Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp thép giữ đà hồi phục, kỳ vọng vào dự án đầu tư công trọng điểm cuối năm

Dù so với năm trước, kết quả các doanh nghiệp ngành thép có sự trầm lắng, thế nhưng sự phục hồi đã có theo từng quý. Cuối năm, việc đầu tư và giải ngân đầu tư công mạnh mẽ sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của ngành vật liệu xây dựng nói chung và ngành thép nói riêng.

Quý đầu tiên sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái

Trong bối cảnh kinh tế 9 tháng đầu năm ghi nhận một số điểm sáng về một số chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và Cơ quan Nhà nước ban hành, trong đó có hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tăng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nhìn chung nhu cầu thị trường với các  mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa có cải thiện nhiều. 

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong quý III đều tăng 5-6% so với các quý trước đó, do đó tính chung 9 tháng đầu năm 2023, kết quả các nhà máy có thể sẽ tốt hơn so với nửa đầu năm 2023. 

Cụ thể, sản xuất thép thô của Việt Nam đạt hơn 14 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ. Tiêu thụ đạt 13,9 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt 1,4 ngàn tấn, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022. 

Sản xuất thép thành phẩm đạt 20,1 triệu tấn, giảm 13,3% so với cùng kỳ 9 tháng năm 2022. Bán hàng thành phẩm đạt gần 19 triệu tấn, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu 5,96 triệu tấn, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý III cũng là thời gian ghi nhận là quý đầu tiên sản xuất và tiêu thụ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. 

Lợi nhuận dần cải thiện

Quý III năm ngoái có thể nói là một quý khủng hoảng của doanh nghiệp thép khi nhu cầu suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với bình thường. Ngoài ra, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Hoà Phát, Hoa Sen hay các đơn vị nhỏ hơn đều thua lỗ.

Quý III năm nay, Hoà Phát và Hoa Sen tiếp đã tiếp đà hồi phục. Trong đó, Hoà Phát lãi ròng hơn 2.000 tỷ, cùng kỳ lỗ 1.786 tỷ. Con số lợi nhuận này vẫn ở mức thấp so với giai đoạn trước của Hoà Phát song đã cải thiện đáng kể từ quý III/2022. Sự phục hồi lợi nhuận của Hoà Phát được thúc đẩy nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc quản lý hàng tồn kho tốt hơn. 

Hay tại Hoa Sen cũng hồi phục sau 5 quý suy giảm với lãi ròng quý III tới 438 tỷ đồng, tăng 31 lần so với quý trước. Quý III, giá HRC Việt Nam được giữ tương đối ổn định ở mức 570 USD/tấn đã hỗ trợ tỷ suất lợi nhuận gộp cho doanh nghiệp này. 

Kinh doanh dưới giá vốn cộng thêm các chi phí khiến một số doanh nghiệp nhỏ hơn như SMC và Pomina hay Thép Việt Nam nối dài chuỗi thua lỗ. Tuy nhiên, mức lỗ đang dần giảm trong quý III/2023. 

Lợi nhuận sau thuế một số doanh nghiệp ngành thép (Đơn vị: Tỷ đồng). Ảnh: Mai Trang tổng hợp

Hàng tồn kho tăng nhẹ

Về phía doanh nghiệp, sau khi giảm lượng tồn kho về mức thấp nhất 2 năm, các đơn vị thép đã có xu hướng tăng tích trữ trở lại. Theo thống kê của phóng viên, tổng lượng tồn kho của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán vào cuối quý III có giá trị ước tính khoảng 65.200 tỷ đồng, tăng nhẹ 2.700 tỷ so với hồi cuối quý II trước đó. 

Lượng hàng tồn kho các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán Việt Nam.Đơn vị: Tỷ đồng. Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ BCTC

Nhìn chung, tồn kho của ngành thép chủ yếu duy trì quanh mức thấp hơn 70.000 tỷ đồng từ đầu năm 2023, thấp hơn khoảng 25% so với mặt bằng chung giai đoạn từ quý II/2021 đến quý III/2022. Nếu so với thời điểm đạt đỉnh vào giữa năm 2022, tổng giá trị tồn kho toàn ngành thép giảm khoảng 45.000 tỷ đồng, tương đương 40%.

