Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Doanh thu tăng, lợi nhuận giảm: Kết quả ở nhiều DN thép

  Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép trong quý I/2018 của cả nước tăng trưởng lần lượt là 25% và 29% so với cùng kỳ năm 2017.


Lợi nhuận của phần lớn doanh nghiệp thép sụt giảm bất chấp doanh thu tăng trưởng. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2018 của các doanh nghiệp thép đang được niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng cho thấy doanh thu bán hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận của hầu hết doanh nghiệp này đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều doanh nghiệp báo lãi giảm

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận quý I/2018 của các doanh nghiệp thép đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái là do biên lợi nhuận gộp giảm mạnh. Đơn cử như Tập đoàn Hoa Sen, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này trong quý I/2018 là 13,55%, thấp hơn nhiều so với con số 18,61% của quý I/2017. Điều này đã làm cho lợi nhuận gộp quý I/2018 giảm 118 tỷ đồng (tương đương 10%) xuống còn 1.038 tỷ đồng, trong khi doanh thu thuần tăng thêm 1.450 tỷ đồng (tương đương 23,34%). Ngoài ra, các khoản chi phí của Hoa Sen đều tăng vọt so với quý I/2017. Cụ thể, chi phí tài chính tăng thêm 63,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng thêm 112,9 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng thêm 116,9 tỷ đồng. Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý I/2018 của Hoa Sen đạt 86 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự Hoa Sen, mặc dù doanh thu thuần quý I/2018 của Công ty CP Ðầu tư Thương mại SMC đạt 3.263 tỷ đồng, tăng 15% nhưng giá vốn hàng bán lại tăng tới 19% làm cho lợi nhuận gộp chỉ đạt 170,8 tỷ đồng (giảm tương ứng 24%). Kết quả lợi nhuận sau thuế của SMC giảm 35,7 tỷ đồng xuống còn 74 tỷ đồng (giảm 32,54%).

Lượng sản xuất thép tháng 4 đạt 850.000 tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Ước 4 tháng đầu năm đạt 3,21 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng tiêu thụ tháng 4 đạt 830.000 tấn, tính chung 4 tháng đạt 3,07 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại các doanh nghiệp kinh doanh thép khác như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (mã chứng khoán: TIS), Công ty CP Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG), Công ty CP Tập đoàn Thép Tiến Lên (mã chứng khoán: TLH),...

Trong quý I/2018 chỉ có Công ty CP Thép Đà Nẵng (mã chứng khoán: DNS), Tổng Công ty Thép Việt Nam (mã chứng khoán: TVN) và Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) báo tăng trưởng lợi nhuận trên 2 con số.

Trong đó, ở vai trò "anh cả", Tập đoàn Hòa Phát vẫn thể hiện vị thế đứng đầu với doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.222 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 27% và 15% so với cùng kỳ năm 2017. Biên lợi nhuận gộp quý I/2018 của Hòa Phát là 22,81%, giảm nhẹ so với con số 24% cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng cho thấy sự tăng trưởng ổn định của Hòa Phát.

Còn đối với TVN, kết thúc quý I/2018, doanh thu bán hàng đạt 5.164 tỷ đồng, tăng 16,54%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 18,5% làm cho lợi nhuận gộp đạt 374,8 tỷ đồng, giảm 3%. Tuy nhiên, TVN lại có thêm khoản lợi nhuận 246,8 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết (gấp 4 lần so với cùng kỳ 2017) giúp lãi ròng trong quý đạt 383 tỷ đồng, tăng trưởng 64%.

Chỉ duy nhất Công ty CP Thép Đà Nẵng có biên lợi nhuận gộp tăng. Do vậy, mặc dù doanh thu quý I/2018 gần như không đổi so với cùng kỳ 2017, nhưng lợi nhuận ròng lại tăng trưởng 107%.


Kết quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp thép (Đơn vị tính: tỷ đồng)

Dấu hiệu tích cực đầu quý II/2018

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng sản xuất và tiêu thụ thép trong 4 tháng đầu năm 2018 tương đối tốt vì thời tiết thuận lợi và ngành xây dựng đang vào mùa. Theo đó, lượng sản xuất thép tháng 4 đạt 850.000 tấn, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Ước 4 tháng đầu năm đạt 3,21 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017. Lượng tiêu thụ tháng 4 đạt 830.000 tấn, tính chung 4 tháng đạt 3,07 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Dự báo thời gian tới, ngành thép chịu nhiều áp lực do tình hình bảo hộ thương mại đang diễn ra ngày càng nhiều trên thế giới. Hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU đều khởi xướng điều tra, áp dụng thuế bảo hộ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường trong nước lại hứa hẹn nhiều triển vọng vì nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng và hoạt động đầu tư được chú ý triển khai ngay từ đầu năm.

Về cơ bản, các sản phẩm thép và tôn mạ có chất lượng sản phẩm khá tương đồng giữa các công ty, vì vậy sự cạnh tranh thường theo chiến lược dẫn đầu về chi phí thấp. Theo đó, những công ty có thị phần lớn nhất và có chi phí thấp nhất, kênh phân phối rộng sẽ chiếm được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ có chi phí cao.

Nguồn tin: Đấu thầu

ĐỌC THÊM