Theo ông Chu Đức Khải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), xuất khẩu chỉ là một "cửa" để doanh nghiệp (DN) thép bớt khốn khó khi thị trường khó khăn, song lâu dài thị trường trong nước vẫn là cốt lõi, quyết định.
Thời gian gần đây các DN thép khá dè dặt mở rộng quy mô sản xuất, thậm chí sản xuất chỉ bằng 40-50% công suất bình thường?
Thị trường thép trong nước trầm lắng, đặc biệt thị trường thép xây dựng nên lượng tiêu thụ thép trong nước năm 2013 so với năm 2012 sụt giảm mạnh. Năm 2013 phần lớn các mặt hàng đều đang duy trì tình trạng sản xuất thấp hơn nhiều so với công suất thiết kế.
Đơn cử, sản xuất phôi công suất thiết kế là 8.890.000 tấn nhưng trên thực tế mới sản xuất 5.583.000 tấn, sản xuất gang mới chỉ bằng 29,87% so với công suất thiết kế, sản xuất tôn mạ bằng 60,51% (công suất thiết kế là 3.900.000 tấn, sản xuất thực tế là 2.360.000 tấn).
Doanh nghiệp thép loay hoay tìm đường tiêu thụ hàng |
Sự trầm lắng của thị trường bất động sản, xây dựng, ngành công nghiệp sử dụng thép..... là những nguyên nhân cốt lõi khiến việc tiêu thụ sản phẩm này của các DN sụt giảm. Có thời điểm cầu chỉ bằng 1/5 so với nhu cầu cung của các DN, vì thế chuyện DN ngừng mở rộng sản xuất, hoặc sản xuất chỉ bằng phân nửa công suất nhà máy là dễ hiểu.
Ngoài ra mất cân đối cung cầu thép, sự cạnh tranh giữa DN trong nước và hàng xuất khẩu giá rẻ là áp lực lớn đeo bám DN ngành thép.
Khi thị trường trong nước cầu giảm, DN thép đang tìm hướng rẽ khác là xuất khẩu. Theo ông, xuất khẩu có phải là giải pháp tốt mà các DN nên phát huy trong năm 2014?
Đúng là khi cầu trong nước yếu, nhà kho chứa đầy hàng tồn thì chẳng ông chủ DN nào có thể ngồi yên. Cái DN thép đang rất cần hiện giờ là thị trường, mà câu chuyện này ngoài việc tổ chức thị trường DN thì cần bàn tay của Nhà nước để tạo tiền đề cho thị trường thép phát triển. Tôi cho rằng những chính sách hỗ trợ khơi thông thị trường bất động sản, đầu tư kết cấu hạ tầng như khâu đột phá, giảm lãi suất cho vay.... thì ngành sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng (VLXD) như ngành thép sẽ được hưởng lợi theo. Khi thị trường bất động sản sáng sủa hơn, hay lãi suất cho vay hạ hơn, thị trường cho sản phẩm thép sẽ rộng mở hơn, DN cũng có thể vay được tín dụng rẻ để mở rộng sản xuất.
Ngoài việc trông chờ vào chính sách khơi thông từ Chính phủ thì một biện pháp quan trọng để tăng tiêu thụ thép đó là DN tìm thị trường để xuất khẩu.
Trong khó khăn ngành thép vẫn có cơ hội để xuất khẩu thép bởi có những mặt hàng thị trường thế giới vẫn thiếu và thiếu theo từng thời điểm. Gần đây các DN thép đã xuất được hàng sang thị trường Lào, Myamar, Mỹ... song đây mới chỉ là những đơn hàng lẻ, chưa hình thành được thị trường truyền thống, tiềm năng.
Điều quan trọng là DN tìm đúng thị trường, cơ hội, kẽ hở để “chen” vào. VSA vẫn cho rằng, xuất khẩu có thể là một giải pháp giúp DN giải phóng hàng hóa trong lúc thị trường nội địa khó khăn, nhưng về lâu dài thị trường trong nước vẫn là cốt lõi, quyết định.
Ngay sau khi Thông tư 44 về quản lý chất lượng thép ra đời, nhiều quan điểm cho rằng đây này là "bà đỡ" để "cứu" các DN thép trong nước trước cơn bão cạnh tranh với thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Quan điểm của ông như thế nào?
Thông tư 44 bản chất là quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu. Việc quản lý chất lượng không phải bây giờ mới được đặt ra mà nhiều năm qua chúng ta đã bàn rất nhiều nhưng đều thiếu cơ sở pháp lý để điều chỉnh. Nhưng gần đây do áp lực cạnh tranh trước cơn bão thép giá rẻ nhập từ Trung Quốc thì việc cần thiết phải có một cơ chế pháp lý siết chặt quản lý chất lượng mặt hàng thép càng được quan tâm.
Theo nội dung của Thông tư này, cả nhà sản xuất, nhà nhập khẩu sản phẩm thép phải tuân thủ theo một tiêu chuẩn chất lượng nhất định. Theo đó, các loại thép nhập khẩu sẽ phải lấy mẫu để kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng mới cho phép nhập khẩu. Cùng với đó thép nhập khẩu phải được công bố hợp chuẩn, chứng nhận hợp chuẩn hoặc công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn tương ứng bởi tổ chức chứng nhận do Bộ Công Thương - Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định, hoặc ra văn bản xác nhận.
Còn đối với sản phẩm thép trong nước, căn cứ đặc thù của từng loại thép, Bộ Công Thương ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quá trình sản xuất. Tổ chức, cá nhân sản xuất thép trong nước có trách nhiệm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này. Việc chứng nhận hợp quy do tổ chức chứng nhận được chỉ định thực hiện.
Riêng với sản phẩm thép hợp kim trước đây hay bị một số DN lợi dụng nhập dưới mác thép xây dựng để trốn thuế, thì nay cũng phải đảm bảo điều kiện quy định trong tiêu chuẩn thép hợp kim sử dụng cho sản xuất sản phẩm nhà sản xuất đăng ký với Bộ Công Thương, và có xác nhận năng lực sản xuất của Bộ Công Thương.
Việc Thông tư 44 ra đời và có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 tới đây có ý nghĩa vô cùng quan trọng, rất cần thiết để bảo vệ nhà sản xuất, kinh doanh thép lành mạnh.
Như ông vừa nói lâu dài thì thị trường nội địa vẫn là cốt lõi. Vậy hướng đi của thị trường thép thời gian tới sẽ ra sao và các DN thép cần nỗ lực như thế nào để thị trường thép phát triển sáng hơn?
Bên cạnh khó khăn chung thì một số DN vẫn đứng vững, vẫn có thị trường riêng và hiệu quả như Công ty thép Hoa Sen, thép Hòa Phát, thép Pomina... bởi họ có chiến lược đầu tư bài bản, có chiều sâu.
Ngoài bàn tay Nhà nước trong việc tạo thị trường thép cạnh tranh tốt hơn thì bản thân chính DN phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Việc cơ cấu lại thị trường cũng như chủng loại hay nói cách khác là nhạy bén với thị trường là một cách mà các DN cần hướng tới.
Trong giai đoạn này DN không nên mở rộng đầu tư vào phân khúc thị trường đã dư thừa mà nên chú trọng đầu tư chiều sâu vào nâng cao chất lượng, giảm thiểu chỉ tiêu tiêu hao...
VSA khuyến cáo, trong giai đoạn này DN không nên mở rộng đầu tư vào phân khúc thị trường đã dư thừa, mà cần chủ động đầu tư chiều sâu, tiết kiệm nguyên – nhiên vật liệu năng lượng nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Tiết giảm chi phí sản xuất thông qua quy trình kinh doanh khép kín nhằm kiểm soát tốt chi phí qua từng công đoạn, tối thiểu hóa giá thành để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Đặc biệt, các DN thép cần xây dựng niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm có chất lượng tốt với giá cả hợp lý. Thiết lập kênh phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng để có thể nắm được lợi thế tuyệt đối so với các đối thủ.
Nguồn tin: Infonet