Các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa giá bán USD xuống dưới 21.000 đồng, giảm 20 đến gần 40 đồng so với chiều qua, sau tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước về việc không phá giá tiền đồng.
Các ngân hàng sáng nay tích cực bán đôla ra thị trường, khiến giá giảm mạnh. Ảnh: Hoàng Hà |
Mở cửa sáng nay, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam đưa giá bán USD về 20.980 đồng, sau khi vọt lên chạm mốc 21.000 đồng vào chiều qua. Trong khi đó, giá mua vào của ngân hàng này vẫn được duy trì ở 20.900 đồng. Niêm yết bán hạ nhiệt sau một buổi chiều thị trường tăng nóng, đột ngột có thêm 60 đến 70 đồng so với sáng 21/2.
Eximbank, một trong những ngân hàng đẩy giá bán USD lên cao nhất vào chiều qua - đạt mốc 21.035 đồng, đến sáng nay cũng đã điều chỉnh giảm mạnh. Theo đó, chiều mua và bán USD tại đây hạ lần lượt 70 - 37 đồng, xuống 20.835 - 20.980 đồng.
Diễn biến tỷ giá tại ngân hàng BIDV thay đổi khá nhanh trong sáng nay. Đầu giờ sáng, ngân hàng này báo giá bán USD ở 21.000 đồng chẵn, ngang bằng với đóng cửa chiều qua. Tuy nhiên niêm yết đi xuống nhanh chóng, còn 20.970 đồng lúc 8h30 và 20.930 đồng lúc 8h44. Chiều thu mua USD tại ngân hàng này cũng bốc hơi 70 đồng tính đến 8h45, xuống 20.830 đồng.
Trên thị trường liên ngân hàng sáng nay, các ngân hàng đồng loạt bán ra khiến cung tăng mạnh, kéo tỷ giá mua bán xuống còn 20.850 - 20.870 đồng mỗi đôla.
Cùng với diễn biến hạ nhiệt tại các ngân hàng, tỷ giá đôla trên thị trường tự do đầu giờ sáng nay tăng nhẹ chiều bán và hạ nhẹ chiều mua. Tính đến 8h30, các điểm thu đổi ngoại tệ báo giá bán USD ở 21.120, cao hơn 20 đồng so với chiều qua. Giá mua hạ 30 đồng xuống 21.050 đồng. "Đây mới là giá tạm thời thôi đầu giờ sáng thôi", chủ một điểm thu đổi cho hay.
Thị trường ngoại tệ tăng nóng từ sau Tết, tỷ giá tự do bỏ xa niêm yết trong ngân hàng và vượt mốc 21.000 đồng sau nhiều tháng duy trì dưới 20.900 đồng một đôla. Từ chiều qua, tỷ giá ngân hàng bắt đầu nhảy múa, tăng nhanh hơn cả tự do và cũng vượt mốc 21.000 đồng.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho hiện tượng này, khởi điểm là đề xuất của một số chuyên gia về việc tranh thủ lạm phát thấp, thừa ngoại tệ để phá giá tiền đồng, hỗ trợ xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng nên giảm giá tiền đồng 2-3% so với đôla Mỹ và thực hiện ngay trong quý một.
Ngân hàng Nhà nước sau đó không có phản bác chính thức, chỉ đánh tiếng qua một số phương tiện truyền thông rằng đề xuất này khó khả thi bởi Việt Nam cần ổn định vĩ mô, phá giá sẽ làm giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao, gây lạm phát và làm tăng chi phí vay nợ nước ngoài.
Các nhà đầu tư tiếp tục rỉ tai nhau về khả năng phá giá tiền đồng, khi mà một số ngân hàng tăng thu gom đôla sau Tết để cân bằng trạng thái và phục vụ nhu cầu thanh toán đến hạn. Thị trường gần như mất kiểm soát vào chiều qua, khi Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Trần Bắc Hà bị đồn bắt giữ, khiến tỷ giá ngân hàng tăng vọt.
Cuối chiều qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã đứng ra tuyên bố không phá giá tiền đồng, thanh khoản ngoại tệ đang dồi dào và dự trữ quốc gia đang ở mức cao kỷ lục. Cả năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước mua ròng 15 tỷ USD và tiếp tục mua thêm 5 tỷ USD trong những ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua.
Một số nguồn tin cho hay, dự trữ ngoại hối quốc gia hiện vào khoảng 30 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Từ chiều qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải tăng cường bán đôla và khuyến cáo ngừng thu mua từ thị trường.
"Đơn vị nào có nhu cầu thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cam kết đáp ứng đầy đủ", ông Hưng nói.
Nguồn tin: Vnexpress