Nhiều nhà máy thép trên cả nước đang tạm dừng sản xuất, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, da giày cắt giảm nhân sự và cho công nhân làm việc luân phiên.
Tạm dừng sản xuất
“Năm nay còn tệ hơn cả thời kỳ đại dịch Covid-19, bởi khi dịch bệnh vẫn bán được hàng. Hiện nay, hàng sản xuất ra nhưng không bán được, giá giảm cũng không ai mua”, ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) cho biết.
Nhà máy sản xuất thép của Đại Thiên Lộc đang phải tạm dừng sản xuất, công nhân nghỉ việc luân phiên. Đây là tình trạng chung của các doanh nghiệp ngành thép trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Tương tự, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất đã có văn bản gửi tới đối tác thông báo, kể từ tháng 11/2022, hai lò cao ở Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất và hai lò cao ở Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương phải dừng hoạt động.
Đến đầu tháng 12, Công ty có khả năng sẽ tạm dừng thêm một lò cao ở Khu liên hợp Dung Quất. Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, thị trường thép đang trong giai đoạn suy giảm, việc tạm dừng sản xuất là biện pháp hợp lý để tồn tại.
Kết quả kinh doanh quý III vừa qua cho thấy, các doanh nghiệp ngành thép thua lỗ nặng nề như Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) lỗ sau thuế 1.786 tỷ đồng, mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp xét theo quý; Đại Thiên Lộc lỗ hơn 48 tỷ đồng; Thép Nam Kim (mã chứng khoán NKG) lỗ 418 tỷ đồng; Thép Pomia (mã chứng khoán POM) lỗ 715 tỷ đồng…
“Chúng tôi vẫn phải lo chi trả các khoản lãi vay theo định kỳ, nhưng không bán được hàng, không có dòng tiền, việc trả lãi ngân hàng thực sự khó khăn. Giai đoạn đầu, Công ty tìm kiếm dòng tiền ở các kênh khác để bù vào, nhưng hiện nay cũng cạn kiệt. Chúng tôi đang mong chờ Nhà nước có chính sách gia hạn khoản vay để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Nguyễn Thanh Nghĩa nói.
Quý IV/2022 được các doanh nghiệp dự báo còn khó khăn hơn quý III và mức thua lỗ sẽ nặng nề hơn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2022, sản xuất thép thành phẩm toàn ngành đạt 25,31 triệu tấn, giảm 8,7%; bán hàng thép thành phẩm đạt 23,159 triệu tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, dư cung hơn 2,2 triệu tấn thép.
Đáng lưu ý, trong 9 tháng đầu năm nay, thép thành phẩm các loại nhập về Việt Nam là 8,93 triệu tấn, trị giá hơn 9,56 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng nhưng tăng 9,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, bởi giá nhập hàng hóa tăng lên. Ngược lại, xuất khẩu thép đạt 6,46 triệu tấn, trị giá 6,5 tỷ đồng, giảm 34,4% so với cùng kỳ. Theo đó, Việt Nam nhập siêu hơn 2,47 triệu tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái xuất siêu.
Hiệp hội Thép Việt Nam nhận định, ngành thép trong nước đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, có khả năng kéo dài đến quý II/2023.
Chưa thấy lời giải
Khi được hỏi có thấy triển vọng sáng nào mở ra trong thời gian tới hay không, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại Thiên Lộc nói: “Chưa thấy tia hy vọng nào. Lạm phát, lãi suất tăng, khủng hoảng kinh tế thế giới, không ai dám đầu tư, sản xuất thép, vì vậy ế ẩm, giá rớt dài mà không có người mua. Thời gian này, để tồn tại, Công ty cắt giảm tối đa các khoản chi phí có thể cắt”.
"Hàng làm ra không bán được, dòng tiền cạn kiệt, nhiều doanh nghiệp đang mắc kẹt với những khó khăn bủa vây."
Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest cho biết, thị trường tín dụng từ giữa tháng 4/2022 đã xảy ra hiện tượng bị nghẽn, do tín dụng tăng nhanh và mạnh sau thời kỳ Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng khiến việc duy trì hoạt động sản xuất gặp khó khăn, buộc phải thu hẹp, nhất là khi nhu cầu trên thế giới suy giảm, đơn hàng xuất khẩu ít dần. Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước dần được triển khai, nhưng dư nợ cho vay đến nay vẫn rất thấp.
Một khó khăn khác là tỷ giá USD/VND tăng, khiến không ít doanh nghiệp oằn mình gồng gánh chi phí. Về lý thuyết, tỷ giá tăng sẽ thuận lợi cho xuất khẩu, nhưng hiện nay, hoạt động xuất khẩu của đa số doanh nghiệp suy giảm, thậm chí không có đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nguyên liệu sản xuất chủ yếu phải nhập khẩu, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp, kéo lợi nhuận đi xuống, đó là chưa kể chi phí logistics, chi phí lãi vay gia tăng.
Ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam nhận xét, năm 2022 thực sự khó khăn với ngành thép. Áp lực tỷ giá là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ngành.
Thị trường bất động sản trầm lắng suốt thời gian qua kéo nhiều ngành nghề khác liên quan đến lĩnh vực này ảm đạm theo như sản xuất vật liệu xây dựng, nhà thầu. Trên tuyến phố Cát Linh (Hà Nội), được ví là trung tâm bán nguyên vật liệu xây dựng của Thủ đô, giai đoạn cuối năm thường tấp nập khách đến mua sắm, nhưng năm nay vắng vẻ hơn nhiều. Chủ một cửa hàng cho biết, sức mua giảm 30 - 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong ngành da giày, dệt may, làn sóng doanh nghiệp cắt giảm lao động đang diễn ra mạnh mẽ, vì không có đơn hàng.
Chị Nguyễn Thị Hải, quê ở Nghệ An, là công nhân một nhà máy sản xuất da giày tại Bình Dương hơn 10 năm nay. Gần đây, chị đi làm luân phiên, bởi có rất ít việc để làm. Nhiều công nhân cùng khu trọ của chị đã trả nhà để về quê, vì công ty cắt giảm nhân sự.
Mới đây, một doanh nghiệp xuất khẩu da giày tại TP.HCM là Công ty TNHH Tỷ Hùng thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng với 1.185 lao động từ ngày 1/12/2022, do thiếu đơn hàng.
Số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, từ tháng 9 tới nay, cả nước có gần 570.000 lao động bị giảm giờ làm, hơn 34.500 lao động bị cắt giảm, hơn 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là chế biến gỗ, dệt may, da giày, điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch... Động thái cắt giảm nhân sự này đi ngược xu thế mọi năm là các nhà máy thường gia tăng tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đơn hàng tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, châu Âu sụt giảm khiến lượng hàng tồn kho tăng. Dự báo, tình hình khó khăn sẽ kéo dài đến quý I/2023.
Ứng xử với lực lượng lao động cũng là bài toán khó của các doanh nghiệp, đặc biệt trong khối dệt may, da giày. Thiếu việc, nguồn thu ít, doanh nghiệp không thể gồng lỗ để duy trì được đội ngũ, nhưng cho công nhân nghỉ làm, về quê luôn, đến khi gọi đi làm trở lại không dễ, do nhiều vấn đề như tìm nhà trọ hay họ có việc khác ở quê.
Một số doanh nghiệp cố gắng duy trì bộ máy, chi trả một khoản vừa đủ để công nhân có thể lo được cuộc sống, dù không có việc làm. Lãnh đạo Công ty Da giày Liên Phát ở Bình Dương cho hay, công nhân da giày không thể chuyển đổi sang làm công việc khác ngay, nên để duy trì đời sống cho họ, giữ chân công nhân, Công ty chấp nhận bù thêm tiền.
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán