Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Đôla Mỹ xuống mức thấp nhất 10 tháng

Đà lên giá mạnh mẽ của đồng euro đang gây sức ép với Mỹ kim. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục lập kỷ lục mới về dự trữ ngoại hối.

Euro không ngừng lên giá sau thông tin về gói cứu trợ của Liên minh châu Âu dành cho Hy Lạp. Đồng USD trong phiên giao dịch đầu tuần đã chứng kiến đợt sụt giảm tồi tệ nhất so với EUR kể từ thời điểm tháng 6 năm ngoái. Mỗi EUR đổi được 1,3569 USD, nới rộng biên độ lên 1,4%.

Trên thị trường hàng hóa, dầu thô tiếp tục xu hướng điều chỉnh ngày thứ tư liên tiếp, khi lùi sát về ngưỡng 84 đôla một thùng. Giá vàng đen giao ngay tháng 5 giảm 14 cents, xuống 84,2 đôla. Giới phân tích thị trường dự báo, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần này sẽ vẫn tăng ở mức cao trên 1,15 triệu thùng.

Thị trường kim loại quý không nhiều biến động, giá vàng lình xình quanh đỉnh cao 4 tháng. Giá vàng giao ngay chạm ngưỡng 1.160 đôla một ounce, nhích nhẹ một đôla so với phiên cuối tuần trước.

Trung Quốc tiếp tục đứng đầu thế giới về dự trữ ngoại tệ. Ảnh:
Trung Quốc tiếp tục đứng đầu thế giới về dự trữ ngoại tệ. Ảnh: Xinhua

Tính đến cuối tháng 3, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã xác lập mức kỷ lục mới, 2.447,1 tỷ đôla, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong quý I/2010, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tăng thêm được 47,9 tỷ đôla, cao hơn hẳn so với mức tăng 40,2 tỷ đôla trong 3 tháng đầu năm 2009. Hãng tin AFP bình luận, với con số xấp xỉ 2.450 tỷ đôla, hiện dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu thế giới. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc tính tới cuối tháng 12/2009 đạt 2.399 tỷ đôla, chiếm 30,7% tổng dự trữ ngoại tệ của thế giới. Tính tới hết quý I/2010, dự trữ vàng của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức 33,89 triệu ounce.

Thị trường bán lẻ của Hong Kong tăng trưởng nhảy vọt. Theo thống kê của chính quyền Đặc khu kinh tế Hong Kong, doanh số bán lẻ trong tháng 2 tăng vọt 36% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1988. Trong đó, đóng góp nhiều nhất vào đà tăng trưởng ấn tượng trên đến từ sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ của người dân Hong Kong cũng như khách du lịch đến từ Trung Quốc. Cũng theo bản thống kê này, số lượng các mặt hàng xa xỉ như đồ trang sức, đồng hồ, ôtô… được tiêu thụ trong tháng 2 tăng đáng kinh ngạc 48%. Trong tháng 2, số lượng du khách từ Trung Quốc đại lục sang Hong Kong đạt 2,87 triệu người, tăng 49% so với thời điểm trước đó 1 năm.

Honda Motor yếu thế trên đất Mỹ. Tờ Business Week cho biết, sau một thập kỷ tăng trưởng không ngừng ở Mỹ, nhà sản xuất ôtô Honda đã ngậm ngùi chứng kiến thị phần của hãng tại thị trường này giảm xuống còn 10,1% trong quý một, từ mức 10,5% cùng kỳ năm trước. Trong khi, thị phần của các hãng xe châu Á khác đều tăng, chẳng hạn như thị phần của Nissan từ 7,9% tăng lên 9%, hay Hyundai tăng từ 4,2% lên 4,4%. Giới phân tích cho rằng, sở dĩ thị phần của Honda sa sút là do những mẫu xe mới mà họ tung ra thị trường không ấn tượng bằng sản phẩm của các hãng đối thủ. Trong quý một, doanh số bán xe của Honda tại Mỹ tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng so với mức tăng trung bình của toàn thị trường là 17,1% thì con số trên không thực sự gây ấn tượng.

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS công bố lợi nhuận khủngtrong quý một. Trong một thông báo đột xuất được UBS công bố hôm thứ hai, nhà quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới cho biết, lợi nhuận trước thuế của hãng đạt 2,5 tỷ franc Thụy Sỹ, tương đương 2,3 tỷ đôla – cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thu được từ các tài sản cố định đóng góp phần nhiều vào kết quả kinh doanh ấn tượng của UBS, đặc biệt là trong lĩnh kinh doanh ngoại hối, nơi mà thị phần của hãng lên tới 15% tổng các giao dịch trên toàn thế giới. Sau khi công bố khoản thua lỗ chưa từng có lên tới 18 tỷ đôla trong năm 2008, UBS đã bắt đầu làm ăn có lãi trong quý IV/2009.

Vnexpress

ĐỌC THÊM