Không ồn ào như những khoản nợ của Vinashin, Vinalines, không gấp gáp, áp lực như nợ bất động sản, những khoản nợ của các doanh nghiệp ngành thép ít được công bố. Nhưng với nhiều chủ nợ, những khoản nợ này thực sự nguy hiểm.
Theo Bộ Công thương, năm 2013, sản lượng thép của Việt Nam đạt khoảng 10,81 triệu tấn, tăng 1,7% so với năm trước. Trong đó, sản lượng thép của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) giảm 2,9%, đạt khoảng 1,29 triệu tấn. Tính chung giai đoạn 2011 - 2013, sản lượng thép cả nước giảm khoảng 1,5%.
Lý do là vì thực hiện nghị quyết Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, tạm dừng các công trình chưa thật cần thiết và do thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt. Trong năm 2013, sản lượng thép nhập khẩu lên tới gần 9 triệu tấn, chủ yếu là thép xây dựng và đa số là nhập từ Trung Quốc.
Nghịch lý tăng trưởng trong khủng hoảng
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), khó khăn của ngành thép đã lộ diện từ cuối năm 2012, đầu 2013, và kéo dài tới hiện tại. Cho đến đầu năm 2014, đã có nhiều đơn vị ngành thép phải tạm ngừng hoạt động, nhiều đơn vị khác thì hoạt động cầm chừng, chỉ đạt 40 - 50% công suất. Trong tình hình bị cạnh tranh gay gắt và suy giảm thị trường ấy, sản lượng thép vẫn tăng thì quả là điều lạ lùng. Càng lạ lùng hơn là nếu cộng gần 9 triệu tấn thép nhập khẩu với gần 11 triệu tấn thép sản xuất trong nước, thì tiêu thụ thép của Việt Nam năm vừa qua đã vượt mức 20 triệu tấn, quá nhiều cho một nền kinh tế đang khủng hoảng và các dấu hiệu hồi phục chưa rõ ràng.
Hiện, cả nước có khoảng 40 nhà máy thép, chủ yếu là nhà máy cán. Trong năm 2013 đã có thêm 5 nhà máy thép đi vào sản xuất, với công suất 1,5 triệu tấn/năm, nâng tổng công suất thép xây dựng cả nước lên 11 triệu tấn/năm. Số nhà máy sản xuất phôi chỉ có khoảng 6 - 7 nhà máy, đáp ứng khoảng 50% - 60% nhu cầu phôi thép cho các nhà máy cán. Đáng chú ý, số nhà máy luyện phôi từ quặng sắt là không đáng kể, mà chủ yếu là luyện phôi từ thép phế liệu. Trong thực tiễn ấy, trình độ công nghệ sản xuất thép của Việt Nam bị đánh giá là thấp cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Vì khâu quan trọng nhất với công nghiệp thép là luyện thì lại chiếm tỷ lệ quá thấp. Công nghệ cán chỉ phân biệt "hiện đại" hay không ở chi phí cán, mà không can thiệp được nhiều vào chất lượng thép.
Theo các chuyên gia, lý do các nhà sản xuất thép chưa đầu tư mạnh sang công nghệ luyện phôi từ quặng là do đầu tư cho công nghệ quá lớn. Để đầu tư một nhà máy luyện phôi từ quặng sản lượng trên 1 triệu tấn/năm, cần nguồn vốn lên tới cả tỷ USD, trong khi đầu tư cho nhà máy cán chỉ cần vài chục, vài trăm triệu USD đã có thể cho ra sản phẩm bán trên thị trường. Lý do ngành thép Việt Nam phát triển lệch lạc, do thế, bị quy về thiếu vốn và thiếu quản lý quy hoạch.
VSA có thể là một hiệp hội hoạt động khá tốt, bất chấp thực tế đa phần hoạt động của các doanh nghiệp thành viên khó khăn. Một trong những điều tốt ấy là VSA thường xuyên đưa ra những đánh giá thị trường, tư vấn cơ chế quản lý. Một trong những điểm VSA thường xuyên "kêu" cho các doanh nghiệp của mình, là ngành thép luôn thiếu vốn.
Thực tế, vốn đầu tư nhà máy và kinh doanh của tất cả các doanh nghiệp thép hiện nay chủ yếu là đi vay. Vốn cho mua nguyên liệu, phụ liệu, mua thành phẩm để kinh doanh cũng là đi vay nốt. Thế nhưng, kỳ cục là cho đến nay lại chưa có nghiên cứu hay số liệu của VSA, của doanh nghiệp, ngân hàng, hay của bất cứ tổ chức nào được công bố để cho thấy tổng số tiền đầu tư vào ngành thép Việt Nam đang là bao nhiêu.
Con nợ: kêu, chủ nợ: im?
Có thể lấy tổng số vốn đầu tư vào dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh của TATA - nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới của Ấn Độ, làm đối chứng và thử hình dung quy mô đầu tư vào ngành thép Việt Nam. Theo đó, từ năm 2008, TATA đã xin đầu tư một cụm nhà máy liên hoàn luyện, cán có tổng công suất 4,5 triệu tấn/năm tại đây. Tổng vốn đầu tư cho dự án là khoảng 5 tỷ USD. Tương tự là dự án liên doanh giữa Tập đoàn E-United (Đài Loan) và Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản) tại Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, tổng công suất sản xuất 7 triệu tấn thép các loại/năm.
Như vậy, nếu so sánh về tương quan, có thể thấy đầu tư vào các nhà máy thép đã hoạt động, hay sắp hoạt động của các doanh nghiệp trong nước cũng phải lên tới con số hàng tỷ USD. Đó là chưa tính tới hàng tỷ USD khác là vốn vay thương mại của các doanh nghiệp sử dụng làm vốn lưu động kinh doanh các sản phẩm thép. Đương nhiên, với suất đầu tư cực lớn, có thể hiểu phần lớn số vốn đầu tư ấy đều là từ ngân hàng, đều là vốn vay. Nợ của ngành thép, do thế, có quy mô không kém, nếu không nói là lớn hơn cả bất động sản, hay Vinalines, Vinashin…
Nhưng cũng là thực tế, trong khi ngành thép hoạt động khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp như Cửu Long, Cái Lân, Việt Nhật, Tân Hương, Vạn Lợi… gần như ngừng hoạt động, thì phản ứng của các ngân hàng lại khá im lìm. Thậm chí như ở Vạn Lợi, cụm các nhà máy luyện gang, thép tại đây đã nằm "chết" nhiều năm, nhưng phản ứng của chủ nợ - BIDV, thì vẫn rất bình thản.
Thực tế là, hiện ít có nhà sản xuất thép nào tự lấy pháp nhân của mình trực tiếp vay từ ngân hàng, mà phần lớn đều phải vay thông qua "kênh" khác, có thể là công ty con, hoặc doanh nghiệp thành viên. Chưa hết, cho đến nay, chưa có vụ cưỡng chế nợ nào của ngân hàng đối với doanh nghiệp sản xuất thép, cho dù đa số các doanh nghiệp này đều có nợ quá hạn(?).
Vậy thì ngân hàng sợ điều gì mà không dám "mạnh tay" với các doanh nghiệp thép nợ quá hạn, hay là ngân hàng sợ những bí mật trong thẩm định sai, cho vay sai đối với các dự án thép bị phanh phui, hay là sợ phải nhận lại những nhà máy sản xuất thép công nghệ lạc hậu được mua về từ nước ngoài với giá sắt vụn, nhưng lại được "bơm" vốn như là máy móc mới?
Nguồn tin: Bizlive