Tuyên bố sẽ chính thức thông báo áp đặt mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm của Tổng thống Trump khiến doanh nghiệp thép Việt lo ngại về một tác động rất xấu, thậm chí nguy cơ mất thị trường Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây công bố sẽ đưa quyết định cuối cùng ngày 11.4.2018 về việc áp dụng 1 trong 3 biện pháp hạn chế nhập khẩu thép vì mục đích an ninh quốc gia, vốn do Bộ Thương mại Mỹ đề xuất ngày 11.1.2018.
Cụ thể, thuế nhập khẩu với thuế suất tối thiểu 53% đối với 12 quốc gia trong đó có Việt Nam và áp dụng hạn ngạch tối thiểu 100% đối với các quốc gia khác; hoặc áp dụng hạn ngạch 63% đối với tất cả sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả quốc gia; hoặc thuế nhập khẩu toàn cầu với mức tối thiểu 24%.
Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá nếu Mỹ áp dụng biện pháp thuế suất tối thiểu 53%, thép Việt sẽ không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác dẫn đến nguy cơ bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi thị trường Mỹ.
"Đây chính là biện pháp phân biệt đối xử, đẩy Việt Nam vào tình huống khó khăn và nguy cơ bị triệt tiêu, mất thị trường là thấy rõ. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp trong nước đối mặt với nguy cơ phá sản, thua lỗ, khiến đời sống của hàng triệu lao động gặp khó khăn", hiệp hội này nhận định.
Với phương án hạn chế hạn ngạch 63% đối với tất cả sản phẩm thép nhập khẩu từ tất cả quốc gia, Hiệp hội Thép cho rằng lượng xuất khẩu sẽ có nguy cơ giảm cực mạnh vào khoảng 37%, tương đương 164 triệu USD doanh thu xuất khẩu năm 2017. Điều này sẽ có ảnh hưởng tới toàn ngành một cách nghiêm trọng về lâu dài. Còn với phương án áp dụng mức chung tối thiểu là 24% dù được VSA cho là ít tác động nhất nhưng vẫn gây thiệt hại rất lớn đối với doanh nghiệp Việt.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Rồng Việt đánh giá một thực tế là hiện nay các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn nhiều cách tiếp cận thị trường Mỹ, bởi mục tiêu của chính phủ nước này là chặn các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được gia công hoặc tạm nhập tại các nước khác để né thuế. Bằng việc sản xuất từ thượng nguồn hoặc sử dụng bán thành phẩm được sản xuất trong nước, các doanh nghiệp vẫn có thể chứng minh xuất xứ Việt Nam để bán hàng tại thị trường khắt khe như Mỹ, khối EU và Úc.
Dự kiến năm 2019, các lò cao mới của Formosa Hà Tĩnh và HPG đi vào hoạt động nâng tổng công suất HRC của thị trường nội địa lên khoảng gần 10 triệu tấn/năm. Rồng Việt cho rằng đây sẽ là nhân tố quan trọng để "hoá giải" các quy định khắt khe về xuất xứ được áp dụng không chỉ tại một số thị trường mà còn đóng vai trò then chốt trong nhiều hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia.
Còn theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, mặc dù sẽ gặp khó khăn sau quyết định áp thuế của Mỹ nhưng điểm tích cực đối với ngành thép của Việt Nam là từ năm nay trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam sẽ đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa) do có nhiều dự án mới đi vào hoạt động.
Động thái trên của Mỹ đã khiến các nhà sản xuất nhôm, thép lớn ở Trung Quốc, Canada phẫn nộ. Còn tại Việt Nam, những doanh nghiệp lớn xuất khẩu nhôm thép sang Mỹ cũng đã có những hành động lường trước tình hình. Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2018 tương đương với năm 2017 là 8.050 tỉ đồng, đồng thời thông qua phương án bán cổ phiếu quỹ nhằm bổ sung vốn hoạt động...
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo trong năm 2018, tăng trưởng sản xuất thép cuộn cán nóng và thép lá cuộn cán nguội sẽ đạt lần lượt 154% và 5%; tăng trưởng tôn mạ và sơn phủ màu đạt 12%.
Nguồn tin: Một thế giới