Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp thép vẫn chưa thoát cảnh kinh doanh "ảm đạm"

 Hàng loạt doanh nghiệp ngành thép đồng loạt công bố, lợi nhuận trong quí 2/2019 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018, thậm chí thua lỗ. Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn của các doanh nghiệp ngành thép là áp lực cạnh tranh từ thị trường trong nước và cả xuất khẩu.

Nhiều ý kiến cho rằng, khó khăn của các doanh nghiệp ngành thép là áp lực cạnh tranh từ thị trường trong nước và cả xuất khẩu. (Ảnh minh họa)
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, mặc dù lũy kế 6 tháng đầu năm lượng thép các DN bán ra trên các thị trường vẫn tăng trưởng gần 10%, bình quân lượng thép xuất khẩu vẫn tăng trưởng 6% nhưng các sản phẩm thép có ưu thế của Việt Nam như: tôn mạ, ống thép, thép cán nguội đều giảm tương ứng 17,1%, 14,1% và 2,3%.

Điểm qua thị trường có thể thấy, kết thúc quý II, các DN lớn như: CTCP thép Việt Ý (VIS), CTCP thép Pomina (POM)… đã báo lỗ từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Cụ thể, mặc dù doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của VIS đạt trên 2.360 tỷ đồng, nhưng DN này vẫn lỗ 32,2 tỷ đồng, bằng với mức lỗ của cùng kỳ năm 2018. Phía POM mức lỗ trong quý II/2019 được báo cáo là 49 tỷ đồng, khiến tổng lỗ cộng dồn 6 tháng đầu năm đạt mức 133 tỷ đồng.

Các DN khác như: Hòa Phát, Nam Kim, Việt Đức, SMC, Dana, Tisco… dù may mắn không rơi vào tình trạng thua lỗ, nhưng kết quả kinh doanh hai quý đầu năm cũng sụt giảm nghiêm trọng. Đơn cử như SMC, sau khi mạnh tay mua 30 triệu cổ phiếu NKG của Nam Kim, mặc dù cơ cấu thị phần có sự thay đổi khiến doanh thu thuần tăng trưởng 8,7%; tuy nhiên, kết thúc nửa năm, DN này vẫn phải ngậm ngùi với mức lợi nhuận gộp sụt giảm 22%, trong khi chi phí giá vốn tăng tương ứng 10,5%.

Tương tự, báo cáo tài chính của Hòa Phát cho thấy, lợi nhuận (sau thuế) của tập đoàn này trong hai quý đầu năm đi lùi so với năm ngoái, chỉ còn trên 3.800 tỷ đồng (giảm 12,7%). Cả Tisco và Việt Đức cũng đều thừa nhận chi phí giá vốn tăng quá mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của các đơn vị chỉ còn tương ứng 38 và 28 tỷ đồng, giảm lần lượt 10,5% và 11,7% so với cùng kỳ.

Theo nhận định của các CTCK, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ngành thép sụt giảm suốt từ cuối năm 2018 đến nay chủ yếu do giá vốn tăng mạnh và các thị trường xuất khẩu chính biến động mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế, trong các tháng cuối năm, do ảnh hưởng từ việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế hơn 450% đối với thép Việt Nam có xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan (dự kiến sẽ thông báo vào tháng 9/2019) nên hoạt động xuất khẩu một số sản phẩm từ thép của các DN có thể sẽ biến động.

Hiện EU đang phải đối mặt với môi trường thương mại xấu đi trước việc Anh chuẩn bị rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) nên nhu cầu thép tại các nền kinh tế lớn của EU sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm 2019. Tại các thị trường nhập khẩu lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc nhu cầu tiêu thụ thép cũng được ghi nhận có sự giảm tốc.

Chính vì vậy, với mức giá vốn tăng cao và tỷ lệ nợ vay hầu hết ở mức khá lớn như hiện tại, trong quý III và IV/2019 dự kiến nhiều DN ngành thép sẽ vẫn còn khó khăn, trong đó không ít DN sẽ tiếp tục báo lỗ và chưa có dấu hiệu có thể sẽ phục hồi vào đầu năm 2020 hay không.

Nguồn tin: Congluan

ĐỌC THÊM