| ||
Vốn chủ yếu “đổ” vào DN lớn
Theo thống kê từ bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam: Lãi suất cho vay tuy đã giảm dần, hiện dao động ở mức từ 17 - 20%/năm, nhưng doanh nghiệp (DN) nhất là DN vừa và nhỏ (DNNVV) vẫn khó tiếp cận được vốn vay do lãi suất cho vay cao hơn khả năng sinh lời của hoạt động sản xuất - kinh doanh. “Trong điều kiện lạm phát, vốn ngân hàng chủ yếu tập trung vào các DN lớn, DN truyền thống của ngân hàng, nên những khách hàng mới khó tiếp cận được vốn vì độ rủi ro cao”, bà Hương nhấn mạnh. Thị trường tiền tệ vừa chứng kiến những cuộc “chạy đua” giảm lãi suất cho vay, với mức thấp nhất 17,5% - 18%/năm. Trong phương án giải ngân của một số ngân hàng có mức hạ lãi suất cho vay thấp hiện nay, đối tượng hướng đến có một phần là DNNVV, nhưng trên thực tế, không phải đối tượng vay vốn nào cũng được hưởng lợi từ mức lãi suất này. Ông Lý Đình Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết: “Lạm phát làm cho lãi suất ngân hàng tăng cao, nhưng khả năng vay vốn ngân hàng của các DNNVV vốn đã rất hạn chế lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Nhiều DNNVV rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan; đã đầu tư rồi, dừng lại cũng không được mà đi tiếp cũng không được. Nhiều DN mò mẫm đi tìm vốn, chấp nhận lãi suất cho vay cao và thậm chí trả thêm chi phí dịch vụ cao, miễn có được vốn là vì thế”. Một thống kê gần đây nhất của Hiệp hội Ngân hàng, với mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay, chênh lệch lãi suất đầu ra và đầu vào của ngân hàng khoảng từ 0,1 - 0,15%, trong lúc đó, chi phí các loại chiếm khoảng 0,29%. Thậm chí có ngân hàng hạ mức lãi suất cho vay xuống 18%/năm, nhưng mức cao nhất của lãi suất cho vay vẫn duy trì trên 18,2%/năm. Đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho hay: Tỷ lệ nợ xấu cuối năm có xu hướng tăng nhanh do tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, khả năng trả nợ của DN khách hàng sa sút; đặc biệt do chi phí vốn tăng và khả năng tiêu thụ hàng hóa chậm lại, thậm chí nhiều DNNVV phải dừng sản xuất. “Nợ xấu tại các NHTM có nguy cơ tăng nhanh trong những tháng cuối năm. Nếu môi trường kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn và thiếu các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước, các DNNVV sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản; do đó, gánh nặng nợ xấu sẽ gia tăng mạnh trên vai các NHTM”, vị đại diện này nói. 20% DN có nguy cơ phá sản
Theo số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 349.309 DN có đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký lên đến 1.389.000 tỷ đồng (tương đương 84,1 tỷ USD). Trong số này, hơn 95% là các DNNVV. TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho biết: Trong tổng số DN, các DN khó khăn trung bình khoảng 70%, khó khăn nhất chiếm khoảng 20%. Nếu không được tiếp cận vốn và tình hình xấu đi, sẽ có khoảng 20% tổng số DN bị phá sản hoặc đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, đây lại là nhóm DN có quy mô khá, đã có giai đoạn tăng trưởng nhanh, đã có dự án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh sử dụng vốn vay ngân hàng. “Gần 1/2 của 20%, tức 10% đã ngừng hoạt động hoặc họ có thể chuyển hướng, hoặc tương lai họ sẽ bị phá sản. 10% còn lại bị tác động lạm phát, nếu chính sách tốt lên họ sẽ cải thiện tình hình tốt hơn. Còn 10% ngừng hoạt động đã khó khăn từ trước rồi, nay lạm phát họ lại khó khăn thêm, mình có muốn cứu nữa cũng không được nên phải chấp nhận”, TS. Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh. Đến thời điểm hiện tại, các khó khăn kinh tế trong nước đang dần được khắc phục, gói giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã và đang phát huy tích cực. Tuy nhiên, những biến động của thị trường tài chính Mỹ đang có nhiều xu thế bất lợi cho kinh tế thế giới và phần nào ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam. Đứng về phía ngân hàng, đại diện BIDV cho rằng: Trong trường hợp CPI tháng 10 được kiềm chế thấp hơn 0,8%, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất cơ bản 1% để giảm bớt khó khăn cho DN, cải thiện khả năng thanh khoản của hệ thống NHTM. “Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu thành lập một tổ chức (có quỹ tiền mặt khoảng 10 tỷ USD) để chuẩn bị cho quá trình mua bán sáp nhập và xử lý nhanh các khó khăn của các NHTM, tránh đổ vỡ hệ thống”, vị đại diện này đề xuất. Xét về khối DN, để tránh nguy cơ phá sản, theo TS. Cao Sỹ Kiêm, vốn tự có của các DN trước hết phải tăng lên, thứ hai là chi phí phải giảm xuống và đặc biệt, lãi suất cho vay phải giảm ngang bằng với số mà DN có thể tạo ra lợi nhuận là 15%. Tại diễn đàn “DN, ngân hàng, chứng khoán cùng tháo gỡ khó khăn trong thời kỳ lạm phát” vừa diễn ra tại Hà Nội, TS. Cao Sỹ Kiêm kêu gọi: “Tất cả DN, ngân hàng, chứng khoán phải tập trung chống lạm phát để hạ tốc độ tăng CPI xuống, tạo điều kiện hạ lãi suất, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn”. |
(Dân trí)