Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất nhằm giảm giá thành; Liên kết từ sản xuất quặng đến sản xuất thép thành phẩm; Đẩy mạnh xuất khẩu… - đó là một số những giải pháp được các DN thép thực hiện nhằm “đối phó” với tình trạng khó khăn trong tiêu thụ thép hiện nay.
Trong cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thép được tổ chức tại Bộ Công Thương gần đây, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết: Tiêu thụ thép trong nước liên tục trượt dốc, từ mức 480.000 tấn trong tháng 8, đã giảm 100.000 tấn vào tháng 9 và tháng 10 cũng chỉ đạt xấp xỉ 300.000 tấn. Mức tiêu thụ bình quân của các doanh nghiệp chỉ đạt 70-74% so với cùng kỳ năm 2010. Thực trạng này đã khiến hàng tháng mỗi DN tồn kho từ 250.000-500.000 tấn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tồn kho thép hiện nay là do sản lượng thép đã thừa nhu cầu sử dụng trong nước. Bên cạnh đó, nhiều công trình bị cắt giảm cộng với việc thị trường bất động sản đóng băng gây ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ thép. Ngoài ra, do giá đầu vào tăng, khó tiếp cận với các nguồn vốn từ ngân hàng, thiếu ngoại tệ cũng khiến nhiều DN thép “lao đao”.
Trước tình trạng như vậy, nhiều DN thép đã chủ động tìm những biện pháp tự tháo gỡ khó khăn cho DN mình. Ông Hoàng Văn Tòng - Phó Tổng giám đốc Công ty CP gang thép Thái Nguyên cho biết: Nhận thức được thị trường vật liệu xây dựng năm nay rất khó khăn, công ty đã chủ động thực hành tiết kiệm trong sản xuất, giảm tối đa những chi phí tiêu hao không cần thiết. “Từ đầu năm đến nay công ty đã tiết kiệm đươc 150 tỷ đồng, góp phần giảm giá thành” - ông Tòng chia sẻ. Bên cạnh đó, công ty còn chủ động tiết giảm sản lượng sản xuất khi giá bán quá thấp.
Một trong những “đại gia” trong ngành thép là Công ty Hòa Phát cũng lựa chọn việc tiết giảm sản xuất để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ông Trần Tuấn Dương – Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát chia sẻ: “Vấn đề khó khăn trong tiêu thụ thép không phải là chuyện một sớm một chiều cho nên chúng ta phải học theo thế giới, phải tiết giảm sản lượng cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Thép Hòa Phát dù chiếm thị phần lớn thứ hai ở Việt Nam nhưng hiện cũng chỉ chạy 80% công suất. Co hẹp sản xuất lúc này vừa là để giảm tồn kho, vừa giảm được chi phí năng lượng, tài chính...”.
Cùng chung những giải pháp tập trung vào tiết kiệm, ông Nghiêm Xuân Đa – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam chia sẻ: Mục tiêu đầu tiên được tổng công ty đề ra là đẩy mạnh thực hiện tiết kiệm, giảm chi phí. Nhờ đó, dù lượng tiêu thụ có sụt giảm mạnh trong 10 tháng qua khiến nhiều công ty lỗ nặng, nhiều công ty khác chỉ hòa vốn nhưng Tổng công ty Thép vẫn kinh doanh có lãi. Bên cạnh đó, hiện công ty cũng đang xem xét lại việc tái cấu trúc các cơ sở sản xuất và lưu thông hàng hóa để đảm bảo việc sản xuất được thực hiện bền vững hơn để chống đỡ tốt hơn với các cú sốc bên ngoài.
