Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp thép trỗi dậy, lợi nhuận vượt cả ngân hàng hàng đầu

 Lần đầu tiên có một doanh nghiệp thép đạt lợi nhuận cao nhất thị trường, vượt qua tất cả các ngân hàng và các doanh nghiệp khác.

Hòa Phát: Lợi nhuận vượt Vietcombank

Chỉ trong quý I/2021, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã ước đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 6.977,6 tỷ đồng, cao gấp 3 lần quý I/2020, vượt anh cả của ngành ngân hàng là Viecombank với 6.902,6 tỷ đồng và vượt xa các doanh nghiệp trong các ngành khác.

Đây là kỷ lục mới về lợi nhuận trong một quý của Hòa Phát suốt gần 30 năm qua và cũng là lần đầu tiên có một doanh nghiệp thép vươn lên đạt lợi nhuận cao nhất, vượt qua cả các doanh nghiệp bất động sản hay ngân hàng.

Theo giải trình của ông Trần Đình Long – Chủ tịch HPG tại đại hội cổ đông mới đây, đóng góp trong tổng lợi nhuận nói trên có 6.500 tỷ đồng là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh và 500 tỷ đồng từ việc thoái vốn mảng nội thất.

Theo cơ cấu, hiện lĩnh vực sắt thép là mảng kinh doanh cốt lõi của HPG, tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và đóng góp 84% doanh thu, 82% lợi nhuận sau thuế 2020.

Đến đầu năm 2021, năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát đạt trên 8 triệu tấn/năm, dẫn đầu Đông Nam Á về sản xuất thép thô. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, nhiều ngành chịu tác động của chi phí logistisc, Hòa Phát đã sở hữu đội tàu cỡ lớn và có hệ thống cảng biển nước sâu,…

Sau lĩnh vực cốt lõi, lĩnh vực bất động sản được đánh giá chỉ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế được giao dù các Khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy lên tới 100%.

Giống như các tập đoàn lớn khác, Hòa Phát đã cơ cấu rõ ràng các ngành nghề: Đến đầu năm 2021, mô hình của Hòa Phát được tổ chức với 4 nhóm ngành: Gang thép, Sản phẩm thép, Nông nghiệp và Bất động sản được quản lý theo từng tổng công ty độc lập trong hệ sinh thái của Hòa Phát.

Hoa Sen: 6 tháng đã hoàn thành kế hoạch cả năm

Tái cơ cấu mấy năm qua của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã cho thấy hiệu quả khi lợi nhuận của doanh nghiệp này đã tăng mạnh. Báo cáo của HSG cho biết, sản lượng tiêu thụ quý II/2021 (năm tài chính của HSG kết thúc 30/9) đạt 542.532 tấn, tăng 65% so với cùng kỳ 2020.

Dù cuộc sống riêng tư của lãnh đạo Hoa Sen sau dự án thép Cà Ná không thành đã trở thành câu chuyện gây nhiều bàn tán song sau khi cơ cấu lại mô hình và hoạt động đã mang lại thành quả không nhỏ.

Doanh thu của doanh nghiệp này đạt 10.846 tỷ đồng, tăng mạnh 88%, kéo theo lợi nhuận sau thuế 1.035 tỷ đồng, tăng mạnh 415% so với cùng kỳ và tăng thêm 201 tỷ đồng so với con số ước tính của chính tập đoàn.

Do năm tài chính bắt đầu từ 1/10 nên lũy kế 6 tháng, dù thi phần kém xa HPG nhưng sản lượng tiêu thụ của HSG cũng đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 54% so với cùng kỳ; Doanh thu đạt 19.946 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế đạt 1.607 tỷ đồng, tăng 320%.

Với kết quả này, HSG đã thực hiện được 60% kế hoạch sản lượng, 60% kế hoạch doanh thu và 107% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm. Lợi nhuận của Hoa Sen lần đầu tiên vượt qua nhiều ngân hàng và doanh nghiệp ngành khác đứng trong top 20 doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên sàn chứng khoán.

Xét về vốn chủ sở hữu, đến hết 2020, vốn chủ sở hữu của Hoa Sen chỉ tương đương 1/8 vốn chủ sở hữu của Hòa Phát nhưng lợi nhuận quý này của HSG lại tương đương 1/7 HPG.

Giá thép tăng mạnh

Giá thép hiện tăng mạnh 50% so với cùng kỳ năm trước

Đóng góp vào lợi nhuận của các doanh nghiệp thép thời gian qua là do giá thép tăng mạnh. So với quý 1/2019, giá thép đã tăng khoảng 50% do sự phục hồi sản xuất trên thế giới sau đại dịch và khan hiếm nguyên liệu. Diễn biến tăng giá thép vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia trong ngành nhận định, xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ còn nhiều biến động và có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoàng tài chính 2008.

Tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%. Nhu cầu sản phẩm sắt thép trong năm 2021 được dự báo tiếp tục tăng mạnh. Ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục khi Chính phủ triển khai các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và các đường dây truyền tải điện 500KV sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.

Diễn biến này sẽ tiếp tục là đòn bẩy lợi nhuận cho các doanh nghiệp thép, trong đó có HPG và HSG.

Nguồn tin: Giao thông

ĐỌC THÊM