Tình hình tiêu thụ thép từ Quý II đến nay.
Ngay từ quý II/2011 lượng thép tiêu thụ đã giảm khá mạnh, khiến cho hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh thép gặp khó khăn.
Hiện nay, giá thép xây dựng bán lẻ tại thị trường miền Bắc phổ biến từ 17,5 – 18,4 triệu đồng/tấn và ở thị trường miền Nam là từ 18 – 18,6 triệu đồng/tấn. Mặc dù phần lớn các doanh nghiệp sản xuất thép đã giảm giá từ 100.000 – 300.000 đồng/tấn; đồng thời tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển... cho các đại lý để đẩy mạnh tiêu thụ, song các đại lý thép vẫn không tiêu thụ được, sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh so với những tháng đầu năm. Lượng thép tiêu thụ trong tháng 6, tháng 7 chỉ đạt khoảng 270.000- 300.000 tấn. So với tháng 5 và những tháng trước, giảm hơn 100.000 tấn. Dự kiến trong tháng 8, lượng tiêu thụ sẽ còn giảm hơn nữa.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi cho biết, lượng thép tồn kho hiện đang ở mức cao, gần 500.000 tấn, trong khi bình quân lượng tồn kho ở mức cho phép khoảng 250 nghìn tấn. Theo đánh giá của Hiệp hội thì đây là số lượng thép tồn lớn hơn mức bình thường. Mặc dù chỉ là lượng thép gối đầu cho các tháng tiếp theo nhưng với gánh nặng về lãi suất lãi vay từ ngân hàng như hiện nay thì sẽ làm tăng chi phí tài chính, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Bởi vậy, có nhiều nhà máy thép phải ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng (chỉ vận hành 50- 60% công suất). Theo tính toán của Hiệp hội thép VN (VSA), mức lãi mà các doanh nghiệp thép phải trả đối với lượng hàng tồn kho này khoảng gần 150 tỉ đồng/tháng.
Tại hội thảo "Nhận định các kênh đầu tư 2011" do Sở giao dịch hàng hóa và VCCI tổ chức, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN cũng đã đưa ra cảnh báo về tình hình cung vượt cầu trong ngành thép."Lượng ngoại tệ để nhập nguyên liệu và sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được lên đến 7 tỉ USD, trong khi chúng ta chỉ xuất được hơn 1 triệu tấn thép, trị giá 1 tỉ USD. Tính ra trung bình ngành thép nhập siêu 6 tỉ USD/năm. Tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2011 có thể vẫn gặp nhiều khó khăn nên tiêu thụ thép cả năm 2011 sẽ giảm so với năm 2010" - ông Cường nói.
Đại diện Hiệp hội Thép dự báo: Từ năm 2012, một số doanh nghiệp thép sẽ phải trả giá, thậm chí là phá sản. Trong thời gian tới mức thuế suất chung của khu vực sẽ về bằng 0. Khi đó những doanh nghiệp ngốn nhiều năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, chất lượng sản phẩm không tốt thì sẽ phải đóng cửa.
Nguyên nhân lượng tiêu thụ thép sụt giảm
Theo đại diện VSA, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên của ngành thép là do tình hình lạm phát trong nước tăng cao, Chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế, trong đó có việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết làm cho thị trường bất động sản năm 2011 đã thực sự rơi vào tình trạng đóng băng. Chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng đối với các dự án bất động sản làm cho nhiều doanh nghiệp chậm tiến độ dự án hoặc sẽ có nhiều doanh nghiệp phải bán tống bán tháo dự án của mình vì không có đủ vốn để triển khai tiếp. Theo thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, thị trường thép cũng có tính liên thông với thị trường bất động sản. Khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng cũng gặp những khó khăn.
Bên cạnh đó, những khó khăn mà các doanh nghiệp thép gặp phải, đó là chi phí vốn quá cao, giá các vật tư nhiên liệu đầu vào hiện cũng đều tăng ở mức 2 con số, đơn cử như giá than tăng 41% từ đầu tháng 4/2011; giá xăng dầu tăng từ 32-43%; giá thép tăng gần 30%; điện tăng 15,28%, …
Mặt khác, thời gian qua hàng loạt nhà máy thép đầu tư không bài bản, theo phong trào và phớt lờ các cảnh báo của cơ quan chức năng. Thống kê cho thấy, có tới gần 30% doanh nghiệp ngành thép đang sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng hơn 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.
