Cuộc khủng hoảng kinh tế, hóa ra không chỉ có những tổn thất, mà còn mang đến một giá trị vô hình rất lớn cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Cái “được” vô hình này lớn không kém gì so với những cái “mất” hết sức hữu hình mà mọi người đều đã nhận ra.
Đó chính là sự nhận thức mang tính “tỉnh ngộ” của nhiều doanh nghiệp Việt, rằng: một kỷ nguyên mới trong kinh doanh đã bắt đầu, kỷ nguyên đòi hỏi phải có những con người mới, với khát vọng mới, năng lực mới và văn hóa mới. Những con người đó, có thể được gọi là “thế hệ doanh nhân 3.0”.
Từ cuộc khủng hoảng năng lực kinh doanh
Trên khắp thế giới, không ai còn xa lạ trước những thống kê về số lao động mất việc, số hợp đồng bị hủy, số công ty đóng cửa… Khi mà ngay cả những người khổng lồ ở phố Wall cũng phải gục ngã, thì việc hiệu ứng toàn cầu đánh tan cái “chủ nghĩa kinh nghiệm” vốn rất phổ biến trong suốt chặng đường kinh doanh của người Việt cũng không mấy bất ngờ.
Tạp chí dành cho doanh nhân toàn cầu Forbes vừa đăng tải một bài viết về năng lực của nhà lãnh đạo doanh nghiệp thời nay với những trích đoạn đáng suy ngẫm: “Tất cả chúng ta đều xây dựng sự nghiệp của mình trong giai đoạn mà tăng trưởng đã diễn ra khắp mọi nơi. Bản năng, kỹ năng và kinh nghiệm của chúng ta được mài giũa trong bối cảnh mà tăng trưởng toàn cầu được xem như là chuyện đương nhiên vậy. Nhưng giờ đây, tất cả những thứ đó giúp ích gì được cho chúng ta trong thời đại của sụp đổ tài chính, suy thoái và bất ổn này? Mọi người ở các cấp lãnh đạo đều nhận ra rằng, họ đang ở trong một lãnh địa mà chưa ai từng đặt chân tới, cho dù họ đang cố khoác bên ngoài khuôn mặt của những người dũng cảm và tự tin nhất”.
Thật ra không cần đến nhận định từ bài viết trên Forbes, chính chúng ta cũng có thể tự nhận ra rằng các năng lực lãnh đạo hiện nay của doanh nhân là chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thời cuộc. Chúng ta lúng túng và không chống đỡ nổi khi chứng khoán sụt giảm. Chúng ta cuống cuồng tìm mọi cách đáo hạn nợ ngân hàng khi bất động sản không thể giải ngân. Chúng ta phập phồng khi giá vàng và tỉ giá ngoại tệ lên xuống không theo bất kỳ dự đoán nào. Và chúng ta đôi khi bất lực nhìn thị phần của mình bị xâm lấn trước sự càn quét của hàng Trung Quốc và các đại gia nước ngoài…
Việc kinh doanh trở nên khó khăn và nhiều thách thức hơn bao giờ hết. Cuộc đua tranh toàn cầu khốc liệt dần lên, thậm chí mọi người đang phải đua tranh toàn cầu ngay trong “nhà” của mình.
Chính vì thế, “lột xác” để đi lên chính là việc sống còn. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ phải tìm cách vượt qua khủng hoảng kinh tế-tài chính, mà còn phải biết cách vượt qua khủng hoảng về năng lực kinh doanh trong chính bản thân mỗi doanh nhân, doanh nghiệp. Đó cũng là hành trình bước vào một “thế giới kinh doanh” và một “thời đại kinh doanh” đã hoàn toàn đổi khác.
Nhìn lại lịch sử kinh thương và thăng trầm của thế hệ 1.0, 2.0
Việt Nam không có một lịch sử kinh thương lâu đời, bởi người Việt xưa xem kinh doanh là việc không đáng trọng. Mãi đến đầu thế kỷ XX, một khúc quanh rực rỡ của kinh thương mới được vẽ nên bởi các doanh nhân tiền bối như Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô… Nhưng rồi, dù tài năng và khát vọng có thừa, thế hệ doanh nhân “tiền bối” này cũng phải sớm dừng bước theo dòng chảy của thế sự.
