Giá thép trên thị trường thế giới phục hồi khiến các DN thép tự tin hơn khi thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2010 trong các tháng cuối năm, nhất là kể từ tháng 9 bắt đầu vào mùa vụ của ngành thép.
Tăng mạnh khi nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, giá thép trên thị trường thế giới điều chỉnh giảm trong tháng 6/2010 khi lượng hàng tồn kho lớn, nhu cầu tiêu thụ giảm và những lo ngại kinh tế thế giới chậm phục hồi. Nhưng đến giữa tháng 8, giá thép đã tăng trở lại. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) cho biết, giá phôi thép thế giới đã tăng 15% so với đáy tháng 6. Ở trong nước, giá thép xây dựng có xu hướng lên, nhưng tiêu thụ vẫn yếu do tính chất mùa vụ. Với SMC, quan trọng là ổn định doanh thu và lợi nhuận hàng tháng, chứ không nặng về đầu cơ giá lên hoặc xuống. Trong tháng 8, SMC dự kiến đạt 8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và phấn đấu đạt 90 tỷ đồng lợi nhuận cả năm, vượt kế hoạch lợi nhuận 80 tỷ đồng đã đặt ra. Giá thép thế giới tăng và ổn định trở lại là điều kiện thuận lợi để SMC đẩy mạnh bán hàng.
Theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Đại Thiên Lộc (DTL), so với giá đáy, mặt hàng thép tấm cán nóng đã tăng thêm 40 USD/tấn, thép cán nguội tăng 60 USD/tấn. Nhờ giá thép tăng trở lại nên Công ty tiếp tục ký được hợp đồng xuất khẩu sau khi bị gián đoạn 1 tháng. "Khi giá thép có xu hướng giảm, khách hàng sẽ ngừng mua để theo dõi diễn biến giá cả", ông Nghĩa nói.
Tận dụng thời điểm giá thép giảm, DTL đã ký hợp đồng nhập khẩu hơn 20.000 tấn thép nguyên liệu các loại. Thép cán nóng loại dầy, DTL nhập khẩu với giá 550 USD/tấn, trong khi giá hiện tại là 610 - 615 USD/tấn. Tháp cán nóng loại mỏng từ 1,75 ly đến 2 ly, DTL nhập khẩu với giá 595 - 600 USD/tấn tùy loại, trong khi giá hiện tại là 645 USD/tấn. Lượng hàng tồn kho cũ của DTL vẫn thấp hơn giá hiện tại. Vì vậy, Công ty tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng đã đặt ra cho năm 2010. Tháng 8, DTL ước đạt lợi nhuận khoảng 11 tỷ đồng.
Hiện nay, DTL đã đưa vào hoạt động dây chuyền mạ kẽm, đến tháng 11 sẽ chạy dây chuyền mạ lạnh công suất 150.000 tấn/năm thứ nhất và tháng 1 sang năm chạy dây chuyền thứ hai. Với các dây chuyền mới, DTL sẽ tự sản xuất thành phẩm thép mạ lạnh (nguyên liệu sản xuất sản phẩm tấm lợp, tôn lạnh mạ màu), thay thế hàng nhập khẩu hiện tại, từ đó tăng lợi nhuận ở khâu sản xuất.
Thương hiệu thép lớn là Pomina (POM) đang thực hiện kế hoạch mua vào 9 triệu cổ phiếu quỹ như đã đăng ký. POM có vốn điều lệ 1.874,5 tỷ đồng, kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm nay là 612 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, POM đã đạt gần 500 tỷ đồng lợi nhuận. Với tình hình giá phôi thép hiện nay tăng mạnh, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT POM cho biết, Công ty có tiềm năng để vượt kế hoạch lợi nhuận cao, với lượng hàng tồn kho 3 tháng khoảng 300.000 tấn. Xét thấy giá cổ phiếu giảm mạnh so với triển vọng lợi nhuận của DN, HĐQT POM đã quyết định mua vào cổ phiếu quỹ.
Lịch sử cho thấy, năm nào giá thép cũng có những biến động mạnh về giá cả (như diễn biến giá chứng khoán) nên các DN thép thường tận dụng các cơ hội này để gia tăng lợi nhuận. Năm nay, giá thép thế giới tăng sẽ giúp DN thép tăng lợi nhuận, nhưng không phải DN nào cũng tận dụng được cơ hội này.
Hiện nay, dù giá thép tăng, nhưng tiêu thụ trong nước vẫn chậm. Sản lượng tiêu thụ thép năm nay được ước tính chỉ tăng 15% so với năm ngoái, một mức tăng thấp hơn các năm trước. Vì thế, những DN sản xuất lớn, có thị phần ổn định sẽ được hưởng lợi hơn những DN chỉ có khả năng đầu cơ.
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là DN lớn, có quy trình sản xuất thép khép kín từ quặng luyện thành phôi và cán thép, không bao giờ nhắc đến hàng tồn kho. Yếu tố duy nhất HPG tập trung công bố thông tin là thị phần, sản lượng tăng lên hàng tháng. Mới đây, HPG cho biết, sẽ chạy hết 90% công suất của Khu liên hiệp Gang thép Hòa Phát.
Ông Đặng Thanh Cầm, Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát cho biết, Công ty đã chủ động được 60 - 70% lượng phôi cho cán thép, nhưng vẫn phải nhập khẩu 10.000 - 15.000 tấn phôi mỗi tháng để cán thép. Việc nhập khẩu này là sẽ không cần thiết khi các nhà máy tại Khu liên hợp hoạt động đạt công suất thiết kế. Khi nhà máy luyện thép hoạt động ổn định, đúng công suất thiết kế thì toàn bộ lượng gang lỏng từ lò cao (đang xuất khẩu một phần) sẽ được chuyển thành phôi để phục vụ cán thép cho cả 2 nhà máy cán thép của Hòa Phát tại Khu liên hợp và tại Như Quỳnh - Hưng Yên. Việc sản xuất được phôi sẽ giúp HPG giảm chi phí sản xuất so với nhập khẩu.
Theo dự báo của các DN thép, giá thép trong nước sẽ tăng theo giá thế giới. Do nhu cầu trong nước không tăng mạnh, nên giá thép sẽ tăng ổn định. Trong 3 tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thép sẽ tăng khi vào mùa vụ, doanh thu và lợi nhuận của DN ngành thép tất yếu tăng lên.
Tuy nhiên, khi lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu thép, nhà đầu tư được khuyến nghị rằng, cần lựa chọn những DN được quản trị tốt, có hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định. Lợi thế hàng tồn kho giá thấp có thể đem lại lợi nhuận lớn cho DN, nhưng cũng có thể khiến DN thua lỗ lớn nếu không được quản trị rủi ro tốt.
Nguồn: ĐTCK-online