Sản xuất thép trong nước tập trung vào sản phẩm thép cán nguội. Ảnh: Đức Thanh |
Các doanh nghiệp thép kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp để hạn chế tình trạng xâm lấn của thép nhập khẩu đang có xu hướng gia tăng.
“Các doanh nghiệp sản xuất thép vừa gửi đơn tới Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đề nghị có biện pháp để hạn chế tình trạng thép nhập khẩu tăng mạnh trong thời gian qua, nhất là với sản phẩm thép cuộn cán nguội”, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA cho biết.
Theo ông Nghi, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đang rất lo lắng trước tình trạng sản phẩm thép cán nguội dẹp có chiều rộng dưới 350 mm và độ dày dưới 2 mm nhập khẩu từ Trung Quốc tăng rất mạnh trong thời gian qua.
“Số liệu thống kê 15 ngày đầu tháng 11 cho thấy, các doanh nghiệp đã nhập khẩu tới 32.000 tấn thép cán nguội dẹp. Nếu tính từ đầu năm tới nay, con số này đã lên tới 620.410 tấn, vì vậy sản xuất của các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Nghi cho biết.
Đây là sản phẩm có đặc tính kỹ thuật thấp, được các doanh nghiệp nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm ống thép. Theo VSA, sở dĩ nhập khẩu loại sản phẩm này tăng vọt trong thời gian qua là do giá rẻ. Bởi vậy, nếu cứ duy trì tốc độ nhập khẩu sản phẩm này như hiện nay, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp khó khăn rất lớn.
VSA cho biết, tổng công suất cán nguội trong nước hiện nay đạt hơn 2 triệu tấn/năm. Trong đó, Posco có công suất 1,2 triệu tấn/năm, Tổng công ty Thép Việt Nam 400.000 tấn/năm, Công ty Hoa Sen 200.000 tấn/năm... Tuy nhiên, sức tiêu thụ của thị trường trong nước hiện chỉ đạt khoảng 1,2 - 1,4 triệu tấn/năm.
Chính tình trạng công suất sản xuất cao hơn nhiều so với sản lượng tiêu thụ, cộng với lượng hàng nhập khẩu nhập khẩu tăng vọt gần đây, đang khiến các doanh nghiệp sản xuất thép lo lắng.
Trước mắt, các doanh nghiệp đề nghị VSA kiến nghị các cơ quan quản lý có biện pháp can thiệp, nhằm giúp doanh nghiệp giảm sức ép cạnh tranh trên thị trường.
“Trên thực tế, biện pháp tăng thuế nhập khẩu không thể áp dụng được nữa, bởi Việt Nam đã áp dụng mức thuế cao nhất là 8% đối với sản phẩm này. Do đó, cơ quan quản lý có thể tính đến biện pháp xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan để hạn chế nhập khẩu thép cán nguội dẹp”, ông Nghi phân tích.
VSA cho biết, việc quy định tiêu chuẩn bắt buộc đối với nguyên liệu sử dụng làm các loại ống là có thể thực hiện được. Đây là quy định cần thiết để vừa đảm bảo được tiêu chuẩn kỹ thuật của các loại ống, vừa tạo rào cản kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu.
Trong thời gian dài vừa qua, các sản phẩm thép nhập khẩu luôn có sức cạnh tranh rất lớn, do giá rẻ hơn hẳn so với sản phẩm sản xuất trong nước. Sản xuất thép của các doanh nghiệp hiện chủ yếu chỉ tập trung vào sản phẩm thép cán nguội, nhưng lại đang chịu sức cạnh tranh rất mạnh từ sản phẩm ngoại nhập. Điều đó luôn đặt các doanh nghiệp này trong tình trạng phải đề nghị biện pháp can thiệp từ cơ quan quản lý.
Nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, tất nhiên các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công thương, sẽ nghiên cứu vấn đề mà các doanh nghiệp thép đang đặt ra. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, nếu trước đây có một cái nhìn dài hạn về đầu tư và sản xuất thép, thì các doanh nghiệp không rơi vào tình trạng lo lắng như hiện nay.
Việc đầu tư ồ ạt và luôn bị động trước sản phẩm ngoại nhập của ngành thép có lẽ vẫn là câu chuyện dài.
(Đầu Tư)