Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp sản xuất thép nội: Đừng tự làm khổ mình!

 

Sự “đỏng đảnh” của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã không ít lần làm cho thị trường thép bị sụt giảm nguồn cung, tạo cơ hội cho thép ngoại tràn vào, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà thầu và chủ đầu tư các công trình xây dựng… Mặc dù đã có nhiều cảnh báo nhưng sự việc này đang có nguy cơ tiếp diễn.

Vài tuần qua, giá thép cuộn nhập khẩu đã có lúc thấp hơn giá thành sản phẩm cùng loại trong nước tới 500 - 700 nghìn đồng/tấn. Chỉ riêng mặt hàng thép cuộn xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã nhập trên 200.000 tấn, trong đó thép từ các nước ASEAN chiếm trên 70%. Thép cuộn từ các nước ASEAN nhập vào Việt Nam được tiêu thụ ở các tỉnh thành phía Nam với giá khoảng 9,9 triệu đồng/tấn, trong khi giá thép xuất xưởng của các doanh nghiệp (DN) trong nước đang dao động ở mức 10,3 - 10,8 triệu đồng/tấn (chưa có thuế giá trị gia tăng).

Giải thích về "hiệu ứng" để thép ngoại tràn vào thị trường nội địa, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, một số DN thương mại đã xem nhẹ lợi ích chung, chỉ quan tâm lợi nhuận của mình, nhập khẩu thép ngoại ồ ạt về bán rẻ, đẩy các DN sản xuất thép trong nước vào tình thế khó khăn.

Trả lời câu hỏi: Vì sao giá thép nhập khẩu rẻ hơn giá thép sản xuất trong nước, đại diện VSA nhận định, các nước đều có những biện pháp bảo hộ hàng hóa trong nước, cho phép thoái thu thuế VAT để xuất khẩu sản phẩm, cho nên giá bán thấp hơn cũng là dễ hiểu. Và cũng như mọi lần, với lý do bảo hộ sản xuất trong nước, nhiều DN sản xuất thép nội địa đang chuẩn bị ý kiến để gửi lên các cơ quan chức năng kiến nghị cần hạn chế việc nhập khẩu thép ngoại.

Tuy nhiên, những gì diễn biến trên thị trường trong những tháng vừa qua lại không đúng với những lý giải trên. Ngay từ tháng 3/2009, nhiều đại lý thép đã chủ động tăng giá bán, thậm chí đã có hiện tượng đầu cơ tích trữ, tuồn hàng cho các đầu nậu kiếm lời.

Ông Vũ Đức Kiểm, đại diện Cty TNHH Ngọc Quỳnh cho biết: “Hiện nay, để mua được thép trong nước sản xuất, với giá cạnh tranh về bán cho các công trình xây dựng, chúng tôi đang phải mua lại của các đại lý có quan hệ đặc biệt với nhà máy, chứ mua trực tiếp giá rất cao, nhập về không bán ra được”. Năm 2008, vào những thời điểm thị trường thép khan hàng, đã không ít lần ông Kiểm phải ăn trực nằm chờ hàng tuần trên Nhà máy Thép Thái Nguyên mà không mua được sản phẩm về bán, cuối cùng lại phải quay về mua lại của một đại lý ở Hà Nam.

Từ đầu tháng 4 đến nay, với những lý do như giá phôi thép nhập khẩu tăng 20 - 30 USD/tấn, giá thép phế nhập khẩu tăng từ 15 - 20 USD/tấn… mà nhiều DN ngành thép đã tăng giá bán thép cuộn phi 6 - phi 8 lên 10,6 - 10,8 triệu đồng/tấn; thép cây cũng tăng lên tới 10,9 - 11,3 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giá phôi thép trên thị trường thế giới vẫn giữ ổn định ở mức thấp, khoảng 360 USD/tấn (FOB Viễn Đông). Giá phôi nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 5 cũng giữ khá ổn định ở mức 390 - 400 USD/tấn (CFR). Điều này đang gây bất bình đối với nhiều nhà thầu và chủ đầu tư các công trình xây dựng. Bởi họ sẽ lấy kinh phí ở đâu để bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh khi giá nguyên vật liệu đầu vào cứ tùy tiện tăng đột biến.

Câu hỏi mà dư luận đang đặt ra đối với các DN ngành thép là tại sao cứ mỗi khi giá phôi thép biến động là các DN thép ngay lập tức lại đưa ra những lý do để bao biện cho việc tăng giá thành phẩm - dù trong kho còn cả đống phôi thép dự trữ? Nếu những năm trước đây, ngành Thép Việt Nam phải phụ thuộc tới 60 - 70% phôi thép nhập khẩu thì cách ứng xử như thế còn có thể được chấp nhận. Song từ năm 2008 đến nay, trong nước đã có nhiều lò luyện thép đi vào hoạt động, tỷ lệ phôi thép sản xuất trong nước đã đạt gần 60%. Vậy các DN ngành Thép căn cứ vào đâu để tăng giá bán.

Có thể nói, gói kích cầu của Chính phủ đã bắt đầu tác động đến lĩnh vực xây dựng, với hàng loạt các dự án được khởi động, nhu cầu thép đang tăng mạnh. Nhưng vì thế mà các DN thép lại lợi dụng thời cơ này để đẩy giá bán sản phẩm lên kiếm lời thì quả là điều không thể chấp nhận được. Việc làm này đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho thép ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam. Phải chăng, các DN thép nội địa đang tự làm khổ mình!

DiaOcOnline.vn


ĐỌC THÊM