Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp Việt 'có sức sống tốt'

Trong thời điểm khó khăn, mỗi doanh nghiệp có cách riêng để đối phó, trong đó phần lớn hạ kế hoạch tăng trưởng của năm, chấp nhận doanh thu và lợi nhuận thấp hơn mục tiêu ban đầu.

 

Sắp đến hạn trả tiền hàng cho đối tác nước ngoài nhưng khi gõ cửa ngân hàng, giám đốc Tuyết được báo giá đôla cao ngất. Sau khi thu thập thông tin và tính cả khả năng bị phạt do không giao tiền đúng hạn, nữ doanh nhân này quyết định “cãi lý” với nhà băng, và đã cãi thắng.

 

Với bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Giám đốc điều hành Công ty CP Dự án công nghệ Nhật Hải, thời điểm tỷ giá biến động mạnh tháng 5-6 vừa qua cũng là lúc nữ doanh nhân này cũng có thêm kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng.

 

Nếu chấp nhận tỷ giá do ngân hàng thông báo, công ty lỗ vài trăm triệu đồng. Sau khi huy động nhân viên công ty tìm hiểu các quy định của Ngân hàng Nhà nước về biên độ tỷ giá và tình hình thị trường, bà Tuyết thấy rằng, có cơ sở để “cãi” với nhà băng khi biên độ tỷ giá được quy định 1% vào thời điểm đó.

 

Mặt khác, nếu chậm trả tiền hàng và nộp phạt cho đối tác nước ngoài, thiệt hại còn thấp hơn so với chấp nhận tỷ giá cao. “Tôi liên lạc lại ngay với ngân hàng, nói rõ nếu họ vẫn ép, thì sẽ ngừng hợp tác và thông báo rộng rãi việc họ vi phạm quy định về biên độ tỷ giá. Thêm nữa, tôi phân tích thiệt hơn với họ rằng mình là khách hàng quen, thường giao dịch lớn”, bà Tuyết chia sẻ. Cuối cùng, ngân hàng nọ chấp nhận giảm giá đôla.

 

Trao đổi với PV bên lề sự kiện Sao vàng đất Việt, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nói chưa bao giờ họ trải qua thời điểm nhiều khó khăn như 8 tháng đầu năm vừa qua. Ngay sau nghỉ Tết, nhân sự tại các công ty dịch chuyển, khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ khủng hoảng nhân sự. Chưa hết, giá cả đầu vào và lãi suất ngân hàng đều tăng mạnh, trong khi tỷ giá ngoại tệ biến động.

 

Trong thời điểm khó khăn, mỗi doanh nghiệp có cách riêng để đối phó, trong đó phần lớn hạ kế hoạch tăng trưởng của năm, chấp nhận doanh thu và lợi nhuận thấp hơn mục tiêu ban đầu. Công ty Thương mại Việt Long giảm 1/3 chỉ tiêu doanh thu cả năm, từ 500 tỷ đồng xuống 350 tỷ. Các chi phí cho cũng được giảm đến mức có thể. Ông Phí Đức Lực, Giám đốc Việt Long cho hay, những nhân sự không thực sự cần thiết thì buộc phải cắt giảm. Riêng với mặt bằng bán hàng hay đèn chiếu sáng, do là kinh doanh hàng điện tử, nên ông cũng không thể giảm.

 

Ông Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty Robot, lại đặt mục tiêu giữ vững thị phần và chú trọng vào các mặt hàng thế mạnh. “Các chiến lược phát triển dành để thời điểm thuận lợi hơn sẽ triển khai, lúc này không giữ vững được thị phần, thì sau sẽ khó lấy lại”, ông Nam nói. Mặt khác, vị giám đốc này chú trọng giữ cho nguồn nhân lực của công ty không bị xáo trộn, nhất là những nhân viên đã gắn bó lâu năm với công ty.

 

Ông giám đốc cho biết, trước tình hình giá cả tăng cao, doanh nghiệp chủ động hỗ trợ nhân viên trước, để tránh việc họ bị xáo động, dù lợi nhuận của công ty sẽ bị ảnh hưởng. “Việc hỗ trợ thêm cho nhân viên khi giá cả đắt đỏ trước sau gì mình cũng làm, cho nên chủ động thực hiện trước thì người ta sẽ yên tâm làm việc”, ông Nam nói.

