Nhiều doanh nghiệp thép đang đứng trước nguy cơ mất thị phần, thậm chí thua lỗ, bởi sản phẩm thép Trung Quốc giá rẻ có khả năng sẽ tràn vào Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Sưa, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, lo ngại nguy cơ thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam là có cơ sở. Trung Quốc đang gặp vấn đề về dư cung và khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Mỹ nên nhiều khả năng các doanh nghiệp thép nước này sẽ tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ sang các nước, nhất là Việt Nam.
Ðặc biệt, với sản phẩm thép cán nóng, các doanh nghiệp Việt Nam mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ, nên phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc.
Tại Việt Nam hiện có nhà máy Formosa sản xuất thép cán nóng, năm 2018, doanh nghiệp này sản xuất được 3,4 triệu tấn, trong khi thị trường tiêu thụ 9 triệu tấn. Năm nay, dự kiến sản lượng của Formosa tăng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, thép cuộn cán nóng thuộc nhóm 72.08 nhập khẩu vào Việt Nam với số lượng 5,3 triệu tấn, trị giá 3,09 tỷ USD. Trong đó, 88% tổng kim ngạch nhập khẩu chịu thuế suất MFN 0%. Hiện nhu cầu tiêu thụ thép cán nóng trong nước vào khoảng hơn 10 triệu tấn/năm, dự kiến cuối năm 2019 sẽ đáp ứng được khoảng 70% khi nhà máy của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tại Dung Quất, Quảng Ngãi đi vào hoạt động.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu thép cán nóng để sản xuất thép cán nguội phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
VSA cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu sắt thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại hơn 9,8 triệu tấn, trị giá hơn 5,978 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu thép thành phẩm các loại là 7,5 triệu tấn, bao gồm thép hình 183.178 tấn, tăng 62,4%, thép cuộn 577.648 tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Trung Quốc dẫn đầu trong Top 10 thị trường xuất khẩu thép vào Việt Nam nửa đầu năm 2019, với sản lượng 3.039.201 tấn, trị giá hơn 1,923 tỷ USD, chiếm 42,5% tổng sản lượng (hơn 7,153 triệu tấn, trị giá gần 4,824 tỷ USD). Các thị trường khác mà Việt Nam nhập khẩu nhiều thép lần lượt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðài Loan, Ấn Ðộ.
Hiện nay, thị trường thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chững lại và áp lực cạnh tranh mạnh mẽ. VSA cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng sản xuất và bán hàng thép lần lượt đạt 7,2% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tăng trưởng bán hàng năm 2017 đạt hơn 17% và các năm trước đó khoảng 20%.
Cụ thể, sản xuất thép các loại trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 14,751 triệu tấn, tăng 7,2%; bán hàng thép các loại đạt 13,681 triệu tấn, tăng 10%; xuất khẩu thép các loại đạt 2,826 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá quặng (tháng 7/2019, giá quặng từ 90 - 95 USD/tấn, cao hơn 40 USD/tấn so với tháng 1) và giá bán bị cạnh tranh khốc liệt dẫn đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thép sụt giảm.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 2.428.130 tấn, tăng 36,7%; bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 2.511.260 tấn, tăng 42,3%, trong đó xuất khẩu đạt 473.870 tấn, tăng 66,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lãnh đạo một doanh nghiệp thép cho biết, hiện nay, áp lực giá đầu vào tăng cao, giá bán giảm, khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm, trong bối cảnh vẫn phải trả lãi vay ngân hàng hàng tháng. Nếu thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào, doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh, nguy cơ thua lỗ là khó tránh khỏi.
Nguồn tin: Tinnhanhchungkhoan