Từ đầu năm 2011, nhiều chính sách về thay đổi tỉ giá, lãi suất ngân hàng, tăng giá điện, xăng dầu, đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động của doanh nghiệp và trở thành những vấn đề nan giải mà các doanh nghiệp phải đối mặt.
Doanh nghiệp “sợ” lãi suất, tỷ giá
Trước quá nhiều những biến động của chính sách kinh tế vĩ mô từ đầu năm đến nay như vấn đề tỷ giá, lãi suất, giá cả nguyên liệu đầu vào… thái độ lúng túng nhất định của các doanh nghiệp trong đối sách kinh doanh là điều không thể tránh khỏi.
Tại buổi hội thảo “Những chính sách kinh tế vĩ mô 2011 và giải pháp của doanh nghiệp” diễn ra tại Hà Nội, Ông Võ Ngọc Tùng, GĐ Kinh doanh toàn quốc công ty bột thực phẩm Tài Ký cho rằng: “Một trong những điều doanh nghiệp đang rất lo lắng là lãi suất ngân hàng. Lãi suất quá cao, áp lực về giá thành quá lớn, đương nhiên sản phẩm giá cao, như vậy thì sản lượng sẽ giảm, vòng xoay luẩn quẩn không có đường gỡ để đưa hàng đến tay người tiêu dùng”.
Ông Nguyễn Khắc Tùng – Công ty bánh kẹo Hữu Nghị, Hà Nội: thì cho rằng, đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua quá đột ngột khiến DN lúng túng. “Chúng tôi mong rằng những chính sách khi điều chỉnh nên dao động trong một nhất định, tránh những điều chỉnh lớn đột ngột ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”.
Trao đổi với Tamnhin.net, Chủ tịch Hội dệt may TP Hà Nội, bà Dương Thị Liên Hương cho biết, hiện nay, các DN dệt Hà Nội đang rất khó khăn trước tình trạng lãi suất, tỷ giá tăng cao. Nếu doanh nghiệp không thể giữ được tiến độ sản xuất thì đồng nghĩa với việc phải bỏ hàng triệu người lao động.
Mặc dù việc nâng tỷ giá thời gian qua, về lý thuyết các DN xuất khẩu như của bà sẽ được hưởng lợi. Thế nhưng, mặc dù là xuất khẩu, nhưng nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may vẫn chiếm tới trên 60% là phải nhập khẩu. Cho nên khó khăn nhiều hơn là hưởng lợi.
Ông Trần Lâm - GĐ công ty Lâm Hoài Sơn, một công ty về may mặc cho biết, ngành vải sợi phụ thuộc rất nhiều vào tỉ giá vì hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào đều phải nhập khẩu. Trong khi đó, trên thị trường tự do xảy ra tình trạng nhập nguyên liệu từ Trung Quốc với giá rẻ và không có hóa đơn rõ ràng.
Trả lời báo chí, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam Võ Quốc Thắng cho biết, các doanh nghiệp đang thực sự gặp khó vì sức ép lớn từ lãi suất ngân hàng tăng cao. Với mức lãi suất vay gần 20% thì ảnh hưởng ngay tới các hoạt động đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Đấy là chưa kể tới những hệ lụy liên quan tới người lao động và bảo đảm duy trì khách hàng.
Tránh phải vay vốn ngân hàng?
Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê Xuân Nghĩa đưa ra giải pháp mà theo ông là tối ưu: “Nếu giá đầu vào tăng mà doanh nghiệp vẫn muốn tăng giá đầu ra thì cách tốt nhất là giảm sản lượng. Khi đó tổng chi phí và doanh thu gần ngang bằng nhau. Lời lãi ít thôi thì sẽ đứng vững!”.
Cũng theo ông Nghĩa, các công ty nên liên kết với nhau để cùng cân đối ngoại tệ hoặc sử dụng tối đa nguồn vốn tự có, tránh vay vốn ngân hàng trong thời điểm lãi suất ngân hàng cao nhất thế giới và lãi suất hiện tại quá kinh khủng.
Một GD công ty xuất khẩu cũng cho Tamnhin.net biết: “Hiện tại, chúng tôi đang phải vay với lãi suất 18%/năm. Tương đương lãi suất như vậy, nếu để gọi là làm ăn có lãi, doanh nghiệp tôi phải lãi tới 25 đến 30%. Nhưng thời điểm nay, hòa vốn là may chứ nói gì đến lãi 30%”.
Ông cũng cho biết thêm, các công ty nước ngoài, họ có nhiều hình thức huy động vốn, nếu lãi suất cao thì họ sẽ không vay nữa, nếu có vay ngân hàng cũng chỉ cần vay rất ít, trung bình họ chỉ vay 10 đến 20%. Còn cái khó của các doanh nghiệp Việt là ở chỗ chủ yếu vốn từ ngân hàng, phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Cho nên, lãi suất cao, doanh nghiệp chỉ có “chết”.
Đại diện của một số doanh nghiệp cũng cho rằng, cần có sự chia sẻ của Chính phủ và các thành phần kinh tế, không nên ưu ái quá vào đầu tư công. Bởi lẽ có những lĩnh vực chỉ DN nhà nước làm được nhưng cũng có những lĩnh vực chỉ DN tư nhân hay DN nước ngoài làm được.
Ông Lê Văn Trí – phó TGĐ công ty Casumina cho rằng, để hạn chế khó khăn trong tình hình thị trường giá cả bất ổn, Casumina đã cân đối xuất – nhập để giảm bớt áp lực tỷ giá. Trước tình trạng lãi suất ngân hàng lên đến 18% như hiện nay, doanh nghiệp cần giảm vay vốn đầu tư; muốn vậy, doanh nghiệp cần nhanh chóng xoay vòng vốn, giảm tồn kho.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nhìn nhận sự biến động phức tạp của giá cả, tỷ giá và lãi suất cho vay cao là thách thức lớn cho sản xuất kinh doanh của DN và đời sống nhân dân trong thời gian tới, bà cho rằng hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần rà soát lại hoạt động của mình, tăng cường dòng tiền, tăng cường quản trị doanh nghiệp và cơ cấu lại mặt hàng của mình.
Nguồn: Tamnhin