Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp tôn thép: Tìm cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ

Năm 2016, với chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu, ngành thép Việt Nam đã mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 15 - 20%. Trong đó, thị trường Hoa Kỳ được xem là cơ hội mới cho ngành tôn thép xuất khẩu.

Giữa bức tranh màu xám của ngành tôn thép thì vẫn có một số DN vẫn đạt doanh thu ổn định và tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng kế hoạch xuất khẩu. Theo báo cáo tài chính của ngành thép quý IV/2015, hai thương hiệu đầu ngành là Thép Hòa Phát và Tôn Hoa Sen đã chiếm tới 48,9% tổng doanh thu và cao hơn 30% so với tổng lợi nhuận của các DN thép niêm yết.

Kết thúc niên độ tài chính 2014 - 2015, Hoa Sen đã xuất khẩu 407 nghìn tấn sản phẩm, thu về 314 triệu USD. Trong khi đó, Thép Pomina cũng báo lãi 6,4 tỷ đồng.

Tại hội nghị tổng kết công tác 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016, ông Vũ Bá Ổn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, cho biết, năm 2015, sản xuất và tiêu thụ của hầu hết các mặt hàng thép đều tăng trưởng cao. Đây là năm thứ 2 Tổng công ty kinh doanh có lãi. Nhiều đơn vị cũng có lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2014 như Thép Việt Úc, Tôn Phương Nam, Công ty TNHH Cơ khí Việt Nhật...

Để mở đầu cho chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2016, tuần qua, Hoa Sen đã xuất khẩu lô hàng 20.000 tấn tôn thành phẩm đến Hoa Kỳ. Với thị trường Hoa Kỳ, các sản phẩm của Tập đoàn Hoa Sen đã có mặt từ năm 2014 và đến tháng 9/2015, xuất khẩu của Tập đoàn Hoa Sen đến đất nước này đã tăng tốc.

Tuy nhiên, lô hàng có trị giá khoảng 10 triệu USD là lô hàng tôn thành phẩm lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam xuất khẩu đến thị trường Hoa Kỳ. "Sự kiện này là bước đột phá trong xuất nhập khẩu của tập đoàn này nói riêng và ngành thép nói chung", ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, khẳng định.

Ông Lê Phước Vũ cho biết: "Hoa Kỳ là một thị trường khó tính, đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về chất lượng, thời gian giao hàng. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu các loại thép ra thị trường nước ngoài liên tục gặp những trở lực lớn từ các rào cản thương mại.

Nếu không đáp ứng được kỹ thuật, đặc biệt là các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thì sẽ khó đứng vững tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đây là thị trường có nhiều cơ hội với các DN có đầu tư công nghệ, sản phẩm nên Hoa Kỳ chính là thị trường chủ lực mà Tập đoàn Hoa Sen nhắm đến và tập trung phát triển, bắt đầu từ năm 2016".

Tương tự, sau nhiều năm xuất khẩu, năm 2016, Tôn Đông Á cũng đặt ra kế hoạch xuất khẩu tôn lạnh cao cấp vào thị trường Mỹ với sản lượng 5.000 tấn mỗi tháng. Ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng giám đốc Công ty CP Tôn Đông Á, cho rằng, xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là cơ hội cho các DN Việt Nam trước sức ép cạnh tranh phá giá của tôn thép Trung Quốc.

Bởi nhiều năm qua, các DN tôn thép đã nỗ lực tìm thị trường ở các nước trong khu vực nhưng vấp phải sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc và mức thuế phòng vệ cao nên khá chật vật.

Đại diện Công ty Tôn Phương Nam cho biết: "Tôn lạnh và tôn phủ màu của Phương Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó nhiều nhất là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, nhưng nay đã tập trung xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu hơn 3,49 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm các loại, giảm gần 4% so với năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,469 tỷUSD, giảm 14% so với năm 2014. ASEAN vẫn là thị trường chiếm hơn 75% trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam.

Lý do là Indonesia bắt đầu áp thuế tự vệ đối với tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam lên tới 150% so với giá bán trong năm đầu tiên (khoảng 430 USD/tấn) và còn khoảng 139% trong năm thứ ba (tương ứng 312 USD/tấn).

Trong khi giá xuất khẩu bình quân chỉ 600 - 700 USD/tấn, cộng thêm mức thuế tự vệ nói trên, thép Việt Nam sang Indonesia có giá hơn 1.000 USD/tấn, quá cao so với hàng của Trung Quốc và các nước nên gần như không thể cạnh tranh được với hàng Trung Quốc và các nước khác".

Theo ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA, sở dĩ các DN tôn thép đang nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng lớn xuất khẩu sang Mỹ vì Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn lại bị áp thuế chống bán phá giá cao thì rất có khả năng các đơn hàng sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc vào các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, DN tôn mạ Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh.

Ông Lê Phước Vũ cũng khẳng đinh: "Cơ hội thị trường Hoa Kỳ đang mở ra và khi mở rộng ra thị trường quốc tế, chắc chắn sẽ phải gặp nhiều khó khăn và đối mặt với các rào cản thương mại, vấn đề là các DN Việt Nam có đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe khi vào thị trường này hay không.

Để chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu lớn sang Mỹ, nhiều năm qua, Hoa Sen đã bỏ ra rất nhiều chi phí để đầu tư công nghệ và chuỗi lợi thế cạnh tranh cốt lõi để sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng bộ tiêu chuẩn BS EN của châu Âu, bộ tiêu chuẩn JIS của Nhật và bộ tiêu chuẩn ASTM của Hoa Kỳ...

Nguồn tin: Doanh nhân

ĐỌC THÊM