Rồi một thời gian rất dài tiếp theo, lịch sử kinh thương của ta là những trang sử khá buồn tẻ và đơn điệu. Cũng có một vài điểm đáng chú ý của kinh doanh ở khu vực miền Nam, nhưng nhìn chung vẫn còn lẻ loi bên dòng chảy rộng lớn của kinh thương thế giới... Tiếp đó, kinh doanh gần như không có chỗ trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung và bảo hộ mậu dịch...
Cho đến khi “đổi mới”, cho đến khi Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân (năm 1990) chính thức được ban hành, và Luật doanh nghiệp Nhà nước được sửa đổi..., thì những mạch ngầm của dòng chảy kinh thương Việt Nam mới bắt đầu được khơi gợi...
Chính trong bối cảnh này, những doanh nhân thế hệ 1.0 đầu tiên của lịch sử kinh thương thời hiện đại đã ra đời. Phần đông trong số họ ra sức làm ăn để kiếm cơm, kiếm tiền và làm giàu, mang lại hạnh phúc cho mình và tạo dựng sự nghiệp riêng. Nhưng chính sự bộc phát này cũng tạo nên những hạn chế nhất định trong tính cách của đa số doanh nhân 1.0: họ chưa quan tâm nhiều đến trách nhiệm xã hội hay đạo đức kinh doanh, và thường chỉ quanh quẩn làm ăn đơn lẻ trong nước và chủ yếu là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt với nhau.
Giai đoạn tiếp theo đó là một giai đoạn với hàng loạt sự kiện mang tính chất “cột mốc” đối với giới doanh thương. Sự ra đời của Luật doanhnghiệp (năm 1999) với một tư tưởng cách mạng “người dân được làm những gì mà phápluật không cấm”, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (năm 2005) đã chọn ngày 13/10 hàng năm làm ngày tôn vinh doanh nhân, Nghị quyết của Đại hội Đảng X (năm 2006) với tinh thần “Đảng viên được làm kinh tế tư nhân”... đã mang đến làn gió “tự do kinh doanh” tươi mới cho người dân. Kể từ đó, hàng loạt doanh nhân, doanh nghiệp xuất hiện với hừng hực khí thế. Có thời gian, chỉ riêng TP.HCM, mỗi tuần, lại ra đời thêm 400 doanh nghiệp mới.
Và cũng trong bối cảnh đó, cùng với sự gia nhập WTO, với sự xuất hiện của những luồng tri thức kinh doanh toàn cầu vào Việt Nam, với sự tham gia thị trường của những tập đoàn đa quốc gia, sự trở về cùng chất xám và khát vọng cống hiến của những người Việt xa quê; những doanh nhân Việt uy tín hơn, có tâm và có tầm hơn đã xuất hiện - Đây có thể gọi là thế hệ doanh nhân 2.0.
Thế hệ này, bao gồm những doanh nhân trưởng thành từ thế hệ 1.0 và những doanh nhân mới, đã thực sự vẽ nên chân dung của những người chủ nhân của nền kinh tế VN thời kỳ sôi động nhất. Họ đã hình thành một giới riêng, chứ không còn là những nhóm người đơn lẻ trong xã hội. Một lực lượng doanh nhân đã bắt đầu trỗi dậy và nhiều doanh nhân trong thế hệ này đã cùng chia sẻ sứ mệnh: kiếm tiền bằng cách phục vụ xã hội và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Môi trường kinh doanh của thế hệ này cũng xuất hiện sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn giữa các đối tượng vận hành trong cùng một lãnh thổ và bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ hơn của yếu tố quốc tế hóa trong giao thương.
Cùng với sự thăng hoa trong thành công này, có rất nhiều doanh nhân thế hệ 2.0 đã được xã hội tôn vinh vì những đóng góp thiết thực của họ cho sự phát triển chung của kinh tế đất nước; nhưng cũng không ít người đã bị cuộc khủng hoảng hiện nay đốn ngã.
Chính vì vậy, hàng loạt câu hỏi cũng đã được đặt ra: Đâu là năng lực cốt lõi của bản thân mỗi doanh nhân và doanh nghiệp ngoài sự đa dạng hóa kinh doanh một cách thiếu định hướng? Đâu là nỗ lực nghiên cứu phát triển sản phẩm để đáp ứng nhu cầu và giải quyết vấn đề của xã hội của mỗi doanh nghiệp? Đâu là năng lực cạnh tranh của công ty chúng ta trong môi trường bình đẳng với thế giới? Đâu là những giá trị nền tảng của một doanh nghiệp lớn và trường tồn?...
