Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, từ 2016, mỗi năm ngành thép sẽ cần khoảng 20 triệu tấn quặng sắt. Tuy nhiên, lượng quặng trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 50%.
Giá quặng sắt thế giới giảm sâu, nguồn cung trong nước thiếu hụt đã khiến nhiều doanh nghiệp quyết định chuyển hướng nhập quặng từ nước ngoài về để luyện thép. Về ngắn hạn, đây là bài toán hiệu quả, nhưng về lâu dài, việc thiếu ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào sẽ làm giảm sức cạnh tranh cũng như tính chủ động của ngành thép trong quá trình hội nhập.
Việc nhập khẩu quặng có thể giải quyết được bài toán về nguyên liệu cho doanh nghiệp hiện nay, nhưng về lâu dài các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với hai vấn đề là thiếu tính tự chủ về nguyên liệu và tăng chi phí dự trữ quặng để đảm bảo hoạt động được ổn định.
Theo đại diện Bộ Công Thương, trữ lượng quặng sắt toàn quốc ước tính khoảng 1,3 tỷ tấn, trong đó mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn nhất với hơn 500 triệu tấn. Đây chính là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho các doanh nghiệp sản xuất thép cũng như chiến lược hình thành các nhà máy thép quy mô 3 triệu tấn của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, sau 7 năm triển khai dự án, mỏ sắt Thạch Khê vẫn chưa phát huy được hiệu quả mong đợi.
Để đảm bảo phục vụ cho các nhà máy sản xuất trong nước, từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc cấm xuất khẩu các loại khoáng sản, trong đó có quặng sắt để dành cho việc chế biến sâu trong nước.
Ngoài ra, Chính phủ đã có văn bản tháo gỡ khó khăn để dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê sớm đi vào hoạt động. Theo đó, đến giữa tháng 7/2015, nếu các cổ đông của dự án thép Thạch Kê vẫn không góp đủ vốn thì sẽ cho phép các cổ đông hiện hữu điều chỉnh tỷ lệ góp vốn để bảo đảm nguồn vốn cho dự án có thể triển khai theo tiến độ đề ra.
Nguồn tin: VTV