Trong khi ngành dệt may, thủy sản vui mừng, thì các doanh nghiệp vật liệu xây dựng lại tỏ ra lo lắng trước các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các đối tác lần lượt được ký kết.
Ngành thép được đánh giá là có nguy cơ “chết trên sân nhà” cao nhất khi các FTA được thực thi. Ông Đỗ Duy Thái, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, mối lo lớn nhất của doanh nghiệp thép Việt Nam hiện nay vẫn là thép Trung Quốc. Việc các doanh nghiệp thép Trung Quốc lách luật bằng cách thêm một chút chất Bo vào để hưởng quy chế thuế suất 0%, cùng việc đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn từ 25 - 30% giá trị thật đã khiến sức cạnh tranh về giá của thép Trung Quốc hơn hẳn thép sản xuất trong nước.
Ngoài ra, với việc FTA Việt Nam - Liên minh Á-Âu vừa được ký kết, một đối thủ nặng ký nữa của thép Việt Nam cũng xuất hiện là thép Nga. Để đối phó với những khó khăn này, các doanh nghiệp thép chưa có giải pháp nào khả dĩ hơn là mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu cũng đang đối mặt với những thách thức.
Đơn cử như Tôn Hoa Sen - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của ngành thép Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt hơn 280 triệu USD, hàng hóa hiện diện ở 52 thị trường cũng đang đối mặt với vụ kiện tại Úc, bị áp dụng phòng vệ thương mại ở thị trường Indonesia và mới đây bị Malaysia áp dụng thuế chống bán phá giá.
Thực tế, dù ký kết FTA hay các hiệp định thương mại khác, nhưng các nước luôn dùng các hàng rào để bảo hộ hàng hóa trong nước. Chẳng hạn như Mỹ đánh đến 50 - 60% với thép Trung Quốc, nên thép Trung Quốc không dễ để vào thị trường Mỹ. Hay như trường hợp Tôn Hoa Sen bị áp dụng phòng vệ thương mại ở thị trường Indonesia và bị áp dụng thuế chống bán phá giá tại Malaysia. Theo đại diện của Hoa Sen, doanh nghiệp biết trước được các tình huống này, nên đã tìm cách “sống chung với lũ”, chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra.
Do đó, doanh nghiệp ngành thép trong nước hy vọng Việt Nam cũng sẽ biết sử dụng các công cụ để bảo vệ doanh nghiệp trong nước như các nước khác đã thực hiện.
Ngành xi măng được nhìn nhận là “bình yên” hơn ngành thép, nhưng cũng không phải không có những mối lo. Cái bắt tay giữa Holcim và Lafarge - 2 nhà sản xuất xi măng lớn nhất thế giới trước đó khiến các nhà sản xuất xi măng Việt Nam cảm thấy âu lo và lo lắng này đã tăng lên khi nhà máy của Holcim hiện diện tại Việt Nam, Thái Lan, Indonesia. Không chỉ dừng lại ở mối lo đó, việc mua lại Xi măng Thăng Long của Semen Gresik (Indonesia) cũng đẩy các doanh nghiệp sản xuất xi măng Việt Nam vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.
Nhiều năm qua, Indonesia là thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp xi măng Việt Nam, nhưng sang năm 2015, việc xuất khẩu vào thị trường này sẽ khó khăn hơn khi Indonesia đã chủ động được nguồn cung trong nước.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một đối thủ đáng gờm với doanh nghiệp xi măng Việt Nam khi chất lượng clinker của nước này tương đối tốt, phí vận chuyển từ cảng Thái Lan đến TP. HCM thậm chí còn rẻ hơn vận chuyển từ Bắc vào Nam.
Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, về thiết bị và công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam không ngại, nhưng về quản trị, cơ chế còn nhiều hạn chế, cần phải khắc phục để nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm lên một bước nữa.
Hiện xi măng sản xuất trong nước theo tiêu chuẩn của Liên Xô trước đây, rồi theo tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng khi tham gia FTA phải theo tiêu chuẩn chung của quốc tế. Các nhãn hàng xi măng khác cũng đăng ký theo tiêu chuẩn quốc tế, nên nếu doanh nghiệp trong nước không nâng chuẩn, về lâu dài sẽ mất đi cơ hội vào các công trình lớn.
Không chỉ đối mặt với nỗi lo xi măng nhập khẩu khi các FTA được thực thi, ngành xi măng trong nước còn đối mặt với nguy cơ dư cung khi dự kiến có thêm khoảng 10 triệu tấn sản phẩm sẽ ra nhập thị trường trong vài năm tới. Lượng cung này đến từ Xi măng Sông Lam 1 công suất 6,5 triệu tấn/năm, Xi măng Xuân Thành 4,5 triệu tấn/năm, Xi măng Thành Thắng 2,3 triệu tấn/năm. Trong bối cảnh thị trường xi măng chưa qua khó khăn và còn phụ thuộc lớn vào sự hồi phục của ngành bất động sản, thì đây quả là con số không nhỏ.
Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp chủ động để đón nhận những cơ hội, như Xi măng Cẩm Phả. Theo đó, Xi măng Cẩm Phả đã sản xuất thành công xi măng theo tiêu chuẩn 52.5N của châu Âu để phục vụ cho các dự án trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Công ty cũng tung ra thị trường 2 sản phẩm xi măng chịu mặn và xi măng bền sunfat để phục vụ công trình ven biển và xử lý nền đất yếu.
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán