Trong tuần qua, thanh tra bộ Tài chính đã công bố kết quả thanh tra tại sáu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép xây dựng. Cuộc thanh tra rất ngắn ngày này (mỗi doanh nghiệp thanh tra năm ngày) đã phát hiện 5/6 doanh nghiệp đã không chấp hành tốt việc kê khai, niêm yết giá theo quy định; bốn doanh nghiệp chưa đăng ký giá.
Trong ba tháng đầu năm 2010, tất cả các doanh nghiệp đều tăng giá nhưng số lần tăng dồn dập nhất trong tháng 3 và mức tăng trong tháng này cũng cao nhất. Chỉ tính từ 15 – 23.3, hầu hết các doanh nghiệp thuộc hiệp hội Thép Việt Nam đều tăng giá bán bình quân từ 300 – 1.300 đồng/kg.
Thời điểm này, tổng công ty Thép Việt Nam điều chỉnh bốn lần, tăng bình quân 1.300 đồng/kg, tăng khoảng 13%, công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên tăng năm lần, tổng mức tăng khoảng 7,8%, công ty cổ phần kim khí Hà Nội tăng 21 lần, tăng khoảng 6,07%; công ty cổ phần kim khí miền Trung điều chỉnh bốn lần.
Thanh tra bộ Tài chính cho rằng, giá thép tăng chủ yếu do tăng giá đầu vào. Theo cơ quan này, chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chiếm tỷ trọng từ 95 – 97% giá thành, tác động lớn đến giá thành sản xuất thép, trong đó riêng phôi thép đã chiếm khoảng từ 92 – 94%, còn lại là nhiên liệu, động lực (điện, dầu, nước…), chi phí khác chỉ chiếm khoảng 3 – 4%.
Giá phôi thép tăng quá nhanh: tăng trung bình 13% trong quý I đã bằng mức tăng cả năm 2009 là nguyên nhân lớn nhất. Các chi phí còn lại như nhân công, chi phí bán hàng, quản lý… chiếm tỷ lệ nhỏ, không tác động nhiều đến giá thành sản phẩm.
Tuy nhiên, ngay cả hiệp hội Thép cũng có nhận định khác, rằng, giá thép cao có yếu tố của việc một số doanh nghiệp, cá nhân găm giữ hàng (đầu cơ).
Chuyên gia nhận định: tăng giá đón đầu nên lãi lớn
Một đánh giá đáng chú ý khác là của trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, bộ Công thương. Theo trung tâm này, giá thép tăng ngoài nguyên nhân chi phí đầu vào tăng còn do các doanh nghiệp đã tăng giá đón đầu khi giá thép thế giới liên tục tăng cộng với tình trạng găm giữ, tạo khan hiếm giả tạo trong bối cảnh khi mà nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng ở trong nước đang ở mức rất cao do nhiều công trình đang trong giai đoạn thi công dở dang.
Các chuyên gia của trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại phân tích, hiện nay, giá chào bán phôi tại khu vực là 600 – 610 USD/tấn –CIF (tương đương với mức giá xuất xưởng khoảng 13.800 đồng/kg).
Tuy nhiên, thép thành phẩm đang bán trên thị trường được các doanh nghiệp sản xuất từ nguồn nguyên liệu đã nhập về với giá rẻ trước đó, thấp hơn rất nhiều so với giá chào bán hiện nay trên thị trường thế giới. Thống kê cho thấy, giá phôi thép nhập khẩu trung bình trong quý 1 là 480 USD/tấn.
Tuần đầu tháng 4, giá phôi thép nhập khẩu về cũng vẫn chỉ ở mức 500 USD/tấn, tăng không đáng kể so với đầu năm nay. Mức giá nhập khẩu này tương đương với giá thép thành phẩm xuất xưởng chỉ vào khoảng 11.900 đồng/kg. Như vậy, với mức giá xuất xưởng hiện nay là 13.800 đồng/kg thì các doanh nghiệp đã lãi lớn.
Do đó, giá thép trong nước tăng cao có thể còn do yếu tố doanh nghiệp sản xuất tăng giá bất hợp lý , do tình trạng đầu cơ, găm giữ hàng (như đã xảy ra năm 2007, 2008).
Theo dự báo của bộ Công thương, tiêu thụ thép xây dựng trong nước năm nay sẽ tiếp tục tăng cao, ước đạt 4,6 – 4,8 triệu tấn, tăng 15 – 20% so với năm 2009. Trong khi đó, sản lượng thép lại tăng chậm, ví dụ như thép cán tròn, quý 1 chỉ tăng 11,6%, đạt gần 1,1 triệu tấn... nên giá thép còn có khả năng bị đẩy lên.
Nếu các cơ quan quản lý không có giải pháp ngăn chặn, xử lý mạnh với các trường hợp tăng giá bất hợp lý (đợt thanh tra sáu doanh nghiệp, thanh tra bộ Tài chính chỉ phạt 31,5 triệu đồng – PV), đầu cơ thì thị trường thép có thể bị lũng đoạn, bất ổn.
stox