Vào đầu tháng 10 tới, Nhà máy thép cán nguội công suất 700.000 tấn/năm của Tập đoàn Posco đầu tư tại KCN Phú Mỹ 2 sẽ được khánh thành và là dự án “tỷ đô” đầu tiên của ngành thép cho ra lò sản phẩm.
Được khởi công vào ngày 1/8/2007, dự án thép có quy mô 1,2 tỷ USD bao gồm hai giai đoạn mà Tập đoàn Posco đầu tư không được xem là “có nhiều cái nhất” như “dự án tỷ đô sớm nhất” hay “có quy mô lớn nhất trong ngành thép”. Tuy nhiên, với thực lực của một nhà sản xuất thép top 5 thế giới, đã có mặt ở Việt Nam qua 2 dự án liên doanh thép hoạt động được hơn chục năm, nhà máy thép Posco tại Bà Rịa - Vũng Tàu có thể coi là đã cán đích sớm nhất.
Thép đã ra lò
Hiện Nhà máy thép Posco Bà Rịa -Vũng Tàu đã cho ra lò hơn 10.000 tấn thép cán nguội dạng cứng (FH) và hơn 1.000 tấn cán nguội dạng mềm (CR), chất lượng đều đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn và quy cách của tập đoàn Posco. Không chỉ dừng lại với các dự án hiện có, Posco từng đề xuất xây dựng dự án khu liên hợp thép đặt tại Vân Phong (Khánh Hòa) có quy mô 5 - 7 tỷ USD nhưng không thành. Tuy nhiên, các động thái vừa qua cho thấy tập đoàn này vẫn theo đuổi “giấc mơ làm thép tại Việt Nam” khi đầu năm 2009 đã ký một thỏa thuận hợp tác với TCT Thép Việt Nam tại Hàn Quốc để xây dựng nhà máy thép công suất 1 triệu tấn với mức vốn đầu tư cỡ 620 triệu USD trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Các nguồn tin khác cũng cho hay, Posco đã đạt được một số kết quả cho dự án thép không rỉ khác tại Đồng Nai, dù chưa chính thức công bố.
Tin tức về việc chính thức hoạt động của Nhà máy thép cán nguội Posco nói riêng cũng như các dự án đã hiện thực hóa và đang được triển khai được các địa phương đang có những dự án thép “tỷ đô” đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, quãng đường để các dự án thép “khổng lồ” đã được cấp phép đi tới đích thì không đơn giản.
Những “tỷ đô” nửa đường, đứt gánh hoặc “ngủ quên”
Dự án thép không gỉ của Tập đoàn Thiên Hưng (Đài Loan) có quy mô 720 triệu USD được cấp phép năm 2005 từng gây ấn tượng mạnh ở thời điểm đó bởi là dự án đầu tiên có quy mô xấp xỉ 1 tỷ USD. Có lẽ phần nào vì thế mà các cơ quan chức năng của tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu phải “nhấc lên, đặt xuống” nhiều lần trước khi rút giấy phép dự án này vào năm 2008. Trước đó, Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã có kiến nghị tới Chính phủ và các ngành liên quan khẳng định rằng, nhà đầu tư không có tên tuổi cũng như thực lực để triển khai dự án.
Còn dự án thép Dung Quất (có quy mô ban đầu 1,2 tỷ USD được cấp phép vào tháng 9/2006 cho Tập đoàn Tycoons World Wide (Thái Lan), nay đã chuyển sang Tập đoàn E United (Đài Loan), tăng quy mô lên 3 tỷ USD) cũng vẫn chưa triển khai được gì nhiều. Không chỉ vì giải phóng mặt bằng hơn 420 ha tại KCN Dung Quất chậm, bởi tới nay ở những chỗ đất đã giải phóng mặt bằng xong thì ngoài vài khu nhà công vụ, dự án này cũng vẫn... rào để đó!
Ngay dự án thép liên hợp khổng lồ có quy mô tới 7 triệu tấn với số vốn đầu tư giai đoạn 1 xấp xỉ 8 tỷ USD của tập đoàn Formosa đã khởi công vào giữa năm 2008 tại KCN Vũng Áng - Hà Tĩnh cũng được không ít các chuyên gia băn khoăn về tính khả thi.
Một chuyên gia cho hay, hiện tại Formosa vẫn đang triển khai các công đoạn liên quan của dự án, nhưng đều là những công đoạn chưa phải dùng tới nhiều vốn đầu tư! Như vậy, chỉ khi nào đàm phán xong và ký hợp đồng EPC với các nhà cung cấp thiết bị để mua máy móc thì lúc đó mới biết được số vốn đích thực sẽ “chảy” vào dự án. Hơn thế nữa, tập đoàn Formosa - được biết đến nhiều trong lĩnh vực dệt, nhựa và hóa dầu - vẫn đang theo đuổi một dự án khổng lồ về hóa dầu cũng tại khu vực cảng nước sâu Sơn Dương này, nguồn lực tài chính vì thế ít nhiều bị chia sẻ.
Nhiều chuyên gia ngành thép cũng cho rằng, để có thêm động lực thúc đẩy nhà đầu tư khẩn trương triển khai dự án đúng cam kết, các cơ quan chức năng và địa phương cần thu hút thêm những đối tác khác đang muốn vào Hà Tĩnh làm thép. Khuyến nghị này không phải là thiếu cơ sở. Với những lợi thế không dễ có của cảng nước sâu Sơn Dương thì chuyện “giữ chỗ” dù chưa thể đầu tư ngay là hoàn toàn có thể xảy ra.
Một dự án thép khác tới giờ vẫn được xem là khổng lồ nhất khi được cấp phép đầu tư là dự án thép Lion - Vinashin tại Ninh Thuận cũng không tiến triển được nhiều sau lễ khởi công rầm rộ vào năm 2008. Trước đó, Bộ Công Thương trong lần góp ý đầu tiên với địa phương đã lưu ý, cả đối tác nước ngoài là Tập đoàn Lion Diversified Holding Behard (Malaysia) cũng như Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đều không phải là những tên tuổi nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất thép trên thế giới bấy lâu; thậm chí cũng không nổi danh với tư cách là nhà đầu tư tài chính hay có nguồn vốn lớn. Nhưng với kỳ vọng tạo ra cú đột phá về vốn đăng ký nước ngoài ở Ninh Thuận với xấp xỉ 10 tỷ USD, địa phương vẫn trao chứng nhận đầu tư cho dự án này. Hệ quả đã được đoán trước là gần 1 năm sau lễ khởi công, nhà đầu tư vẫn không có động thái gì để triển khai dự án khổng lồ này, thậm chí còn đề nghị Chính phủ Việt Nam bảo lãnh tín dụng để vay vốn triển khai dự án! Kể cả khi UBND tỉnh Ninh Thuận đã phát đi những tín hiệu cảnh báo chủ đầu tư rằng, sự chậm trễ trong triển khai dự án sẽ dẫn đến bị thu hồi giấy phép.
Danh sách các nhà đầu tư chưa triển khai được những dự án thép quy mô lớn cũng không dừng lại ở đó. ESSAR Steel - nhà sản xuất thép lớn của Ấn Độ đã chính thức rút lui khỏi dự án cán thép nóng đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, trị giá 527 triệu USD, liên doanh với TCT Thép Việt Nam (20% vốn) và TCT Cao su Việt Nam (15% vốn). Nguyên do khiến nhà đầu tư (cũng có tiếng trong ngành thép thế giới) này không trụ lại được là do không thu xếp được nguồn vốn.
Ngoài ra, Dự án mỏ thép Thạch Khê và nhà máy liên hợp mà các tập đoàn, TCT lớn trong nước xin làm chủ đầu tư thay cho đối tác nước ngoài cũng có nguy cơ khó khăn, bởi nhiều cổ đông Nhà nước như Vinashin, BIDV hay Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hoặc không có khả năng, hoặc không dễ bỏ tiền để góp đủ 2.400 tỷ đồng vốn điều lệ của dự án này.
Mặt trái của sự “thông thoáng” quá mức
Thực tế này, như nhận xét của ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc VNS hoàn toàn có thể là, khi chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, thậm chí dễ dãi về môi trường thì các nhà đầu tư thấy lợi ích lớn nên đua nhau nhảy vào. Còn khi Việt Nam không trải thảm đỏ, thậm chí siết chặt lại quy định thì nhà đầu tư lại thay đổi quan điểm, còn thăm dò, nghiên cứu nhiều trước khi đi tới quyết định móc hầu bao của mình!
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là khi nhà đầu tư chần chừ, giữ chỗ thì lại không có một biện pháp nào quyết liệt được địa phương lẫn cơ quan hữu trách triển khai để hoặc thúc đẩy dự án, hoặc chấm dứt, nhường chỗ cho nhà đầu tư khác.