Hiện nay, nguyên liệu sản xuất thép trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu - Ảnh: Hoài Nam |
Rủi ro do biến động tỷ giá, lãi suất cao, khan nguồn vốn… là những khó khăn mà các DN ngành thép sẽ phải đối mặt trong năm 2011.
Thông tin về giá thép sẽ tăng mạnh trong năm nay vẫn chưa tác động đến giá cổ phiếu DN ngành thép, hiện vẫn "dậm chân tại chỗ". Hiện có 17 DN ngành thép đang niêm yết trên cả 2 sàn chứng khoán, trong đó có 10 DN niêm yết trên HOSE như POM, VIS, DTL… và 7 DN đang niêm yết trên sàn HNX như VGS, DNY…
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong năm 2011, sản lượng thép tiêu thụ sẽ tăng từ 8 - 10% so với năm 2010, đạt khoảng 6 triệu tấn (trên năng lực sản xuất 7,83 triệu tấn/năm). Giá thép tiêu thụ trong nước cũng được dự báo là sẽ tăng khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng. Giá thép trên thế giới cũng đã tăng thêm 100 USD/tấn từ ngày 1/1/2011. Đây được coi là một thuận lợi đối với các DN ngành thép nói chung. Tuy vậy, các DN có thể sẽ chịu tác động bất lợi do sử dụng nguồn vốn vay lớn và biến động tỷ giá.
Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT CTCP Phép Pomina (POM) nhận định, năm 2011 sẽ là một năm khó khăn đối với các DN công nghiệp nặng trong nước nói chung, trong đó, DN ngành thép sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như tỷ giá biến động mạnh, lãi suất cao so với các DN cùng ngành ở nhiều nước trong khu vực…
"Hiện nay, nguyên liệu sản xuất thép trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu. Với mức biến động tỷ giá hiện nay thì sẽ rất khó khăn đối với các DN phải nhập khẩu nguyên vật liệu", ông Thái nói.
Năm 2010, POM đạt tổng sản lượng 850.000 tấn và lợi nhuận sau thuế khoảng 650 tỷ đồng. Năm 2011, POM chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% so với năm 2010, trong khi các năm trước đó, DN này đặt mục tiêu thấp nhất là tăng trưởng 20%.
CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) là một DN khác chịu nhiều rủi ro về tỷ giá, bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất của DN chủ yếu là nhập khẩu. Cách mà DTL sẽ làm để hạn chế rủi ro tỷ giá là đẩy mạnh xuất khẩu. Vì thế, đây là một trong số không nhiều DN thép đặt mục tiêu tăng trưởng khá cao trong năm 2011. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT DTL, cho biết, HĐQT Công ty đã thông qua kế hoạch năm 2011 với một số chỉ tiêu như tổng doanh thu 2.500 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng. Năm 2010, DTL đạt tổng doanh thu hơn 1.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 185 tỷ đồng. Như vậy, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận kế hoạch năm 2011 của DTL so với mức thực hiện năm 2010 là khoảng 30%.
"Ngoài những khó khăn liên quan đến tỷ giá và lãi suất, DN ngành thép trong năm nay có nguy cơ phải đối mặt với việc thiếu hụt điện năng", ông Trần Văn Thạnh, Chủ tịch CTCP Thép Việt Ý (VIS) cảnh báo.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC cho rằng, tình hình biến động tỷ giá, lãi suất cao và khó khăn về nguồn vốn là những khó khăn mà DN ngành thép nói chung và SMC sẽ phải đối mặt. Tuy vậy, theo ông Anh, giá thép tại thời điểm hiện tại đã tăng khoảng 10% so với thời điểm cuối năm 2010, một lợi thế đối với các DN sản xuất thép. Với SMC, DN chỉ phải nhập khẩu 30% nguồn nguyên liệu nên bớt khó khăn hơn khi tỷ giá biến động. Năm 2011, SMC dự kiến đạt tổng doanh thu 7.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 100 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 10% so với năm 2010.
Báo cáo phân tích mới đây của CTCK Sacombank (SBS) cho thấy, tốc độ giảm giá của nhóm cổ phiếu thép từ đầu năm 2010 đến tháng 1/2011 là 30%, cao hơn tốc độ giảm chung của thị trường và nằm trong nhóm cổ phiếu có mức độ mất giá lớn nhất trong năm. Theo chu kỳ kinh doanh, quý II cho đến quý IV là chu kỳ giảm của giá thép sau khi tăng mạnh trong quý I.
Khó khăn là vậy, song DN ngành thép vẫn được nhận định là ngành còn nhiều dư địa tăng trưởng, bởi lượng tiêu thụ hiện vẫn thấp, thép thành phẩm vẫn phải được nhập khẩu một phần để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hơn nữa, DN ngành thép vẫn còn "cửa" để khắc phục khó khăn là giảm bớt chi phí sản xuất thông qua cải tiến, đổi mới về công nghệ, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý. DN nào làm tốt việc này thì tiềm năng tăng trưởng vẫn rất khả quan.
Giá thép thành phẩm trong nước được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới do kinh tế thế giới đang dần hồi phục vẫn là tín hiệu tích cực nhất đối với ngành thép, nhưng bản thân điều này vẫn chứa đựng rủi ro nhất định. Một khi giá tăng cao quá thì có thể đảo chiều bất cứ lúc nào.
Nguồn:DTCK