Tại cuộc họp, một trong những giải pháp được Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang yêu cầu các DN thép cần chú ý thực hiện là việc đẩy mạnh sản xuất từ nguồn nguyên liệu quặng trong nước. Và thực tế đã chứng minh giải pháp này là hoàn toàn đúng đắn bởi đầu tư từ nguồn cũng là giải pháp giúp nhiều DN thép trụ vững trong “cơn bão” khó khăn hiện nay. Có một điều đáng chú ý hiện nay là thay vì tận dụng quặng trong nước, sản xuất ra nguyên liệu rồi cán ra thép thành phẩm thì do hạn chế về công nghệ, nhiều DN thép đã phải nhập khẩu phôi thép, thép phế từ nước ngoài về để làm nguyên liệu. Hiện khoảng 60-70% nguồn nguyên liệu sử dụng trong nước là nhập khẩu. Điều này không chỉ gây tốn kém chi phí cho DN mà còn khiến DN lao đao trong hoàn cảnh nguồn ngoại tệ cực kỳ khan hiếm như hiện nay. Theo đó, thay vì phải phụ thuộc nguyên liệu nước ngoài, Công ty Gang thép Thái Nguyên đã chủ động tận dụng quặng để sản xuất từ nguồn, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Đánh giá về hiệu quả của việc ứng dụng quặng để sản xuất thép, trong một cuộc họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức gần đây, ông Cường chia sẻ: “Quặng nhập từ nước ngoài về sẽ có giá khoảng 179 USD/tấn, trong khi quặng ở Việt Nam nếu tận dụng được cùng lắm chỉ có giá 400.000 đồng/tấn. Nếu chúng ta sử dụng được quặng ở Việt Nam thì sẽ rất kinh tế. Ví dụ, Công ty Gang thép Thái Nguyên có đến hơn 8.000 công nhân mà vẫn hoạt động tốt, trong khi nhiều nhà máy khác vài trăm công nhân vẫn chật vật. Bởi vì gang thép Thái Nguyên tận dụng được quặng, sản xuất được phôi từ quặng để đưa vào sản xuất nên sức cạnh tranh của họ rất lớn”.
Nhiều năm gần đây, thép Việt Nam không chỉ khẳng định chất lượng ở thị trường trong nước mà còn rất “được lòng” các bạn hàng nước ngoài. Trong hoàn cảnh tiêu thụ thép trong nước đang gặp vô vàn khó khăn như hiện nay, xuất khẩu thép lại là một hướng đi được nhiều DN hướng tới. Chia sẻ về việc xuất khẩu thép, ông Nghiêm Xuân Đa cho biết: Trong tình hình tiêu thụ thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, giải pháp của Tổng công ty Thép Việt Nam là bên cạnh việc giữ vững thị trường trong nước, chúng tôi còn cố gắng giữ vững xuất khẩu ở những thị trường truyền thống và cố gắng tìm thêm các thị trường mới, xuất khẩu thép để giảm tồn kho. Xuất khẩu chính là giải pháp quan trọng giúp DN “trụ vững” trong hoàn cảnh hiện nay.
Việc tập trung đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những cứu cánh cho nhiều DN thép thời gian qua. Thép Việt với những thương hiệu như VNSteel, Việt Đức… đã xuất hiện ở nhiều thị trường như Đông Nam Á, Mỹ, Canada… Theo thống kê, lượng xuất khẩu toàn ngành thép trong 9 tháng đầu năm đã tiếp tục tăng trưởng cả về lượng và chất, đạt khoảng 1,37 triệu tấn, kim ngạch vào khoảng 1,26 tỷ USD, tăng 64,6% so với cùng kỳ. Với ước tính nhu cầu thép của thế giới sẽ tiếp tục tăng, dự kiến, năm 2011, xuất khẩu thép sẽ “cán” mức 1,87 triệu tấn, tăng gần 44,5% so với năm 2010, giải quyết được một phần lớn lượng tồn kho cho DN.
Như vậy, trong hoàn cảnh khó khăn do tiêu thụ, nhiều DN đã trụ vững nhờ những giải pháp “tự cứu mình” hết sức đúng đắn. Ông Cường chia sẻ thêm: Với hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, những giải pháp như trên sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, năm 2012, ngành thép chỉ đặt mục tiêu tăng sản lượng khoảng 4% so với năm 2011.
Nguồn tin: VEN