Khó khăn trăm bề
Theo báo cáo tài chính mới nhất của công ty thép Dana – Ý, tính đến thời điểm 30-9-2011, số hàng tồn kho thành phẩm của đơn vị này tính ra tiền Việt Nam đã lên đến con số hơn 318 tỉ đồng – tăng 70 tỉ đồng so với thời điểm cách đó tháng 6-2011. Đại diện công ty này chia sẻ, mặc dù trong thời gian qua đơn vị đã chấp nhận cắt giảm sản xuất và bán với giá dưới giá thành để quay vòng sản phẩm, đảm bảo việc làm cho người lao động nhưng tình hình tiêu thụ vẫn không khá hơn. Công ty CP Thép Thái Bình Dương cũng ở trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn An – TGD Công ty CP Thép Thái Bình Dương cho biết, hiện công suất nhà máy chỉ vận hành chưa tới 30%, người lao động cũng chỉ làm mỗi ngày 1 ca do đầu ra gặp nhiều khó khăn nên hiện tại công ty lượng hàng tồn kho rất nhiều.
Tình hình trên cũng diễn ra ở các cơ sở sản xuất nhỏ hơn. Dạo quanh một vòng KCN Thanh Vinh - KCN cán kéo thép dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP Đà Nẵng có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng sản xuất cầm chừng của các DN tại đây. Anh Trần Văn Sơn – Công nhân một nhà máy thép tại KCN này cho biết, từ tháng 6-2011 đến này, mỗi tháng anh chỉ làm được 15 ngày do hàng công ty làm ra không bán được, chủ DN buộc công nhân phải làm xoay vòng sản xuất.
Không chỉ các nhà máy sản xuất gặp khó khăn mà các đơn vị phân phối cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Bà Lê Nguyễn Đan Thanh – TGD Công ty CP ĐT&KD Thép Nhân Luật cho biết từ đầu năm 2010 đến nay do ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của nền kinh tế nên lực mua của thị trường giảm mạnh. Theo đó, tính đến hết quý III/2011, Nhân Luật chỉ hoàn thành được 60% kế hoạch kinh doanh của năm trong khi cũng thời điểm này năm ngoái đơn vị này gần như đã hoàn thành kế hoạch của năm 2010. “Năm nay nếu hoàn thành được 85% kế hoạch của năm là chúng tôi coi như đã thành công rồi”, bà Thanh cho biết thêm.
Bên cạnh khó khăn do sức mua của thị trường giảm mạnh thì tín dụng cũng đang là bài toán nan giải của các DN thép tại thời điểm hiện tại. Ông An – Thép Thái Bình Dương cho biết, để đầu tư một nhà máy thép thấp nhất thì cũng phải từ 500 tỉ trở lên. “Nguồn vốn đầu tư lớn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được trong khi lãi suất ngân hàng đang dao động quanh mức 20%/năm nên nhiều DN đang phải oằn lưng để trả nợ cho ngân hàng. Do đó, nếu trong vài tháng mà tình hình sản xuất kinh doanh không thuận lợi thì chỉ có con đường phá sản”, ông An chia sẻ. Ngoài những nguyên nhân trên thì việc chênh lệch tỷ giá ngọai tệ giữa chính thức và thị trường tự do, thiếu ngoại tệ để nhập khẩu nguyên vật liệu, thị trường bất động sản đóng băng kéo dài, việc đầu tư vào ngành thép một cách ồ ạt không theo định hướng quy hoạch nhất định và chủ trương cắt giảm đầu tư công trong thời gian qua cũng góp phần không nhỏ vào những khó khăn chung của các DN thép trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung.
Doanh nghiệp phải tự cứu mình
Nhận định về những khó khăn của các DN thép hiện nay, ông Nguyễn Diễn – PGD VCCI Đà Nẵng chia sẻ: Trong bối cảnh thu nhập của người dân đang giảm đi, kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, lạm phát đang ở mức cao thì những chủ trương của Chính phủ trong việc cắt giảm đầu tư công đã khiến việc tiêu thụ sản phẩm thép bị giảm một cách đột ngột nên DN gặp khó khăn là điều tất yếu. “Sản phẩm làm ra không tiêu thụ được trong khi mỗi DN thép phải gánh trên mình không biết bao nhiêu là khoản nợ nên theo tôi trong tới gian tới sẽ có rất nhiều DN rơi vào tình cảnh đóng cửa, thậm chí phải bán DN để trả nợ”, ông Diễn nhấn mạnh.
Đề xuất giải pháp thoát khỏi tình trạng khó khăn này, ông An – Công ty Thép Thái Bình Dương khẳng định để có thể vượt qua khó khăn DN phải tự lực cánh sinh, phải tự cứu mình là chính. Theo ông An, trong hoàn cảnh hiện nay các DN phải giảm sản lượng cũng như các chi phí sản xuất khác như điện, nước, nguyên vật liệu để hạ giá thành, kích cầu thị trường. Ngoài ra, DN cần có các dự báo chính xác về nhu cầu tiêu thụ để có căn cứ hoạch định kế hoạch sản xuất phù hợp tránh tình trạng sản phẩm dư thừa quá mức dễ dẫn đến tình trạng bán tháo để trả nợ.
Dưới góc độ một nhà phân phối, bà Thanh – công ty Nhân Luật cho rằng do các chính sách của Chính phủ theo Nghị quyết 11 sẽ còn duy trì trong thời gian dài tới, thị trường bất động sản khó khởi sắc trong ngắn hạn nên nhu cầu về thép sẽ không cao dẫn đến nguy cơ thép thừa sẽ xảy ra nên việc các DN ngành thép đẩy mạnh xuất khẩu thép, giảm nhập thép và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ là một hướng đi tốt. Cũng theo bà Thanh, trong khó khăn luôn luôn có cơ hội đi kèm. “Đối với các DN thép nên coi đây là thời điểm để chọn lọc, cơ cấu lại nguồn vốn cũng như nguồn nhân lực của mình để có thể phát triển bền vững trong thời gian tới”, bà Thanh nhấn mạnh.
Nguồn tin: DĐDN