Đã 9 năm từ khi Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có hiệu lực, đến nay Việt Nam mới bắt đầu khởi kiện vụ việc chống bán phá giá đầu tiên. Trong khi đó, Việt Nam đã bị các quốc gia khác khởi kiện tới 70 vụ.
Ngành thép mở màn khởi kiện chống phá giá tại Việt Nam |
Vụ kiện đầu tiên
Ngày 2/7, Bộ Công thương đã ra quyết định khởi xướng điều tra vụ Công ty TNHH POSCO VST và Công ty Cổ phần Inox Hòa Bình yêu cầu điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội được nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia. Giai đoạn điều tra là từ 1/4/2012 - 31/3/2013 và kết luận điều tra sẽ công bố trong vòng 12 tháng kể từ ngày Bộ Công thương quyết định điều tra.
Ông Lê Sỹ Giảng, Phó trưởng ban Phòng vệ thương mại, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: Theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, áp dụng từ ngày 1/1/2013, hầu hết các loại thép không gỉ có thuế nhập khẩu 0%, chỉ có loại thép không gỉ mặt cắt ngang hình tròn (mã HS 7222.30.10) có thuế nhập khẩu 10%. Theo Công ty Posco VST - nhà máy thép không gỉ cán nguội lớn nhất Việt Nam, mức thuế nhập khẩu này là thấp và giá những sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập về Việt Nam cũng thấp, nên Posco VST lỗ triền miên vì đơn đặt hàng giảm và vì phải duy trì giá bán ở mức thấp để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Như vậy, sau khi Pháp lệnh chống bán phá giá có hiệu lực (từ ngày 1/10/2004), đến nay Việt Nam mới khởi kiện một vụ việc. Trước đó, năm 2009, Công ty Kính nổi Viglacera (VIFG) và Công ty Kính nổi Việt Nam (VFG) đã nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng kính nổi nhập về Việt Nam nhưng không thành công. Năm 2012, từ đề xuất của Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam, Bộ Công thương đã điều tra và quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời bằng cách áp dụng mức thuế nhập khẩu 5% đối với một số mã dầu thực vật tinh luyện nhập khẩu vào Việt Nam trong thời hạn không vượt quá 200 ngày.
Công cụ hữu hiệu bị bỏ quên
Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là quyền hợp pháp của doanh nghiệp. Dù thành công hay không, khởi kiện và điều tra hành vi bán phá giá là việc làm cần thiết để qua đó chúng ta sẽ có kinh nghiệm trong những vụ việc tiếp theo. Khả năng thành công của một vụ kiện phòng vệ thương mại phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn chuẩn bị hồ sơ”. Luật sư Nguyễn Văn Hải, Công ty Luật Mayer Brown JSM |
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại quốc tế, trong tình trạng kinh tế nội địa ngày càng khó khăn, để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với hàng nhập khẩu và hàng trong nước, thì phòng vệ thương mại (chống bán phá giá và các biện pháp tự vệ) là công cụ hiện đại, phù hợp nhất khi Việt Nam đang trên đà gia nhập WTO, các công cụ truyền thống như: Thuế quan, giấy phép xuất nhập khẩu... sẽ dần bị dỡ bỏ. Thống kê của WTO cho thấy, từ năm 1995-2012, trung bình mỗi năm, có hơn 200 vụ kiện chống bán phá giá được các quốc gia thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong nước. Ngay các quốc gia láng giềng của Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia cũng thực hiện từ 5 - 35 vụ kiện chống bán phá giá mỗi năm.
Theo ông Lê Sỹ Giảng, dấu hiệu cho thấy hàng nhập khẩu bán phá giá tại thị trường Việt Nam là giá của hàng nhập khẩu giảm mạnh, trong khi lượng hàng nhập khẩu lại tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Khi xây dựng hồ sơ khởi kiện chống bán phá giá, doanh nghiệp phải xác định rõ hành vi bán phá giá và mức độ thiệt hại của doanh nghiệp trong nước, và phải có 25 - 50% doanh nghiệp của n`gành sản xuất bị ảnh hưởng đóng vai trò nguyên đơn. Các doanh nghiệp phải thu thập đầy đủ những dữ liệu chứng minh sản phẩm bị điều tra đang được bán theo giá thấp hơn giá bán tại thị trường xuất khẩu và thấp hơn một sản phẩm tương tự tại nước thứ ba. “Nguồn nhân lực, tài chính; thời gian theo đuổi vụ kiện; tính hiệu quả so với công sức, thời gian, tiền bạc đã bỏ ra là những việc doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi khởi kiện” - ông Lê Sỹ Giảng khuyến cáo.
Nguồn tin: GTVT