập khẩu cũng ở mức cao.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất phôi thép rơi vào cảnh khốn đốn, có tiền cũng đành phải “ngồi chơi xơi nước” do không nhập được nguyên liệu vì khó khăn trong việc tiếp xúc với nguồn ngoại tệ. Theo công văn 993/NHNT - QLKDV của Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam và văn bản số 956/VNS - XNK ra ngày 17/7/2009 của Tổng công ty Thép Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Công thương thì các mặt hàng thuộc nhóm ưu tiên số 2 về hỗ trợ ngoại tệ trong ngành thép là: phôi thép, thép thành phẩm. Điều đó có nghĩa là, không có ưu tiên ngoại tệ cho hoạt động nhập khẩu các nguyên liệu khác phục vụ cho sản xuất như: thép phế, than mỡ, than coke… Theo đánh giá của các chuyên gia, điều này tạo ra những tác động không tốt đến hoạt động của Tổng công ty Thép nói riêng và doanh nghiệp sản xuất thép nói chung.
Nêu quan điểm về vấn đề này, đại diện doanh nghiệp Thép Vạn Lợi, ông Phạm Đăng Cao cho biết: Phát triển sản xuất phôi thép là để chủ động nguồn phôi trong nước. Việc ngân hàng đưa thép phế vào mặt hàng thuộc nhóm không ưu tiên, trong khi việc nhập khẩu phôi thép không được khuyến khích lại được đưa vào nhóm ưu tiên về hỗ trợ ngoại tệ. Đây là một chính sách bất hợp lý, hạn chế sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước. Cũng theo ông Cao, thép phế phải được ưu tiên tuyệt đối, còn phôi thép nhập khẩu thì tùy từng giai đoạn mà có thể điều chỉnh ưu tiên hoặc không. Có như vậy mới đi đúng chủ trương đẩy mạnh phát triển sản xuất phôi thép trong nước.
Về phía Hiệp hội Thép Việt Nam, ông Phạm Chí Cường cho hay: Một tấn phôi sản xuất trong nước rẻ hơn từ 40 - 100 USD so với phôi nhập khẩu từ nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp trong nước được đáp ứng ngoại tệ thì sẽ phát triển được sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế và còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Còn nếu ưu tiên hỗ trợ cho nhập phôi thép thì sẽ không bảo vệ được sản xuất trong nước, không những vậy còn tạo điều kiện cho thép Trung Quốc và thép ASEAN tràn vào Việt Nam “đè bẹp” thép nội địa.
Được biết, cho đến nay đã có 6 doanh nghiệp gửi đơn “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị đưa thép phế liệu vào nhóm ưu tiên số 1 về ngoại tệ. Tổng công ty Thép Việt Nam cũng gửi văn bản số: 956/VNS - XNK xin kiến nghị ngân hàng các cấp ưu tiên hỗ trợ ngoại tệ với một số mặt hàng thuộc ngành thép như: thép phế, than mỡ, than coke… Đồng thời cân đối ngoại tệ cho nhập khẩu phôi thép, thép thành phẩm… “Nhiều doanh nghiệp đến cả ngoại tệ để mở L/C cũng không kiếm đâu ra. Nếu quy định này không thay đổi thì hệ quả tất yếu là các doanh nghiệp phải đình sản xuất, hàng nghìn công nhân sẽ không có việc làm” - ông Cường lo ngại