Đi tìm “Doanh nhân 3.0”
Những tư tưởng của thời cuộc và sự thay đổi của bối cảnh xã hội đã hình thành nên những đặc tính rất cơ bản của mỗi thế hệ doanh nhân. Và chính cuộc khủng hoảng hiện nay, cùng bối cảnh hội nhập sâu rộng hơn về nhiều mặt của Việt Nam với thế giới cũng đã bắt đầu định danh những đặc tính cơ bản cho thế hệ doanh nhân của ngày mai: Doanh nhân 3.0.
Đó là những con người có khát vọng mới - khát vọng đua tranh mạnh mẽ cùng thế giới, dù quy mô của doanh nghiệp là lớn hay chỉ nhỏ gọn trong phạm vi gia đình, dù là đua tranh ở bên ngoài đất nước hay đua tranh với thế giới ngay trong “nhà” của mình, chứ không chỉ là đua tranh giữa các doanh nhân Việt với nhau. Đó còn là khát vọng dẹp bỏ những hình ảnh “doanh nhân Việt xấu xí” mà thay vào đó là khát vọng xây dựng hình ảnh mới đẹp hơn cho cả cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Doanh nhân 3.0, là những con người có năng lực mới - năng lực quản lý và lãnh đạo mới để có thể thực hiện được khát vọng mới nói trên. Cụ thể, đó là những doanh nhân: có khả năng nhìn xa (không chỉ 2 năm, 5 năm, mà có thể là 10 năm, 30 năm..., thậm chí là xa hơn) và trông rộng (không chỉ giới hạn ở tầm nhìn VN, mà còn có khả năng nhìn thấy cơ hội ở khắp nơi trên thế giới); có khả năng sống một cách đàng hoàng và làm việc thành công với những con người với đủ màu da, quốc tịch, chủng tộc, cũng như tôn giáo...
Và tất nhiên, doanh nhân 3.0 không thể không mang trong mình những giá trị mới, những phẩm chất, những văn hóa mới để làm nền tảng cho những doanh nhân có năng lực mới thực hiện khát vọng mới của mình. Những giá trị mới này, không nằm ngoài nền tảng đạo đức kinh doanh mà ông cha đã dày công vun đắp, không nằm ngoài tinh thần phụng sự xã hội mà thế giới tôn vinh, và cũng không nằm ngoài cái “đạo kinh doanh” mà thế hệ doanh nhân 2.0 đã bắt đầu nghĩ đến và tạo dựng. Những giá trị nền tảng (core values) đó có thể là: Tín thực (Integrity), Sáng tạo (Innovation), Khát vọng (Aspiration), Dấn thân (Dedication), Tôn trọng (Respect)…
Vậy, ai sẽ là những người tham gia vào thế hệ doanh nhân 3.0? Đó chắc hẳn là những doanh nhân trẻ mới được trui rèn và những doanh nhân hiện nay biết cách tự tái tạo lại bản thân mình, tự làm mới mình bằng khát vọng mới, năng lực mới và giá trị mới.
Xã hội đang chờ đợi sự “trở mình” của những doanh nhân muốn khẳng định mình trong thời đại mới. Xã hội đang mong mỏi sự xuất hiện của những niềm tự hào quốc gia có thể ca khúc khải hoàn trong cuộc đua tranh toàn cầu. Xã hội đang sẵn sàng tôn vinh những người con người dấn thân vào sự nghiệp kinh thương, để tạo dựng những giá trị vững chắc và trường tồn cho chính mình, cho dân tộc mình và mang nhiều giá trị cho thế giới.
Khủng hoảng - cũng là tiếng chuông báo hiệu thời đại mới đã vang lên. Cách tốt nhất để vượt qua khó khăn là nhìn thấy cơ hội, và cách hay nhất để thoát khỏi bế tắc là nhận ra con đường dài phía trước. Một nền kinh doanh mới đang chờ đợi chúng ta. Việt Nam đang thực sự cần những doanh nhân 3.0 dẫn dắt những doanh nghiệp 3.0 trong hành trình chinh phục nền kinh doanh 3.0. Đó sẽ là những con người lật lịch sử kinh thương Việt Nam sang một trang mới, và viết nên những dòng ghi chép hào sảng cho đời sau.
(TuanVietNam)