 

Trong khi đó, công ty của bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết duy trì các chế độ cho nhân viên trong phạm vi có thể. “Trong lúc có khó khăn, các hoạt động tập thể của cơ quan giúp nhân viên gắn bó với nhau và với công ty hơn. Chế độ nghỉ mát cũng cần được đảm bảo, doanh nghiệp chúng tôi chấp nhận lợi nhuận thấp hơn”, vị nữ doanh nhân này cho hay.

 

Vẫn biết phải cắt giảm chi phí, song với nhiều doanh nghiệp, có những khoản đầu tư cần thiết không thể cắt bỏ. Theo ông Nguyễn Phương Nam, chi phí cho quảng bá thương hiệu nhằm tạo ấn tượng với khách hàng vẫn phải làm thường xuyên. “Dù khó khăn vẫn phải duy trì đầu tư thương hiệu để khách hàng nhớ đến mình, chứ không phải vì làm ăn khó mà cắt giảm tất cả”, ông cho hay. Tổng giám đốc Robot quan niệm, đầu tư cho thương hiệu cũng là một cách duy trì ổn định thị phần.

 

Giám đốc Việt Long - ông Phí Đức Lực thì cho áp dụng hệ thống phần mềm quản trị mới, giúp thay thế phần nào sức lực của nhân viên trong các bộ phận. Ông Lực cho rằng những cải tiến này trước sau cũng cần đến, nên không cần đợi đến lúc hết khó khăn mới áp dụng. Mặt khác, sử dụng hệ thống quản trị chất lượng hơn cũng giúp tăng năng suất.

 

Theo ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), doanh nghiệp Việt Nam có sức sống tốt. “Trong 8 tháng qua, nhiều doanh nghiệp đã chứng minh là họ có sức bật khi bị dồn vào chân tường”, vị chuyên gia từng kinh qua vị trí tại các tổ chức kinh tế quốc tế và làm quản lý tại Ngân hàng Nhà nước nhận xét.

 

Mặt khác, theo ông, diễn biến của thị trường thế giới trở nên phức tạp, khó dự báo đã làm cho các doanh nghiệp trở nên bị động và dễ bị tổn thương. Nếu như trước kia các thay đổi trên thị trường quốc tế diễn ra theo chu kỳ, hay ít nhất là có thời gian ngắt quãng, thì ngày nay biến đổi nhanh chóng và liên tục. Vì thế từ chiến lược, sách lược phát triển, cơ cấu tổ chức đến hoạt động của doanh nghiệp phải có sự linh hoạt hơn để thích ứng.

 

Cùng quan điểm như ông Kiều Hữu Dũng, khi trao đổi với với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Công Thương - ông Nguyễn Cẩm Tú, cho rằng, trong thời điểm hiện nay, doanh nghiệp nào có khả năng thích ứng thì mới tồn tại được. “Nếu không kịp thích ứng, doanh nghiệp cuối cùng sẽ thành viên gạch lót đường cho các doanh nghiệp khác”, ông Nguyễn Cẩm Tú chia sẻ.

 

Để dẫn chứng, ông Nguyễn Cẩm Tú cho hay vài ngày trước đã phải ký sáp nhập chính doanh nghiệp nơi ông đã khởi nghiệp vào Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Từng là một doanh nghiệp danh tiếng, nhưng khi sáp nhập, nó chỉ được là đơn vị thành viên của một công ty con trực thuộc PVN. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, nếu các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt hơn, thì sẽ còn bị ảnh hưởng rất nhiều, do Việt Nam còn hội nhập sâu hơn.

 

Theo ông Kiều Hữu Dũng, ở thời điểm hiện nay, từng doanh nghiệp cần linh hoạt thích ứng, đổi mới và nâng khả năng quản trị rủi ro. "Các công ty không thể đầu tư dàn trải, mà chỉ tập trung vào ngành kinh doanh chính và các thế mạnh của mình. Doanh nghiệp lớn cũng cần có cơ quan nghiên cứu của riêng, để xem xét kinh tế vĩ mô và quốc tế nhằm nhìn nhận tốt hơn về diễn biến của môi trường kinh doanh", ông Dũng nói.

 

Vị chuyên gia này dự đoán, kinh tế vĩ mô sẽ ổn định trở lại trong năm 2009, song tăng trưởng GDP trong 2 quý sau của năm nay và cả năm 2009 sẽ giảm sút. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn, có phát triển được hay không còn phụ thuộc vào ngành ngân hàng.

                                                                                                                                                                                              VnExpress

ĐỌC THÊM