Trong tháng 12 này, để duy trì được sản xuất, các DN thép sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm”
Bức tranh sản xuất - kinh doanh của ngành thép hiện nay có nhiều mảng màu, phụ thuộc những lĩnh vực hoạt động khác nhau. Nhưng nhìn chung, các DN đều chịu tác động do sử dụng nguồn vốn vay lớn và biến động tỷ giá. Đến thời điểm này, giá cổ phiếu của các DN thép cùng điều chỉnh giảm nhiều do những khó khăn mà DN đang phải đối mặt.
Ảnh hưởng
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư thương mại SMC cho biết, do biến động tỷ giá, lãi suất cao và khó khăn về nguồn vốn khiến các DN ngành thép nói chung và SMC có những khó khăn. Đối với thép xây dựng thì tháng 12 là một trong những tháng thấp điểm tiêu thụ trong năm, nên doanh thu và lợi nhuận sẽ bị giảm.
Dự kiến trong tháng 12, SMC chỉ đạt 60% doanh thu so với tháng 11. Tuy nhiên, cả năm 2010, SMC vẫn hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận, với mức cổ tức chi trả 16%. Bởi lẽ, 11 tháng đầu năm 2010, SMC đạt 78,05 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 97,56% kế hoạch năm. Năm 2011, SMC dự kiến tăng trưởng 10% so với năm 2010, tổng sản lượng đạt khoảng 550.000 - 560.000 tấn.
Đối với CTCP Đại Thiên Lộc (DTL), do nguồn nguyên liệu cho sản xuất chủ yếu là nhập khẩu nên tỷ giá tăng cũng tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh. Dự kiến lợi nhuận sau thuế cả năm của DTL đạt khoảng 200 tỷ đồng. Hồi đầu năm, DTL dự kiến lợi nhuận cả năm là 250 tỷ đồng trên vốn điều lệ mới là 540 tỷ đồng. Tuy nhiên, do TTCK khó khăn nên DTL không tăng vốn và giữ nguyên mức 480 tỷ đồng.
“Với mức lợi nhuận 200 tỷ đồng đạt được tôi nghĩ cũng dã hoàn thành kế hoạch, vì vốn điều lệ vẫn giữ nguyên như cũ. Vì thế, lợi ích của cổ đông cũng không bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT DTL nói.
Về kế hoạch kinh doanh năm 2011 ông Nghĩa dự kiến doanh thu của DTL tăng khoảng 20 - 30% do đưa vào khai thác nhà máy với nhiều dây chuyền hiện đại. Ngoài tiêu thụ trong nước, năm 2010, DTL xuất khẩu với giá trị đạt khoảng 24 triệu USD. Năm 2011, DTL sẽ đẩy mạnh xuất khẩu nhằm hạn chế mất cân đối giữa xuất khẩu và nhập khẩu, giảm áp lực từ tỷ giá USD.
Năm 2010, CTCP Thép Đà Nẵng - Ý (DNY) đặt mục tiêu đạt khoảng 90.000 tấn phôi thép và tiêu thụ khoảng 70.000 tấn thép. Doanh thu cả năm là 914 tỷ đồng, tăng 42,36% so với thực hiện năm 2009 và lãi trước thuế là 87 tỷ đồng, tăng 10,13%.
Ông Hồ Nghĩa Tín, Tổng giám đốc DNY cho biết, mặc dù giá thép năm 2010 có nhiều biến động nhưng Công ty vẫn đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra. Kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty đạt 52,33 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Năm 2010, CTCP Ống thép Việt Đức (VGS) đưa nhà máy thép xây dựng vào sản xuất và tiêu thụ. Doanh thu của VGS tăng mạnh, nhưng do biến động tỷ giá và lãi suất ngân hàng tăng cao nên lợi nhuận không tăng theo tỷ lệ thuận. 9 tháng đầu năm 2010, VGS có doanh thu tăng gấp dôi cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận gộp giữ nguyên, nên lợi nhuận sau thuế (hợp nhất) chỉ đạt 25,2 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 66 tỷ đồng.
Tăng trưởng trong khó khăn
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2010, mặc dù doanh thu tăng nhưng lợi nhuận của nhiều DN lại giảm. Trong khi không được hưởng ưu đãi như năm 2009 (giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% hỗ trợ lãi suất), thì các chi phí đầu vào như giá than, điện, tỷ giá USD lại tăng. Trong khi đó, việc tăng giá bán để bù đắp chi phí lại không theo kịp.
Theo thống kê của VSA, DN nhà nước hiện chiếm 27% thị phần, liên doanh 22%, doanh nghiệp khác 51%. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường khiến DN thép khó tăng giá bán . Hiện nhiều DN phải chấp nhận bán giá thép bằng, thậm chí thấp hơn giá thành. “Trong tháng 12 này, để duy trì được sản xuất, các DN thép sẽ buộc phải tăng giá bán sản phẩm”, ông Nghi nhận định.
Mặc dù đang gặp khó khăn, nhưng ngành thép được nhận định là ngành còn nhiều dư địa tăng trưởng, bởi lượng tiêu thụ hiện vẫn thấp. Năm 2009, tượng tiêu thụ thép bình quân tại Việt Nam là 120 kg/người, năm 2010 đạt 1201kg/người, trong khi thế giới là 350 - 500 kg/người/năm.
Tuy nhiên, theo ông Nghi, hoạt động của ngành thép khó ổn định, do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng diễn biến giá USD. Trong khi đó, không phải DN nào cũng làm tốt công tác phân tích, dự báo thị trường. Đông Hãi.
Nguồn: ĐTCK