Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay (13/10) diễn ra trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều "sóng gió" khi tình hình lạm phát trong nước tăng cao, kinh tế thế giới biến động dữ dội. Doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển là mong mỏi, cũng là trách nhiệm nặng nề đặt lên vai các doanh nhân.
Trao đổi với chúng tôi bên lề hội nghị Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc 2008 (12/10), Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết: Có lẽ chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lại phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Chúng ta vừa ra "biển lớn" đã gặp ngay "sóng dữ". Nhưng chỉ có "lửa mới thử được vàng", doanh nghiệp Việt Nam đãvà đang chứng minh được điều ấy.
Trong điều kiện khó khăn về vốn, nhiều doanh nghiệp đã tích cực tiếp cận một số nguồn vốn vay khác; đa dạng thị trường xuất khẩu để đa dạng hóa ngoại tệ thanh toán, giảm áp lực rủi ro về tỷ giá, cân nhắc thanh toán hàng xuất nhập khẩu, cũng như vay vốn bằng một số ngoại tệ mạnh khác, như euro, yên Nhật... Ngoài ra, việc sử dụng các công cụ chống rủi ro, như bảo hiểm xuất khẩu, thương lượng với đối tác để điều chỉnh tăng giá bán đối với các hợp đồng đã ký và hợp đồng mới, tìmnguồn cung cấp mới, nguyên liệu thay thế rẻ hơn... cũng đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng.
Đặc biệt, đã có một số doanh nghiệp chấp nhận chia sẻ khó khăn bằng cách giảm lợi nhuận để giữ chân khách hàng. Có doanh nghiệp còn hoạch định khá bài bản các chiến lược và biện pháp mở rộng đầu tư, mở rộng thị trường nhằm đón đầu giai đoạn sau lạm phát. Nhiều doanh nghiệp tập trung cắt giảm chi phí kinh doanh tối đa nhưng không áp dụng biện pháp giảm lương và thu nhập của người lao động, củng cố nguồn nhân lực, gia cường các quan hệ chiến lược; tiến hành rà soát lại các khoản đầu tư, tập trung vào lĩnh vực đầu tư trọng yếu. Nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam rất mạnh mẽ mà chỉ trong hoàn cảnh khó khăn nhất mới bộc lộ rõ.
Chúng ta đã từng đương đầu với khó khăn khi thị trường các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, từng trụ vững và vượt qua khó khăn khi nền kinh tế hội nhập AFTA, khi kí kết hiệp định thương mại Việt - Mỹ… Vì thế tôi tin là họ sẽ tiếp tục đứng vững trong cơn "sóng gió" lần này.
- Song bên cạnh những doanh nghiệp "khoẻ" vẫn có rất nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì lạm phát, thậm chí là phá sản?
Đúng vậy. Doanh nghiệp đang "yếu" đi một phần vì lạm phát trong nước, vì khó khăn của kinh tế thế giới, nhưng một phần là vì năng lực quản trị còn quá kém, cách khá xa với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Phần lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của chúng ta còn chưa qua các khóa đào tạo về quản trị kinh doanh. Ngay cả số các chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học trở lên thì cũng rất ít người được đào tạo kiến thức về quản trị doanh nghiệp một cách bài bản. Việc điều hành doanh nghiệp của nhiều doanh nhân chủ yếu là dựa trên kinh nghiệm.
- Trình độ của doanh nghiệp, doanh nhân thấp như vậy, phải chăng mục tiêu có nửa triệu doanh nghiệp làm ăn hiệu quả vào năm 2010 là xa vời?
Mục tiêu đã đặt ra thì phải nỗ lực thực hiện, hoài nghi có nghĩa là ta đã chấp nhận thất bại. Nhằm nâng cao trình độ quản trị cho doanh nghiệp, VCCI phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế đã xây dựng được một số chương trình chuẩn có thể phổ cập trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chương trình này đã triển khai tại 40 tỉnh, thành phố và bước đầu có kết quả nhưng rất cần có thêm nguồn lực để triển khai đáp ứng mục tiêu nước ta có 500.000 doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2010.
Theo hướng trên, chúng ta cần phải có chương trình quốc gia trợ giúp đào tạo đội ngũ doanh nhân (bao gồm đào tạo phổ cập cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và chương trình đào tạo quản trị cao cấp). VCCI đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho VCCI chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các hiệp hội doanh nghiệp xây dựng đề án trình Chính phủ quyết định.
- Xin cảm ơn ông!
KTĐT