Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đôla giảm, giá bán hàng nhập khẩu vẫn cao ngất

Trong khi giá đôla ngân hàng và tại các quầy thu đổi tự do liên tục giảm mạnh thì các điểm bán hàng bằng USD vẫn tính theo mức cũ.

Hỏi mua túi đựng máy ảnh tại một cửa hàng trên phố Thụy Khuê (Hà Nội), chị Lan được báo 54 USD. Theo đó, mỗi USD sẽ được tính 21.000 đồng. So với tỷ giá tại một số ngân hàng cũng như thị trường tự do sáng nay là khoảng 20.700 đồng một USD bán ra, thì mức này cao hơn ít nhất 300 đồng một USD.

Liên hệ chi nhánh cửa hàng này tại TP HCM sáng 27/4, chị Lan cũng được nhân viên thông báo giá một đôla là 21.000 đồng. Thắc mắc, chị được giải thích, là do thị trường USD đang biến động từng ngày nên cửa hàng chưa dám điều chỉnh. Song chị cũng nói, cửa hàng đang cân nhắc áp dụng cách tính mới để phù hợp với nguyện vọng của khách hàng và diễn biến tỷ giá.

Ngày 25/4, anh Hưng, thành viên của VietAuto, một địa chỉ bán ôtô nhập khẩu cho biết, các sản phẩm anh bán đều tính 20.870 đồng một USD. Mức này cao hơn so với tại ngân hàng và chợ "đen" khoảng 40-110 đồng mỗi USD. Tuy nhiên đây là giá đã cố gắng điều chỉnh để gần hơn với tỷ giá tại ngân hàng. Trước đó chỉ một ngày, mỗi USD còn được tính 20.900 đồng.

Như vậy, mỗi chiếc ôtô bán ra có giá 63.000 USD, khách phải trả thêm khoảng 2,5-6 triệu đồng.

Việc tính tỷ giá cao hơn ngân hàng và thị trường tự do vẫn được không ít các điểm kinh doanh áp dụng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Một số dịch vụ còn có xu hướng đẩy giá cao lên từng ngày, bất chấp sự giảm giá của tỷ giá ngân hàng và thị trường tự do.

Hôm 25/4, một công ty du lịch thông báo mức tỷ giá 20.900 đồng mỗi USD. Theo đó, khách đi du lịch nước ngoài từ chuyến đi Thái Lan với chi phí 359 USD đến những tour châu Âu giá 2.599 USD thì sẽ bị mất thêm từ vài chục nghìn tới mấy trăm nghìn đồng. Nhân viên của công ty này cho hay, nếu khách không đồng ý với tỷ giá quy đổi trên thì có thể tự đi mua USD để giao dịch bằng đồng ngoại tệ.

Thường xuyên đi nước ngoài du lịch, anh Quang Huy (Đê La Thành, Hà Nội) cho hay, với những yêu cầu như trên, nếu khách dễ tính thì cho qua, nhưng nếu gặp phải người khó tính, thì nhân viên sẽ nghe chửi, mắng ngay lập tức. "Làm như thế quá bằng đánh đố khách hàng. Đi du lịch đổi đôla tại ngân hàng đã khó, giờ lại còn phải mua USD để thanh toán tiền tour thì đúng là 'chơi khó' khách", anh Huy bức xúc.

Sáng 26/4, đơn vị du lịch này tiếp tục tăng lên 21.300 đồng một USD. Con số này chênh so với tỷ giá đôla ngân hàng cùng ngày tới 560 đồng mỗi USD. Nếu so với tỷ giá hối đoái hiện nay, thì vênh 600 đồng một USD. Điều này đồng nghĩa với khách đi du lịch nước ngoài tiếp tục phải trả thêm vài chục đến vài trăm ngàn đồng dù tỷ giá USD ngân hàng hay tự do vẫn đang trên đà giảm. Nhân viên ở đây khẳng định, họ tính theo tỷ giá USD thị trường chứ không tính theo các ngân hàng.

Một địa chỉ bán hàng xách tay nhập khẩu từ Nhật cũng tiết lộ từ vài ngày nay, dù giá USD trên thị trường Việt Nam đang giảm mạnh thì shop chị vẫn tính 21.300 đồng một USD. Nguyên nhân là hàng nhập về được tính giá đôla quy đổi theo bên Nhật Bản.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội nói với VnExpress.net, cùng với niêm yết giá bán bằng đôla, việc tính tỷ giá cao hơn cả ngân hàng cũng là hành vi vi phạm. Ông Hưng cho rằng, một bộ phận người dân đồng ý mua hàng tính giá bằng USD là gián tiếp tiếp tay cho sự phát triển của thị trường đôla chợ "đen".

Nguyên nhân là có cầu mới có cung, người mua có chấp nhận trả theo USD thì người bán mới niêm yết. Khi ngân hàng không đủ để đáp ứng nhu cầu người dân, thì nảy sinh thị trường chợ "đen". Ông Hưng cho rằng, cần phải mạnh mẽ và kiên quyết hơn nữa trong việc giám sát các hành vi quảng cáo, niêm yết giá và cần thiết có hình thức phạt nặng hơn nữa.

Một đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế công an Hà Nội cũng cho rằng việc các điểm kinh doanh dịch vụ hay hàng hóa nói trên dùng tỷ giá riêng để áp dụng giá bán là sai quy định của pháp luật.

Không những thế, việc người kinh doanh tự ý niêm yết giá bằng đôla mà lại tính tỷ giá cao hơn ngân hàng cũng như thị trường chợ "đen" là việc làm không thể chấp nhận trên lãnh thổ Việt Nam, ông nói.

Ông này cho hay tổ liên ngành giữa cảnh sát kinh tế và Ngân hàng Nhà nước vẫn thường xuyên đi kiểm tra những vi phạm về niêm yết giá hàng hóa và bán hàng hóa bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, theo ông, chế tài xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe những vi phạm này. Ông cũng đưa ra đề xuất, thời gian tới, các cơ quan quản lý cần tăng nặng mức phạt đối với những hành vi nói trên. Điều này cũng phù hợp với chủ trương và chính sách của Nhà nước trong thắt chặt chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế, kiềm chế lạm phát.

Nguồn: Vnexpress

ĐỌC THÊM