Vừa qua, nhiều DN thép như "ngồi trên lửa" khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định áp thuế đối với thép chống gỉ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Liên quan đến vấn đề này Bộ Công Thương khẳng định, tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN, đồng thời ngăn chặn các hành vi lẩn tránh bất hợp pháp, gian lận thương mại.
Cụ thể, Mỹ sẽ áp thuế quan lên tới 456,23% đối với một số sản phẩm thép sản xuất ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan được vận chuyển tới Việt Nam để gia công nhỏ rồi cuối cùng xuất khẩu sang Mỹ. Đây là mức thuế chống lẩn tránh thuế cao nhất mà phía Mỹ từng áp dụng với sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguyên nhân khiến DOC quyết định tăng "sốc" thuế thép từ Việt Nam là do các DN và Hiệp hội thép Mỹ đã cáo buộc Việt Nam sử dụng thép nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan để làm nguyên liệu sản xuất chính, sau khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lên các sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội từ hai nước này, khiến lượng sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, lần lượt 331% và 916% so với các năm trước đó.
Doanh nghiệp cần thận trọng mở rộng đầu tư sản xuất thép
Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) - thông tin, vụ việc này đã được phía Mỹ khởi xướng điều tra từ ngày 2/8/2018, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của Đài Loan và Hàn Quốc từ năm 2016.
Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng đối với Đài Loan và Hàn Quốc.
"Căn cứ kết luận sơ bộ, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với sản phẩm thép CR và thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu, mức ký quỹ sẽ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc và Đài Loan" - ông Lê Triệu Dũng cho hay.
Tuy nhiên, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế với nguyên liệu từ Hàn Quốc và Đài Loan, trong trường hợp thép CR, CORE được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác sẽ không bị áp thuế trong vụ việc này. Trong quá trình điều tra, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Thép, các DN liên quan của Việt Nam để hợp tác, cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Mỹ về quá trình sản xuất tại Việt Nam, mức độ giá trị gia tăng của sản phẩm... Dự kiến, kết luận chính thức sẽ được đưa ra sau 3 - 4 tháng.
Ông Lê Triệu Dũng cũng khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan liên quan, hiệp hội DN và phía Mỹ trong các giai đoạn tiếp theo của vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của DN phù hợp với quy định pháp luật và các hiệp định của WTO.
Ngoài ra, để ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan rà soát, phân công lại và siết chặt việc cấp CO, đồng thời khuyến nghị DN thận trọng mở rộng đầu tư sản xuất sản phẩm thép do nguồn cung trên thế giới có hiện tượng dư thừa, chưa kể nhiều nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với các mặt hàng này. Nếu sản xuất với mục tiêu xuất khẩu, DN phải tìm nguồn nguyên liệu phù hợp.
"Với nhà máy của Formosa đã đưa vào hoạt động và tới đây là Nhà máy Hòa Phát Quảng Ngãi, Việt Nam sẽ cơ bản chủ động được nguồn nguyên liệu thép cán nóng, hạn chế bị ảnh hưởng bởi mức thuế cao do Mỹ áp dụng", ông Lê Triệu Dũng nhấn mạnh.
Nguồn tin: Congthuong