Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp thép và xi măng: nước đến đâu, nhảy đến đó

Thị trường vật liệu xây dựng 9 tháng đầu năm đón nhận tín hiệu tích cực từ tất cả các nhóm ngành. Nhiều doanh nghiệp đã “lấy lại sức” sau một thời gian dài ốm yếu cùng thị trường bất động sản và xây dựng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mối lo khi không ít doanh nghiệp không đưa ra được chiến lược phát triển thị trường dài hạn.

Theo số liệu mới nhất, trong 9 tháng đầu năm, ngành thép có mức tăng trưởng tiêu thụ khả quan. Trong đó, sắt thép thô đạt hơn 2,77 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ; thép cán đạt hơn 3,08 triệu tấn, tăng 20,1% so với cùng kỳ; thép thanh; thép góc đạt 2,92 triệu tấn, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Dự báo quý IV/2015, tiêu thụ thép sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Dù tiêu thụ thép đang được cải thiện rõ nét, nhưng nỗi lo của các doanh nghiệp ngành thép không phải vì thế mà đã hết. Tin từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, ngày 25/9/2015, Malaysia đã ra thông báo chính thức về kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn phủ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời áp dụng đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam là từ 5,68 - 16,45%. Với mặt hàng tôn lạnh, nước này áp thuế tự vệ lên đến 150% so với giá bán trong năm đầu tiên (khoảng 430 USD/tấn) và còn khoảng 139% trong năm thứ 3 (312 USD/tấn).

Với mức thuế trên, ông Hồ Quang Thiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Tôn Phương Nam nhận định, doanh nghiệp Việt Nam gần như phải rút lui khỏi thị trường Malaysia, bởi giá xuất khẩu bình thường chỉ 600 - 700 USD/tấn, cộng thêm thuế tự vệ lên đến trên 1.000 USD/tấn, mức giá này quá cao để có thể cạnh tranh.

Nói về hướng đi trong thời gian tới khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều doanh nghiệp thép cho biết, “nước đến đâu nhảy đến đó”, chứ không đủ khả năng lo xa hơn nữa.

Ông Đỗ Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng: “Cái sợ lớn nhất của doanh nghiệp thép không phải sợ thép giá rẻ từ các nước tràn vào, mà là cạnh tranh không công bằng. Chỉ mong Chính phủ có quy định để lập hàng rào thuế quan đối với một số sản phẩm thép để ngành thép được cạnh tranh sòng phẳng khi Việt Nam tham gia FTAs và TPP”.

Tương tự với ngành thép, tiêu thụ ngành xi măng trong 9 tháng đầu năm 2015 cũng rất khả quan với 52,11 triệu tấn sản phẩm, trong đó tiêu thụ nội địa là 40,26 triệu tấn, xuất khẩu đạt 11,85 triệu tấn. Nhiều doanh nghiệp có mức tăng trưởng khả quan trong 9 tháng đầu năm, như VICEM, Cẩm Phả, FICO, Nghi Sơn, Holcim… Trong đó, VICEM tiêu thụ trên 18 triệu tấn sản phẩm (khoảng 1 triệu tấn xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với kế hoạch xuất khẩu 3 triệu tấn trong năm nay); FICO tiêu thụ 1,28 triệu tấn, hoàn thành 78% kế hoạch năm…

Ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc VICEM cho biết, doanh nghiệp này chỉ xuất khẩu khi có lãi, còn hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước đang khá tốt, nên xuất khẩu không phải là mục tiêu mà VICEM hướng tới.

Trong khi đó, ông Hoàng Cảnh Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty Xi măng FICO cho biết, thị trường tiêu thụ của Công ty khá ổn định, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ hết, giá cả không biến động nhiều. Hiện FICO đã chuẩn bị thị trường cho dây chuyền 2.

Khác với ngành thép, ngành xi măng khi gặp khó khăn ở thị trường nước ngoài, thì khả năng sống được ở thị trường nội địa lớn hơn, bởi người tiêu dùng trong nước mua xi măng không chỉ vì giá rẻ, mà vì thương hiệu. Tuy nhiên, cũng giống với doanh nghiệp thép, nhiều doanh nghiệp xi măng cũng không đưa ra chiến lược phát triển dài hạn, mà chỉ “đến đâu lo đến đó”, do phụ thuộc rất nhiều ở biến động thị trường.

Nguồn tin: ĐTCK

ĐỌC THÊM