Giá điện tăng không chỉ tác động đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân mà còn khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thêm khó khi tiền điện phải đóng thêm hàng tháng lên tới hàng trăm triệu.
Giá điện tăng làm doanh nghiệp kém cạnh tranh
Ngày 16/3/2015, giá bán điện sẽ được điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Thông tin này đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lo lắng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty cổ phần may Hưng Yên cho biết, ngành may mặc dùng điện không phải quá nhiều, điện chỉ chiếm 1,5% giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế như hiện nay thì việc giá cá đầu vào tăng mỗi thứ một chút, mà trong đó có giá điện cũng khiến doanh nghiệp mệt mỏi.
“Giá điện điều chỉnh tăng 7,5% nếu tính vào giá thành cũng sẽ khiến giá thành sản phẩm tăng thêm 1%. Tôi chỉ e ngại giá điện tăng sẽ tác động đến giá của nhiều mặt hàng khác, trong đó có những mặt hàng sẽ tăng theo kiểu “té nước theo mưa” và kết quả là người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả”.
Vị đại diện này cũng cho hay, doanh nghiệp của ông đã tính đến vấn đề bù đắp cho người lao động khi giá điện tăng.
“Bởi từ nay trở đi, hàng tháng công nhân sẽ phải gánh thêm vài chục nghìn tiền điện/tháng. Với mức lương công nhân chỉ vài triệu thì việc tăng giá điện dù nhiều hay ít cũng sẽ khiến cho chi tiêu của họ phải dè sẻn hơn”, ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ thêm.
Đại diện Cơ sở chế biến thực phẩm Cầu Lý chuyên sản xuất giò chả, nem chua (Thanh Oai, Hà Nội)– ông Tạ Văn Cầu cho biết, dù chỉ là cơ sở sản xuất nhỏ nhưng mỗi tháng tiền điện gia đình ông phải đóng gần chục triệu.
“Điện tăng giá thì gia đình tôi phải trả thêm mỗi tháng vài trăm nghìn nữa! Thế là cũng khá tốn kém đối với gia đình tôi rồi. Gia đình tôi cũng đã tính toán rất chi tiết để làm thế nào có giá hợp lý nhất nhằm cạnh tranh với các cơ sở sản suất khác. Còn hiện tại thì tôi chưa tính toán gì nhưng nếu giá điện tiếp tục tăng thì sẽ phải gộp vào giá thành sản phẩm. Vấn đề là ở chỗ nghề làm giò chả, nem mua luôn phải dùng điện vào giờ cao điểm nên chi phí này cũng rất tốn kém”.
Trong tình hình này, giá điện tăng sẽ khiến mỗi doanh nghiệp sản xuất thép phải “gánh thêm” hàng tỷ đồng tiền điện mỗi tháng
Là một trong những ngành có nhu cầu sử dụng điện lớn và cũng đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nên ngành thép lại càng khó khăn gấp bội khi giá điện tăng. Được biết, để sản xuất một tấn phôi thép, lượng điện tiêu thụ là khoảng 400 Kwh nếu sử dụng bằng công nghệ hồ quang và khoảng 600 KWh điện nếu sử dụng bằng công nghệ cảm ứng. Như vậy, việc giá điện tăng ở mức 7,5% thì sẽ phải tốn thêm 30-45 KWh điện để sản xuất ra một tấn phôi thép.
Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, giá điện chiếm khoảng gần 10% giá thành sản phẩm thép. Vì thế, giá điện tăng chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành, khiến cho ngành thép càng phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập ngoại.
“Có thể nói chưa bao giờ ngành thép rơi vào hoàn cảnh bế tắc như hiện nay. Nguyên nhân là do bất động sản không còn sôi động như trước đây nên nhu cầu sử dụng thép cho xây dựng kém đi. Ngoài ra, ngành thép cũng phải cạnh tranh với thép nhập ngoại từ Trung Quốc, Nga…Trong tình hình này, giá điện tăng sẽ khiến mỗi doanh nghiệp sản xuất thép phải “gánh thêm” hàng tỷ đồng tiền điện mỗi tháng. Điều này sẽ khiến cho giá cả đầu vào tăng lên, làm cho chúng tôi càng cạnh tranh khó khăn hơn khi xuất khẩu sang Campuchia - một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của thép Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Sưa cho hay.
Giá điện phải minh bạch
Đại diện ngành thép, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, trước”sự cố” tăng giá điện, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thép, vốn sử dụng điện nhiều nhất, sẽ phải đưa việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình vào kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình, để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp.
“Khó khăn càng nhiều hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khi giá điện tăng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã có các lò đúc hiện đại song vẫn còn những doanh nghiệp có các thiệt bị sản xuất lạc hậu, tiêu tốn và lãng phí điện. Vì vậy, qua việc giá điện tăng, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục có những cải tiến về thiết bị sản xuất để có được những sản phẩm thép có giá cạnh tranh nhất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, điều mà người tiêu thụ quan tâm, mong mỏi nhất vẫn là giá điện phải minh bạch. Khi đó, việc tăng hay giảm đều dễ dàng được chấp nhận”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định.
Chia sẻ với Tổ Quốc, đại diện của một Công ty CP Bao bì Bia – Rượu – Nước giải khát cho rằng, giá điện tăng nếu không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng sẽ dẫn tới tình trạng “té nước theo mưa”. Vì thế, rất cần có sự kiểm soát giá trong chính sách vĩ mô.
“Giá các loại năng lượng tăng làm chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng trên cả hai góc độ: Một là chi phí sử dụng năng lượng của doanh nghiệp trực tiếp bị tăng do tăng giá. Hai các nhà cung ứng vật tư nguyên liệu, dịch vụ vận tải… cũng tăng giá, do sản phẩm, dịch vụ của họ cũng bị tăng chi phí năng lượng. Việc các yếu tố đầu vào đồng loạt tăng giá ảnh ưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và hiệu quả kinh doanh. Chi phí sử dụng năng lượng tăng lên trực tiếp do tăng giá thì doanh nghiệp có khả năng chủ động kiểm soát được. Điều đáng lo là hiệu ứng tăng giá cộng hưởng từ phía các nhà cung ứng gây trở ngại không nhỏ cho việc kiểm soát chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Do vậy, giải pháp hàng đầu là tiết kiệm, giảm chi phí, quan tâm các giải pháp kỹ thuật tiết kiệm năng lượng. Và cần có sự kiểm soát giá trong chính sách vĩ mô”, vị đại diện này cho hay.
Động thái tăng giá điện khiến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện năng đều phản ứng mạnh. Bởi hiện nay, hàng loạt chi phí đầu vào đối với họ quá cao như lãi suất vay vốn ngân hàng, chi phí nguyên liệu, nhiên liệu, vận chuyển... khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khốn đốn suốt thời gian dài. Nay giá điện tăng lên sẽ giáng thêm một đòn mạnh vào việc điều tiết giá cả của doanh nghiệp. Theo Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế TƯ (CIEM), mức tăng 7,5% tuy thấp hơn so với mức tăng 9,5% mà EVN trước đó đã đề nghị nhưng vẫn là mức tăng khá cao.
“Việc tăng giá điện không chỉ làm tăng thêm chi phí sinh hoạt của người dân mà còn làm tăng rõ rệt chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các ngành sử dụng nhiều điện như thép, xi măng…Vì thế, đứng trước khó khăn về chi phí đầu vào nói chung, giá điện nói riêng, các doanh nghiệp cần phải áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng tiết kiệm điện hơn để giảm bớt các chi phí”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ quan điểm./.
Nguồn tin: Tổ quốc