Theo VSA, một trong những lý do khiến lượng thép tiêu thụ sụt giảm mạnh là tình trạng mất cân đối cung cầu trong ngành thép dẫn đến thép thừa. Các dự án cấp cho ngành thép vẫn đang nhiều và mất cân đối. Cụ thể, hiện có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương... Trong số này có hơn 20 dự án là địa phương cấp sai thẩm quyền, nghĩa là đáng lẽ trước khi cấp phép, địa phương cần phải xin ý kiến bộ chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... và báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Nhưng địa phương cứ làm theo nguyên tắc dự án nào dưới 1.500 tỉ đồng là... tự quyết định cấp hay không cấp phép mà không hỏi ý kiến Trung ương.
Những biến động của tình hình kinh tế thế giới cũng tác động không nhỏ đến ngành thép. Kể từ đầu năm do giá nguyên liệu của ngành thép như quặng sắt, than cốc, phôi thép và thép phế … tăng hoặc giữ ở mức giá cao hơn năm 2010 từ 20- 30%. Kinh tế Mỹ, các nước EU và tình hình chính trị nhiều nước Châu Phi không ổn định; tình hình thiên tai lũ lụt, động đất xảy ra ở nhiều nước cũng gây tác động xấu tới thị trường thép thế giới.
Giải pháp cho ngành thép
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội thép cũng đã đề xuất một số giải pháp để giúp cho các doanh nghiệp thép tháo gỡ khó khăn.
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết. Hiệp hội thép đã có 6 kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan quản lý những vấn đề cần giải quyết của ngành thép trong những tháng cuối năm 2011. Trong đó, vấn đề được ưu tiên hàng đầu và cấp bách là cần có biện pháp khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm thép trong nước đang dư thừa sang các nước trong khu vực và thế giới. Đó là giảm thuế VAT cho sản phẩm thép xuất khẩu, ưu đãi thuế xuất khẩu, hỗ trợ cho doanh nghiệp thép để có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường xuất khẩu thép thế giới (bằng các chương trình xúc tiến thương mại). Việc đẩy mạnh xuất khẩu thép sẽ giúp cho ngành thép giải quyết lượng thép dư thừa, doanh nghiệp có thêm nguồn ngoại tệ để nhập nguyên liệu và sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được và giảm nhập siêu của Nhà nước. Trước đây, các doanh nghiệp chỉ có thể xuất thép sang Lào, Myanmar... nhưng nay đã có thể đưa vào các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Đông, EU... Điều này chứng tỏ ngành thép có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới nếu có sự đầu tư đúng hướng cùng những chính sách tạo điều kiện phù hợp với cam kết gia nhập WTO.
Cơ cấu lại các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Những doanh nghiệp không còn đủ sức cạnh tranh vì công nghệ và thiết bị lạc hậu, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng lớn, giá thành cao sẽ buộc phải dừng sản xuất và bán lại cơ sở sản xuất cho các nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư đổi mới công nghệ, sản xuất mới có hiệu quả.
Bên cạnh đó cần ưu tiên các dự án nhà máy thép sản xuất các sản phẩm thép Việt Nam còn phải nhập khẩu với số lượng lớn như: Thép tấm, thép cuộn cán nóng, thép chất lượng, thép chế tạo … để giảm bớt nhập siêu.
Cùng với đó, việc chấn chỉnh quy hoạch ngành thép cũng là việc cần phải làm ngay và mang tính cấp bách lúc này, đặc biệt là các dự án được các địa phương cấp phép. Kiên quyết thu hồi giấy phép các dự án không có trong quy hoạch và không thực hiện các thủ tục quy định đầu tư mà Chính phủ ban hành. Đặc biệt là các dự án sản xuất thép xây dựng, ống thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và tôn phủ màu do đã quá thừa trong ít nhất 5 năm tới. Tôn trọng các quy định mà Bộ Công Thương đã ban hành về quy mô công suất đầu tư và các điều kiện để dự án thép phát triển bền vững.
Nguồn tin: Giacavattu