Các nhà sản xuất thép Thái Lan đang lo ngại Việt Nam đang bán phá giá thép cuộn trên thị trường Thái Lan và theo đó, họ dự báo mặt bằng giá tại Đông Nam Á sẽ giảm.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thép cuộn lớn trong khu vực, trong khi Thái Lan là nước tiêu thụ chính.
“Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng khối lượng xuất khẩu sản phẩm này theo từng tháng. Việt Nam xuất khẩu gần 5.000 tấn thép cuộn mỗi tháng sang Thái Lan và nguồn cung dự kiến sẽ tăng tại các quốc gia đang phát triển vốn đang đẩy mạnh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Wanlert Kanwiwat – Giám đốc vận hành Tata Steel Thái Lan, cho biết.
Ông Wanlert cho rằng các siêu dự án đã lên kế hoạch của Thái Lan sẽ thúc đẩy nhu cầu các sản phẩm thép trong nước. Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự bùng nổ này do có chi phí vận hành thấp và bán thép với mức giá thấp hơn các nhà sản xuất Thái Lan.
Một nhà sản xuất thép Việt Nam gần đây đã đưa vào vận hành nhà máy liên doanh với Tập đoàn Nhựa Formosa (Đài Loan) và JFE Holdings (Nhật Bản). Nhà máy được đặt tại Hà Tĩnh, tỉnh thuộc khu vực bắc trung bộ Việt Nam.
Đây là giai đoạn thứ nhất của nhà máy thép có công suất thiết kế 3,5 triệu tấn. Giai đoạn hai sẽ nâng công suất lên gấp đôi ở mức 7 triệu tấn/năm.
Ông Wanlert cho biết các nhà sản xuất thép Việt Nam có thể sẽ tiến hành nghiên cứu thị trường trên toàn khu vực và xuất khẩu thép cuộn tới nhiều nước. “Các nhà sản xuất thép Thái Lan đang theo dõi xuất khẩu thép của Việt Nam và cập nhật thông tin mới từ chính phủ Thái Lan vì các nhà sản xuất thép lo ngại tác động của tình hình này. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước đang nỗ lực giải quyết vấn đề thép Trung Quốc nhập khẩu tại khu vực”, ông nói.
Ông Chaichalerm Bunyanuwat – Phó Chủ tịch tiếp thị và bán hàng của Tata Steel, cho biết công ty này sản xuất thép cuộn với công suất 400 nghìn tấn/năm, tương đương khoảng 5.000 tấn/tháng. “Các nhà sản xuất thép nội địa có thể phục vụ nhu cầu trong nước và có thể tăng công suất để đáp ứng nhu cầu thị trường”, ông Chaichalerm cho biết.
Hơn nữa, các nhà sản xuất thép cuộn Thái Lan đang thảo luận với Bộ Thương mại nước này nhằm tìm ra các giải pháp xử lý vấn đề thép Trung Quốc và đệ trình đơn yêu cầu thông tin về thép Việt Nam.
“Việt Nam bắt đầu xuất khẩu thép cuộn sang Thái Lan cách đây 8 tháng. Dù khối lượng vẫn còn hạn chế, các nhà sản xuất Thái Lan đang lo ngại vì Việt Nam đưa ra giá bán thấp hơn”, ông Chaichalerm nói.
Nhập khẩu thép cuộn của Thái Lan đạt khoảng 1 triệu tấn/năm. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu lớn nhất với khoảng 600 – 720 nghìn tấn, tiếp theo là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Giá thép cuộn toàn cầu hiện đạt khoảng 590 – 620 USD/tấn.
Thép cuộn được dùng để sản xuất đai ốc, đinh vít, bu lông, đinh tán, đinh ghim, mấu neo…, phần lớn dùng trong máy móc, ô tô và đồ điện tử.
Nguồn tin: Vietnambiz