Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp thép trong nước đang "chết mòn"

Các doanh nghiệp (DN) sản xuất thép đang khó khăn lắm rồi, nếu tiếp tục duy trì tình trạng này thêm vài ba tháng nữa thì chắc chắn mọi khoản lãi các DN có được từ đầu năm sẽ bằng không, thậm chí là âm. Đó là tâm trạng chung của các đại diện các DN sản xuất thép trong nước "kêu ca" với Bộ Công Thương và mong bộ có hướng tháo gỡ khó khăn...

Theo ông Phạm Chí Cường- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép các loại đạt 527,5 ngàn tấn trong tháng 10-2011, tăng 8% so với tháng trước. Trong tháng 10, sản lượng thép tròn đạt 261,4 ngàn tấn, tăng 6,1% so tháng trước và giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2010. Tính chung 10 tháng đầu năm 2011, sản lượng thép các loại ước đạt 5.880 ngàn tấn, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng thép tròn đạt 3.325,3 ngàn tấn, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2010. Ngoài ra, sản xuất phôi thép trong tháng 10-2011 ước đạt 30 ngàn tấn, giảm 40,9% so với tháng trước.

Cũng do sức tiêu thụ yếu nên lượng thép thành phẩm tồn kho trong các DN thành viên của Hiệp hội Thép Việt Nam khá cao, từ 350.000 tấn đến 370.000 tấn (bình thường chỉ khoảng 250.000 tấn). Tương tự, lượng phôi thép tồn kho cũng từ 500.000 tấn đến 550.000 tấn. Nhìn chung, do ảnh hưởng sự ảm đạm của ngành xây dựng, bất động sản kéo theo nhu cầu tiêu thụ sắt thép giảm mạnh. Vì vậy, các doanh nghiệp thép sản xuất ở mức vừa phải hoặc cầm chừng.
Nhiều doanh nghiệp còn tồn đọng hàng trăm tấn thép.

Ngay như DN chủ lực như Tổng công ty Thép Việt Nam, 10 tháng đầu năm lượng tiêu thụ đạt 1,79 triệu tấn, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2010. Hay như Tập đoàn Thép Hòa Phát- đứng thứ 2 về công suất sản xuất nhưng hai tháng nay cũng chỉ chạy được 80% công suất, để tránh dư thừa cung, lượng hàng tồn kho. Thị trường bị thu hẹp, lượng hàng tồn kho lớn, trong khi đó, dù ngân hàng đã đưa ra chương trình ưu đãi lãi suất vay cho DN từ 17-19%/năm, nhưng thực tế DN ngành thép vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn này.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tình hình hiện tại chưa có DN thép công bố phá sản, nhưng DN thép đang thua lỗ nặng lắm rồi, nếu hai tháng cuối năm vẫn tiếp tục kinh doanh ảm đạm, thị trường bị thu hẹp thì phần lãi của 10 tháng đầu năm coi như đi tong. Đây là hiện tượng lặp lại 2-3 năm nay. Vài tháng đầu năm lãi lớn, cuối năm âm, lỗ tới cả năm sau. Dù chưa có doanh nghiệp nào công bố phá sản, nhưng thực tế doanh nghiệp không bán được hàng, đã dừng sản xuất. Đơn cử, Công ty thép Vạn Lợi trong cuộc họp Đại hội cổ đông gần đây đã tuyên bố ngừng sản xuất. Quan ngại hơn, ông Cường thông tin, đang có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN thép với nhau. Nhiều DN bán phá giá ngay tại thị trường trong nước để đẩy mạnh lượng hàng tiêu thụ. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, nhu cầu chung của nền kinh tế giảm nên dù có giảm giá thì cũng không thể bán được là bao.

Nếu tính giá bán tại nhà máy chưa kể thuế VAT rơi vào khoảng 15 triệu đồng/tấn, giá phôi đã ở mức 14 triệu/tấn, nên để hòa vốn DN phải bán ở mức giá 15,5 triệu đồng/tấn. Thế nhưng, hiện nhiều DN đang chào giá thấp hơn giá thị trường từ 200.000- 300.000 đồng/tấn để đẩy mạnh tiêu thụ và giảm lượng hàng tồn kho. "Khi tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu khó khăn, các DN trong nước không có sự bàn bạc chia sẻ khó khăn chung, chia sẻ thị phần mà lại chào giá thấp hơn đối tác nhằm giành bạn hàng nên đã có hiện tượng DN kiện cáo nhau trong nội bộ Hiệp hội"- ông Cường bình luận. Nghiêm trọng hơn, việc này được VSA nhận định có thể sẽ là mầm mống cho các vụ kiện chống bán phá giá trong thời gian tới khi mà ngay trong chính nội bộ Hiệp hội đã có tình trạng kiện cáo cho là bán phá giá giữa Tổng công ty thép Việt Nam và Posco Việt Nam.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, chủ trương thắt chặt đầu tư công, tín dụng của Chính phủ chắc chắn sẽ còn kéo dài, với đà này khó khăn của ngành thép có thể còn kéo dài sang năm 2012. Ông Trương Quang Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Nghị quyết 11 quy định ưu tiên vốn cho sản xuất, đặc biệt là các ngành hàng thiết yếu mà thép là ngành hàng thiết yếu nên có thể ưu tiên vốn được. Cách đây 4-5 tháng họp tổ điều hành thị trường trong nước đã nói chuyện tồn kho thép cao và có kiến nghị hỗ trợ lãi vay để DN giảm tồn kho nhưng không tìm được cách nào, vì nếu đưa ra thì vi phạm quy định WTO về hỗ trợ ngành.

Chính vì vậy, ông Vũ Văn Chuyện-Vụ Phó Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương cho rằng, trong bối cảnh sức cầu chung sụt giảm, ngành thép không thể đứng ngoài lề. Đặc biệt, suy thoái kinh tế thế giới đang trở lại khiến nhu cầu thép trên thế giới giảm, kéo giá thép giảm. Nguy cơ nhìn thấy là thép ngoại có thể tràn vào đẩy các DN thép trong nước vào tình thế khó khăn hơn do phải cạnh tranh với thép ngoại. Chính vì vậy, để đối mặt với khó khăn này, các DN phải nỗ lực tự cứu mình bằng việc cắt giảm chi phí, hạ giá thành để cạnh tranh. Chia sẻ với những khó khăn mà ngành thép đang gặp phải, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho rằng, tương lai của ngành thép là rất sáng sủa, nhu cầu thép trong những năm tới còn nhiều. Vì vậy, các DN phải tự cứu mình trước khi được cứu. Bên cạnh đó, phải tiết kiệm năng lượng, vật tư, nguyên vật liệu, các DN cần hợp tác chặt chẽ để đối phó với vấn đề chống bán phá giá…

Nguồn tin: QĐND Online

ĐỌC THÊM