Trong quý 1, giá phôi thép thế giới đã tăng khoảng 15-20% (vào cuối quý 3 và hiện đang giảm dần) nên các công ty cũng nhân đó tăng giá bán theo thị truờng chung khiến lợi nhuận của nhiều tên tuổi có tăng trưởng so với cùng kỳ 2010.
Tuy nhiên, theo đánh giá của CTCP Chứng khoán VNDirect (VND), mức tăng này mang tính vụ mùa nên sẽ khó bảo toàn nếu giá thép thế giới giảm sâu về cuối năm hoặc các doanh nghiệp thiếu chiến lược hàng tồn kho hợp lý.
Bất lợi về tỷ giá và lãi suất
Xuất khẩu toàn ngành quý đạt 470,000 tấn với doanh thu 422 triệu USD, tăng gần 60% về lượng và tăng 104.9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, đó chỉ là điểm sáng ít ỏi của ngành trong quý 1, trong khi những điểm tối lại ảnh hưởng khá xấu đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Tỷ giá USD/VND liên ngân hàng được điều chỉnh tăng 9.3% trong khi lãi suất ngân hàng ở mức cao hơn đáng kể so với cùng kỳ 2010 (các doanh nghiệp thép hiện vay ở mức 16-19%/năm). Do đặc trưng của ngành vẫn phải nhập phần lớn nhu cầu đầu vào cho sản xuất (thép phế, phôi, than cốc, than mỡ…) nên những yếu tố nêu trên đã tăng đáng kể chi phí tài chính cho tất cả các công ty.
Trong số 9 doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết, Hòa Phát (HPG) được cho là doanh nghiệp nổi bật nhất của ngành với năng lực sản xuất vững vàng và các mỏ sắt lớn. Sản lượng thép xây dựng đạt 173,000 tấn, chiếm 13% thị phần, vượt TISCO để đứng thứ 2 sau Pomina (POM). Sản lượng ống thép HPG đạt 19,500 tấn, đứng đầu toàn thị truờng, chiếm 14% thị phần cả nước.
|
Về doanh thu, công ty này đạt 4,801 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 526 tỷ đồng, tăng truởng 87% và 95% so với cùng kỳ. HPG có năng lực sản xuất vững mạnh nhất toàn thị truờng khi sở hữu chu trình sản xuất hoàn toàn khép kín, với 2 mỏ sắt ở Hà Giang trữ lượng hơn 50 triệu tấn quặng, và 1 mỏ sắt ở Thạch Khê, Hà Tĩnh trữ lượng 370-400 triệu tấn, nơi HPG đang nắm khoảng 5% thông qua vốn góp 5% (mua lại từBIDV) tại TIC, 1 công ty đuợc thành lập năm 2007, vốn điều lệ 2,400 tỷ đồng để khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Hàm lượng sắt (Fe) ở mức 60-62%, tương đối ổn cho việc chế xuất quặng tinh để SX thép. Một lãnh đạo của HPG cho biết, tập đoàn này muốn tiến tới chiếm cổ phần chi phối tại TIC.
Cũng trong quý 1/2011, Pomina (POM) đạt doanh thu 3,850 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2010 nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 169 tỷ đồng, giảm 33%, nhưng vẫn đạt khoảng 27% kế hoạch cả năm.
POM hiện có tỷ lệ nợ USD ở mức 70-80% tổng vay nợ nên việc lỗ do chênh lệch tỷ giá là 1 rủi ro lớn. Cụ thể, trong quý 1/2011 uớc tính mức lỗ chênh lệch tỷ giá 102 tỷ đồng (công ty mẹ). Bên cạnh đó, lãi suất trong nước ở mức cao (18-20%) cũng khiến chi phí lãi vay của công ty tăng lên.
Đối với Tôn Hoa Sen (HSG), công ty tiếp tục chứng kiến có một quý kinh doanh không thật tốt và vừa có sự thay đổi nhân sự quan trọng.
Doanh thu công ty mẹ HSG đạt 2,800 tỷ đồng trong quý 1 và lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 2.1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước đạt khoảng 30 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ.
Như vậy, sau 6 tháng của năm tài chính 2010-2011, cả tập đoàn HSG đạt chỉ 60.6 tỷ lợi nhuận sau thuế, giảm sút 73% so với cùng kỳ 2009-2010.
Doanh thu xuất khẩu chiếm 30% tổng doanh thu. Nhà máy Tôn Hoa Sen – Phú Mỹ mới đi vào hoạt động, làm tăng dư nợ vay ngắn hạn tài trợ cho việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất. Ngoài ra, công ty nhập nhiều máy móc cho nhà máy mới này, khiến tăng dư nợ vay trung và dài hạn.
Công ty chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 150 tỷ và lãi vay 124 tỷ đồng cho cả 2 quý. Tỷ lệ nợ USD ở mức cao trong cơ cấu vốn, tiềm ẩn một số rủi ro đối với doanh nghiệp này.
Thông tin tân Tổng Giám Đốc HSG, ông Phạm Văn Trung xin từ chức và rời công ty sau nhiều năm gắn bó, theo đại diện công bố thông tin của doanh nghiệp này thì việc ra đi này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của HSG.
Ở lĩnh vực thép thương mại, SMC và HLA có tăng truởng lợi nhuận sau thuế quý 1/2011 là dương so với cùng kỳ 2010, với mức tăng tương ứng là 64% và 49%, trong khi TLH lại giảm lợi nhuận đến 74%.
Được biết, các lợi thế lớn của SMC trong mảng thương mại thép là có quan hệ tốt với các nhà sản xuất thép lớn trong và ngoài nước; danh mục sản phẩm đa dạng và hệ thống phân phối, kho bãi và dây chuyền gia công thép đặt ở vị trí chiến lược.
HPG và VIS có nhiều triển vọng
Giá thép trong nước hiện tại được coi là đã chạm đỉnh của 2011, và đang giảm dần vì cung hiện lấn áp cầu. Chính sách chặt chẽ, thận trọng trong lĩnh vực tiền tệ (điều chỉnh lãi suất, điều chỉnh tỷ giá, hạn chế tín dụng, kiểm soát nhập siêu…) đã tác động gây giảm tiêu thụ sản phẩm thép.
Ngoài ra, việc giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết cũng khiến nhu cầu vật liệu xây dựng giảm đáng kể. Thêm vào đó, do lượng thép mua dự trữ từ những tháng trước khá cao, lượng tồn kho lớn nên nhiều doanh nghiệp thương mại có nhu cầu xả hàng. Cụ thể, cuối tháng 3/201 giá thép của 1 số công ty phía Nam đã giảm 200-300 ngàn đồng/tấn. Hiện mức giá giao tại nhà máy (chưa bao gồm VAT) dao động quanh mức 15.5-16.4 triệu đồng/tấn.
Trong số các doanh nghiệp trên, POM bán thép xây dựng ở mức thấp hơn 400 ngàn đồng/ tấn so với đầu quý 3/2010 đối với loại thép cuốn và thép dây. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng phôi sản xuất trong nước và phôi nhập khẩu về trong tháng 4/2011ở mức khá cao, gần 580 ngàn tấn, nên sắp tới, sức ép lên giá bán trên thị truờng là không nhỏ.
Giá phôi thép thế giới liên tục giảm trong 1 tháng qua và được kỳ vọng sẽ còn diễn biến ổn định trong quý tới. Trên thị trường kỳ hạn, giá phôi giao sau 3 tháng tại Sở giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) tuần này đứng ở 565 USD/tấn, so với 553 USD/tấn tuần trước.
Nhận định triển vọng các doanh nghiệp trong ngành, VND cho rằng ngoại trừ HPG vàVIS sở hữu cơ sở sản xuất vững chắc, khép kín ở mức độ cao và thị trường đầu ra thuận lợi, các công ty thép còn lại chiu sự biên động rất lớn của giá thép thế giới. Vì vậy các dự báo kết quả kinh doanh của ngành sẽ còn thay đổi theo diễn biến trong năm.
HPG ngoài ra còn có triển vọng lớn từ các dự án bất động sản quy mô lớn mà công ty ra kế họach sẽ hạch toán vào quý 4/2011, bao gồm 100% dự án tại 257 Giải Phóng, Hà Nội với khoảng 80 tỷ lợi nhuận trước thuế và 87% khu B dự án Mandarin Garden, khoảng 98 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Thông tin ban lãnh đạo Thép Tiến Lên (TLH) thông báo mua lại 5 triệu cổ phiếu quỹ từ 11/05 nên mã này này đuợc mua mạnh những phiên gần đây.
Nguồn tin: Vietstock