Tồn kho chủ yếu gia tăng trên các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Hoa Sen với giá trị tăng thêm lần lượt hơn 1.500 tỷ và gần 1.400 tỷ đồng sau một quý. Nhóm nhỏ hơn đa phần duy trì lượng tồn kho tương đương thời điểm cuối quý II.

Thời điểm 30/9, tồn kho của Hòa Phát có giá trị hơn 33.500 tỷ đồng, chiếm một nửa toàn ngành thép trên sàn chứng khoán. Con số này chỉ cao hơn so với quý II trước đó - thời điểm tồn kho của doanh nghiệp này rơi xuống mức thấp nhất 2 năm. So với đỉnh đạt được vào cuối quý II/2022, giá trị tồn kho của Hòa Phát đã giảm khoảng 24.000 tỷ đồng (~1 tỷ USD)

Các doanh nghiệp thép duy trì tồn kho ở mức thấp trong bối cảnh giá thép xây dựng trong nước liên tục sụt giảm. Kể từ đầu năm 2023, giá bán thép xây dựng nội địa điều chỉnh giảm khoảng 12-14 lần kể từ tháng 3/2023 đến trung tuần tháng 9 vừa qua. Giá thép CB300 của Hòa Phát cũng giảm liên tục trong nhiều tháng qua. Giá thép xây dựng trung bình trong quý III ở mức 14 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với mức 16,5 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo VSA nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm. Tiêu thụ chậm thép xây dựng đến từ nguyên nhân thị trường bất động sản còn ảm đạm, đầu tư công chưa khởi sắc. Không những thế, các doanh nghiệp thép trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá thép xuất khẩu.

Ngược lại Thép SMC cùng một số đơn vị khác như như Tôn Đông Á, Thép Thủ Đức lại giảm hàng tồn kho, tuy nhiên giá trị giảm không đáng kể. 

Triển vọng sáng hơn về cuối năm khi đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Dù những tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện trong quý III nhưng triển vọng của ngành thép thời gian tới vẫn chưa thể chắc chắn khi kinh tế thế giới còn nhiều biến động, nhất là khi xung đột giữa các khu vực chưa biết bao giờ chấm dứt. Nhu cầu tiêu thụ yếu cả trong và ngoài nước sẽ ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng giá thép. Sau khi hồi phục nhẹ từ đáy một năm, giá thép thanh tại thị trường Trung Quốc (theo dữ liệu của Investing) gần như chỉ đi ngang quanh vùng 3.600-3.800 CNY/tấn, thấp hơn rất nhiều so với đỉnh.

Mặt khác, giá thép cuộn cán nóng (HRC) lại đang cho thấy xu hướng hồi phục rõ ràng hơn. Từ vùng đáy đầu tháng 9, giá mặt hàng này đã tăng hơn 45% qua đó leo lên đỉnh 6 tháng. Mặc dù cũng còn kém xa so với đỉnh đạt được cách đây 2 năm nhưng diễn biến khả quan của giá HRC thời gian gần đây đang đem lại hy vọng hưởng lợi cho các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này.

Nhận định về triển vọng ngành thép giữa tháng 10, Chứng khoán KIS cho rằng thị trường bất động sản sẽ chưa thể có sự sôi động đủ mạnh để kích cầu cho thép xây dựng, dẫn đến khả năng tiêu thụ thép sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm của cả nước. Việc chậm giải ngân sẽ là rủi ro lớn cho ngành thép về cuối năm 2023.

Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế ảm đạm có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, khi thị trường EU dè dặt hơn với những đơn đặt hàng mới trong tháng qua.

Nguồn tin: Doanh nhân việt nam

ĐỌC THÊM