Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh nghiệp Việt sau một năm hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Cần chủ động tìm kiếm thông tin và sẵn sàng nắm bắt cơ hội

 Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế giữa các nước ASEAN. AEC được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, qua một năm, những kết quả đầu tiên vẫn chưa được như kỳ vọng.

Tại Hội thảo “Việt Nam và Cộng đồng kinh tế ASEAN – nhìn lại chặng đường 1 năm thực hiện AEC”, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập VCCI cho biết, đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm “Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC” còn rất mới mẻ. Dù vậy, trên thực tế, nhiều nội dung của AEC đã được triển khai thực hiện từ rất lâu ở Việt Nam thông qua các Hiệp định ASEAN về Hàng hoá, Dịch vụ, Đầu tư, Lao động…

Theo một điều tra mới thực hiện hồi tháng 4/2016 của VCCI có tới 94% các doanh nghiệp biết đến AEC nhưng chỉ chưa đầy 17% biết rõ về các cam kết trong AEC. Số doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội từ AEC thời gian qua còn thấp hơn nữa.

“Thiếu thông tin chính xác và toàn diện về AEC là một trong những rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp Việt Nam không tận dụng được các cam kết này”, bà Trang nhận định.


Trong năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đang giảm sút, tỉ lệ xuất khẩu
hàng hóa của Việt Nam sang các nước ASEAN cũng giảm so với năm 2015. (Ảnh minh hoạ)

Điều này lý giải vì sao 10 tháng năm 2016, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2015 (cụ thể, xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng 15%, EU tăng 7,4%, Trung Quốc tăng 23,9%, Hàn Quốc tăng 29,1%, Nhật Bản tăng 3,4%), tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường ASEAN lại giảm 7,6% và chỉ đạt tăng trưởng dương ở 3/9 nước thành viên (theo số liệu của Tổng cục Thống kê).

Ông Hoàng Văn Phương – Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, đà xuất khẩu của Việt Nam sang các nước ASEAN đang có xu hướng giảm dần và chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong đó các mặt hàng như xuất khẩu dầu thô, sắt thép… giảm mạnh nhất.

Đánh giá về nguyên nhân của thực trạng này, ông Phương cho rằng do tính tương đồng trong cơ cấu hàng xuất khẩu và những rào cản phi thương mại đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn tại thị trường này. Bên cạnh đó, nếu so với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan hay Singapore, nhiều sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa cạnh tranh được về giá, đa dạng chủng loại.

“Thách thức lớn nhất trong AEC đối với Việt Nam hiện tại là sức ép cạnh tranh từ hàng hoá của các nước ASEAN: với cơ cấu sản phẩm tương đối giống nhau ở cả 10 nước, việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có sức cạnh tranh yếu ở các ngành vốn được bảo hộ cao từ trước đến nay”, ông Phương nhấn mạnh.

Có thể nói, với hàng loạt những cơ hội từ AEC đã được mở ra như tạo ra một khu vực thị trường chung rộng lớn với gần 100% hàng hoá được tự do lưu chuyển trong nội khối; cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt từ các nước đối tác FTA của ASEAN vào Việt Nam để tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, đã đến lúc doanh nghiệp Việt cần phải chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và sẵn sàng nắm bắt cơ hội nếu muốn dành được lợi ích.

“Điều quan trọng là tuy bình lặng nhưng AEC vẫn là động lực để Việt Nam tiếp tục đổi mới, thích ứng và đi lên”, Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI- nhận định.

Nguồn tin: Công luận

ĐỌC THÊM