Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp "sợ" ngân hàng không dám kêu "khó"

Tại cuộc họp lấy ý kiến về Đề án tái cơ cấu kinh tế của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nêu lên thực trạng này.

Chiều ngày 17/5, tại Hà Nội, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ.

Hầu hết các quan điểm đều cho rằng, đề án cơ bản toàn diện, hướng đi đúng song lại chưa có những giải pháp cụ thể và thực tiễn. Chẳng hạn, cần phải định rõ làm thế nào để giải quyết bất ổn và nợ xấu của các tổ chức tín dụng? Làm gì để chỉ số cạnh tranh và hiệu quả đầu tư tăng lên? Làm gì để xóa bỏ chi phí bôi trơn doanh nghiệp, để khối doanh nghiệp tư nhân được tham gia vào dự án ODA…?

“Phải giải quyết các câu hỏi trên thì doanh nghiệp mới biết sân chơi, cơ hội nào cho mình mà nhảy vào. Còn nếu không, tôi cho rằng, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục tự cứu mình”, bà Dương Thu Hương, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh.

Thậm chí, một số đại diện doanh nghiệp còn chia sẻ thực tế rằng, hiện doanh nghiệp đang rất “sợ” ngân hàng nên không dám kêu khó, bởi nếu kêu khó là đánh động ngân hàng đòi nợ. Gần đây các cuộc mổ xẻ mới chỉ là chuyên gia nói với nhau, chứ hiếm thấy tiếng nói của doanh nghiệp, khiến những khó khăn của doanh nghiệp càng khó được “thấu hiểu”. Do vậy, Đề án cần căn cứ vào ý kiến của những người trải nghiệm thực tế để tháo khó cho doanh nghiệp.


Những khó khăn của doanh nghiệp vẫn chưa được “thấu hiểu" trong Đề án tái cơ cấu kinh tế (ảnh minh hoạ: Internet)

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương – một trong những tác giả của đề án tái cơ cấu nền kinh tế nhìn nhận, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế chưa có tính đột phá, cho thấy cách điều hành giật cục, cách lựa chọn ngành mũi nhọn vẫn còn quan điểm lạc hậu và để đánh giá đúng thực trạng  hiện nay đã là điều không dễ dàng. Đặc biệt, Nhà nước không chỉ thực hiện những chính sách ưu đãi mà quan trọng là phải đồng hành cùng doanh nghiệp. 

Tán đồng quan điểm này, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng những đơn vị yếu kém lâu ngày nếu “chết” là bình thường của quy luật thị trường. Còn các doanh nghiệp khó khăn do tác động của chính sách thì cần được hỗ trợ.

Góp ý về tái cơ cấu nhóm doanh nghiệp Nhà nước, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, cần xác định rõ vai trò của khối doanh nghiệp trong nền kinh tế nhiều thành phần. Hiện nhóm này sử dụng nhiều nguồn lực nhưng không mang lại nhiều lợi ích. Nên chăng DNNN chỉ nắm một số lĩnh vực mũi nhọn, còn lại cần tái cơ cấu hoàn toàn, thực sự.

Đề án tái cơ cấu kinh tế hiện đang nhận được nhiều phản biện từ các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, chuyên gia. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIII (sẽ khai mạc vào đầu tuần tới) các đại biểu sẽ cho ý kiến về Đề án này trước khi Chính phủ chính thức triển khai trong thực tế.

Nguồn tin: Toquoc

ĐỌC THÊM