Thay vì được hưởng mức thuế NK nguyên liệu để sản xuất vật liệu hàn từ 0-5%, hiện nay khi biện pháp tự vệ được áp dụng đối với mặt hàng phôi thép và thép dài NK, là nguyên liệu để sản xuất que, dây hàn của các doanh nghiệp (DN) trong nước, phải chịu mức thuế mới 14,2%. Điều này gây ra những khó khăn thực sự cho DN khi phải gánh thêm chi phí đầu vào.
Hiện nay, nguyên liệu chính để sản xuất que hàn là các chủng loại thép, như: H08A; H08AB; SWRY11; SWRY11Cr; SWRY11Bo; SWRY11Ni; SAE1008; SAE1008B…, đây là những loại thép trong nước chưa sản xuất được. Vì thế nhiều năm nay, các DN sản xuất vật liệu hàn phải đi nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, Nga và các nước trong khu vực.
Nếu tính từ trước năm 2015, thuế NK thép từ 0%-5%, tương ứng là thuế nhập sản phẩm que, dây hàn hoàn chỉnh có mã HS : 8311 là 20%-30%. Với các mức thuế đó, DN cho rằng, họ có khả năng cạnh tranh, có lãi, đảm bảo tốt việc làm và thu nhập cho người lao động.
Từ thời điểm 1-1-2015, khi các nội dung cam kết của những FTA được Nhà nước ký kết, mức thuế NK vật liệu hàn hoàn chỉnh trở về mức 0%. Để có thể cạnh tranh với các sản phẩm NK, các DN sản xuất vật liệu hàn đã gồng mình cải tiến công nghệ, tổ chức sản xuất nâng cao năng xuất lao động, tiết kiệm vật tư nguyên liệu, phần nào ổn định sản xuất, chiếm lĩnh thị trường vật liệu hàn và cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại, tăng thu nhập cho người lao động, đóng thuế vào ngân sách Nhà nước nhiều hơn.
Tuy nhiên, mới đây Quyết định số 862/QĐ-BCT ngày 7-3-2016 của Bộ Công Thương về việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài NK vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ đã khiến DN gặp nhiều khó khăn. Với mức thuế tự vệ tạm thời được áp dụng, các loại thép NK làm vật liệu hàn sẽ chịu chung cảnh ngộ với mức thuế áp 14,2%. Điều này đồng nghĩa với việc sản phẩm nhập ngoại có lợi thế cạnh tranh lấn lướt, xâm chiếm thị trường và bóp chết các DN trong nước.
Với mức thuế này, ông Ngô Bá Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Que hàn điện Việt Đức cho rằng, đây sẽ là khó khăn rất lớn đối với các DN sản xuất que hàn. Thậm chí, các DN sẽ không thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập ngoại dẫn đến sản xuất bị ngừng trệ, thậm chí phá sản, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm, thu nhập của hàng ngàn lao động và có tác động nhiều đến an sinh xã hội.
Cách đây 10 năm trở về trước sản phẩm que hàn Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Nhưng, với sự nỗ lực của các DN trong nước thì hàng Trung Quốc dần lùi bước. Đến nay que hàn của các DN trong nước sản xuất đã chiếm tới 75-80% thị phần, đồng thời tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định | |
| Ông Ngô Bá Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Que hàn Điện Việt Đức |
Cùng quan điểm đó, Công ty Cổ phần Kim Tín cũng đề nghị Bộ Công Thương “tính toán lại”. Công ty này cho rằng, các sản phẩm bị áp thuế tự vệ với các mã HS quá rộng, gây khó khăn và ảnh hưởng nặng nề cho công ty trong việc NK nguyên liệu sản xuất. Công ty Kim Tín đề xuất: không áp thuế với thép dài, Bộ Công Thương có thể căn cứ nhu cầu sử dụng thép của DN để cấp hạn ngạch NK.
Ông Hoshino Yoichi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam (KSVC) cũng đưa ra đề xuất sử dụng hệ thống quota (hạn ngạch) NK cho các DN, thay vì áp thuế.
Cùng đồng quan điểm với các doanh nghiệp, TS. Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam kiến nghị: việc áp thuế phòng vệ là cần thiết, nhưng riêng các chủng loại thép NK dùng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp sản xuất que, dây hàn các loại mà ngành thép trong nước không sản xuất được nên tạm thời chưa áp dụng. Cần phải có thời gian để các DN đổi mới công nghệ thiết bị nâng cao năng suất lao động, cơ cấu lại sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đủ khả năng cạnh tranh.
Trong trường hợp không thể giải quyết toàn cục, TS. Đỗ Hữu Hào đề nghị “xử lý cục bộ”, ưu tiên một số DN có sản lượng lớn, có đông người lao động và có đóng góp cho ngân sách Nhà nước theo phương thức tạm thời chưa áp thuế phòng vệ năm 2016. Những năm tiếp theo nâng dần mức áp thuế để DN có điều kiện khắp phục dần nếu chưa dỡ bỏ việc áp dụng thuế phòng vệ.
Từ những khó khăn đó, các nhà sản xuất vật liệu hàn Việt Nam gồm: Công ty CP Que hàn điện Việt Đức, Công ty CP Kim Tín, Công ty CP Sản xuất - Thương mại Hữu Nghị, Công ty CP Phát triển Tân Nam Đô, Công Ty TNHH sản xuất que hàn Đại Tây Dương Việt Nam… mới đây đã cùng nhau ký vào văn bản báo cáo Thủ tướng, gửi đề nghị lên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đề nghị với Tổng hội Cơ khí Việt Nam, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Hàn Việt Nam về việc xem xét lại mức áp thuế tạm thời 14,2% nói trên. |
Nguồn tin: Hải quan